Ứng phó dịch Covid-19 trong tình hình mới

Thứ 7, 17.04.2021 | 09:19:30
931 lượt xem

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đã qua 22 ngày không có ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại khu vực Đông Nam Á, nhất là biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam Bộ

Sáng 16-4, tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian qua, thế giới triển khai mạnh mẽ việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhưng tình hình dịch vẫn là thách thức lớn với toàn cầu và Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới trở lại phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội.

Cách ly chặt chẽ

Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định việc kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong năm 2021 rất khó khăn với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Hiện khu vực "nóng" về dịch Covid-19 là biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam Bộ.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế sẽ tăng cường chỉ đạo phòng chống dịch khu vực này, nhằm ngăn chặn các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép. Việc cách ly chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát dịch Covid-19. Nếu buông lỏng, để xảy ra tình trạng lây nhiễm cộng đồng, đặc biệt với các biến chủng mới của Anh và Nam Phi thì việc kiểm soát dịch sẽ rất khó khăn. Đặc biệt, tăng cường tầm soát phát hiện các ca nhiễm; các địa phương cần lên kế hoạch xét nghiệm tại những khu vực có đối tượng có nguy cơ cao. "Như vừa qua, Campuchia, Thái Lan đã phát hiện ca bệnh tại các khu giải trí, nơi tập trung đông người. Chúng ta cũng vậy, chú trọng xét nghiệm các khu vực nguy cơ, những nhân viên làm việc tại các khu vực có nguy cơ" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Ứng phó dịch Covid-19 trong tình hình mới - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 tại TP HCM. (Ảnh do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cung cấp)

Tại hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang cho biết tại đây, gần 4% người mắc Covid-19 trong số người về, được cách ly. Có ngày nhập cảnh 10 người thì tất cả đều dương tính với SARS-CoV-2. Đại diện Ban Chỉ đạo chống dịch tỉnh Kiên Giang đề xuất Bộ Y tế ưu tiên bổ sung vắc-xin cho các tỉnh biên giới như Kiên Giang, tăng cường vật tư xét nghiệm; hỗ trợ thêm máy móc xét nghiệm cho địa phương này.

Về tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết nhiều địa phương đã kết thúc tiêm đợt 1. Để bảo đảm người tiêm vắc-xin Covid-19 được thực hiện đúng kế hoạch, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 sau khi 811.000 liều vắc-xin đã được phân bổ cho các đơn vị, bộ - ngành và địa phương. Việc tiêm chủng này phải xong trước ngày 15-5, bởi vắc-xin Covid-19 do COVAX Facility cung ứng có hạn dùng đến ngày 31-5.

Tại cuộc họp, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và khẳng định vắc-xin là một trong những biện pháp phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, WHO cũng cho rằng vắc-xin không phải là biện pháp duy nhất phòng chống dịch. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch như đã thực hiện hơn 1 năm nay.

Ngăn chặn dịch từ biên giới

Ông Trần Hòa Hợp, Chủ tịch UBND huyện An Phú (tỉnh An Giang), ngày 16-4, cho biết đã xác định được 16 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhận (BN) 2.746 và 2.747 (vợ chồng mắc Covid-19 trở về từ vùng dịch Campuchia vào ngày 13-4). Cả 16 trường hợp được xác định là các chiến sĩ chốt biên phòng và cán bộ tại khu cách ly tập trung. Tất cả những trường hợp này đều cho kết quả âm tính lần đầu với Covid-19 do giữ khoảng cách an toàn và thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong quá trình tiếp xúc với các BN.

Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo cho các đơn vị chức năng cùng chính quyền địa phương khẩn trương khoanh vùng, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với 2 ca mắc Covid-19 mới này khi Bộ Y tế vừa công bố. Yêu cầu ngành y tế xây dựng nhanh bệnh viện dã chiến tại huyện Châu Thành để phục vụ tốt công tác cách ly, điều trị và để tránh bị lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Đồng thời, hỗ trợ kịp thời cho huyện An Phú về trang thiết bị cũng như kinh nghiệm về việc điều trị Covid-19 và phải bảo đảm an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ trong việc điều trị bệnh cũng như bảo đảm không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang còn yêu cầu lực lượng biên phòng chủ trì cùng với lực lượng quân sự và công an xây dựng lực lượng dự phòng để sẵn sàng thay thế cho lực lượng tuyến đầu nhằm bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch, trong đó lực lượng biên phòng là nòng cốt. Các xã, phường các huyện biên giới cần chú trọng xây dựng lực lượng tình nguyện để cùng tham gia trong phòng chống dịch.

Thượng tá Sử Vinh Thông, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Dương Đông (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), cho biết để kiểm tra kiểm soát tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, ban chỉ huy thường xuyên khảo sát những vị trí, điểm xung yếu mà các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép có thể đổ bộ; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24, động viên lực lượng tuần tra đề cao cảnh giác, nhất là vào ban đêm; kiểm tra các tàu cá, tàu phà cao tốc thường xuyên ra vào cảng Bãi Vòng và cảng Dương Đông. Khi phát hiện các đối tượng nghi vấn nhập cảnh trái phép vào TP Phú Quốc, lực lượng biên phòng thông báo ngay đến cơ quan chức năng của TP để thực hiện các biện pháp xử lý như: đưa đi cách ly tại Trung tâm Y tế TP Phú Quốc, khởi tố vụ án, khởi tố bị can… 


Ngọc Dung - Thốt Nốt - Hoàng Tuấn/nld.com.vn

https://nld.com.vn/thoi-su/ung-pho-dich-covid-19-trong-tinh-hinh-moi-20210416215544652.htm

  • Từ khóa