Quảng Ninh: Sức cạnh tranh được tích luỹ nhờ tầm nhìn xa và nhất quán trong hành động

Chủ nhật, 18.04.2021 | 14:26:40
529 lượt xem

Năm thứ 4 liên tiếp giữ ngôi đầu trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và giành vị trí quán quân Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020, Quảng Ninh thực sự là “hiện tượng” đáng chú ý. Đây là kết quả cả chặng đường nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh, với tầm nhìn xa mang tính chiến lược và sự nhất quán trong hành động.


Quảng Ninh giữ vị trí quán quân PCI năm thứ 4 liên tiếp.Ảnh:VGP/HT.

Báo cáo PAPI 2020 vừa được Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam công bố cho thấy, Quảng Ninh thăng hạng 2 bậc, trở thành tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng với tổng điểm 48,811. Trong 8 chỉ số thành phần, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước ở 3 tiêu chí: Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định (6,499 điểm); kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (8,286 điểm) và cung ứng dịch vụ công (7,713 điểm).

Trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 công bố sau đó 1 ngày, Quảng Ninh cũng xác lập vững chắc vị trí “quán quân” năm thứ 4 liên tiếp. Đáng chú ý, đây là tỉnh duy nhất trong cả nước vượt qua mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây. 

Trái ngọt từ nỗ lực tiên phong, đột phá

Có thể nói, Quảng Ninh là một hiện tượng rất đáng chú ý với những cách làm mang tính tiên phong, đột phá trong thời gian vừa qua. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập và vận hành các Trung tâm hành chính công tập trung với phương châm “1 cửa, 5 tại chỗ”, đưa chính quyền đến gần với người dân. Không chỉ vậy, Quảng Ninh cũng đi đầu trong việc xây dựng và công bố chỉ số đánh giá cấp sở, ngành, huyện thị (DDCI) rất bài bản và chuyên nghiệp. Thậm chí, tỉnh còn chủ động khai thác mạng xã hội để tương tác, cung cấp thông tin và xử lý phản hồi của doanh nghiệp (DN) và người dân…

“Thậm chí nếu chính sách, pháp luật có điểm chưa rõ thì chính quyền rất ít khi lúng túng, không làm gì cả hay đợi xin được ý kiến chỉ đạo (tỷ lệ thấp nhất cả nước)”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đại diện nhóm chủ trì đánh giá về chỉ số PCI, nhận xét.

Chính quyền tỉnh đã rất năng động, sáng tạo trong các chủ trương và cách làm theo hướng có lợi cho hoạt động kinh doanh, đầu tư. Quảng Ninh thành lập cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư trực thuộc UBND tỉnh, tiếp cận các chuẩn mực thế giới với khẩu hiệu hành động “Theo bước chân của các nhà đầu tư”, tích hợp được các thủ tục đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Chính vì thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực, nên Quảng Ninh là mảnh “đất lành” để các nhà đầu tư lớn tìm đến. Đây chính là địa phương đầu tiên có sân bay quốc tế - Cảng hàng không Vân Đồn - do tư nhân đầu tư xây dựng.

Nhìn xa hơn, tư duy đổi mới của Quảng Ninh đã bắt đầu khi chính quyền tỉnh vạch ra bước chuyển mang tính chiến lược từ “kinh tế nâu” (khai thác mỏ) sang “kinh tế xanh”, lấy phát triển các ngành thương mại dịch vụ, du lịch làm trọng tâm. Muốn vậy, điều kiện cần quan trọng là phải xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ. Xác định không thể trông chờ ngân sách từ Trung ương, lãnh đạo Quảng Ninh đã mạnh dạn đề xuất Trung ương cho làm thí điểm hợp tác công tư (PPP), để rồi những mô hình đầu tiên triển khai ở đây trở thành cơ sở cho Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư ra đời.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận xét, “vùng đất mỏ” là một trong số rất ít địa phương thành công trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư xã hội cho các dự án đối tác công tư (PPP) lớn, với phương châm ”lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, huy động nguồn lực mạnh mẽ từ khối tư nhân để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ.

Liên tiếp các tuyến cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, Hạ Long-Vân Đồn, Vân Đồn-Móng Cái được đầu tư xây dựng, kết nối Quảng Ninh với các trung tâm kinh tế, du lịch lớn nhất phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, trở thành tam giác tăng trưởng mạnh mẽ của cả nước.

Nút giao Minh Khai giữa 2 tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và Hạ Long - Vân Đồn với QL18 nằm tại
vị trí cửa ngõ TP Hạ Long-2. Ảnh: Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh.


Chỉ có một ngôn ngữ, không có tư duy nhiệm kỳ

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Ký chia sẻ, sự phát triển đột phá của Quảng Ninh trong những năm gần đây được đặt nền móng từ lúc địa phương đang phải đối mặt với không ít thách thức khi chuyển từ “kinh tế nâu sang xanh” với các quy hoạch hết sức bài bản.

Lãnh đạo tỉnh đã lựa chọn thiết kế và công khai 7 quy hoạch gồm: kinh tế xã hội; quy hoạch vùng; nhân lực; du lịch; đất đai; môi trường; và khoa học công nghệ. Đáng chú ý, hầu hết các quy hoạch đều có sự tham gia thực hiện của các tư vấn hàng đầu quốc tế như các Tập đoàn tư vấn McKinsey, BCG (Mỹ), hay các Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering-NSC và NIPPON KOEI (Nhật Bản).

Các bản quy hoạch được công khai, là một kênh chỉ dẫn quan trọng để các nhà đầu tư nắm được bức tranh toàn cảnh và thông tin về định hướng triển khai của tỉnh tới 2020, 2030 và xa hơn nữa. Và chính quyền các cấp điều hành đều dựa trên quy hoạch, với các luận cứ khoa học đầy đủ, tạo nền tảng quản trị bền vững.

Ông Nguyễn Xuân Ký chia sẻ, Quảng Ninh thành công là do luôn có sự nhất quán xuyên suốt các nhiệm kỳ và ở mọi cấp độ. Quảng Ninh chỉ có một ngôn ngữ, không có tư duy nhiệm kỳ, người đi sau không phá vỡ quy hoạch của người đi trước.

Quảng Ninh đang tiếp tục vươn lên

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Quảng Ninh chỉ có một ngôn ngữ,
không có tư duy nhiệm kỳ. Ảnh:VGP/HT.


Quảng Ninh đang hướng tới năm 2030 với quyết tâm xây dựng tỉnh là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế… Và tới năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo…

Tuy nhiên, Bí thư Nguyễn Xuân Ký thẳng thắn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Quảng Ninh có thêm những thách thức đang phải đối mặt. Trong đó, một nút thắt là nguồn nhân lực. So với các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh có dân số thấp hơn nhiều (chỉ khoảng hơn 1,3 triệu người). Với mặt bằng thu nhập khá và giá cả sinh hoạt cũng không hề thấp, việc thu hút lao động ở địa phương không đơn giản. Về đào tạo, đến nay tỉnh mới bước đầu triển khai được chiến lược đào tạo bài bản hơn (như đầu tư phát triển Đại học Hạ Long).

Ngoài ra, tỉnh cũng có các vùng biên giới, hải đảo xa xôi với mức sống người dân còn thấp (khoảng 2.500 USD/năm). Lãnh đạo tỉnh đang trăn trở tìm hướng tháo gỡ, chuyển đổi cách thức làm ăn cho người dân thoát nghèo. Tỉnh cũng phải giải được bài toán xây dựng, thu hút các dự án phát triển kinh tế mạnh mẽ nhưng vẫn phải bảo đảm “dự phòng” nguồn lực đất đai cho các thế hệ tương lai.

Khẳng định rằng Quảng Ninh không “ngủ quên” dù năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đang dẫn đầu liên tiếp, bởi sự cạnh tranh ngày một lớn giữa các địa phương, khoảng cách giữa các nhóm đang được thu hẹp, Bỉ thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết: Tỉnh chưa thể hài lòng với hiện tại, các chỉ số còn dư địa nâng hạng, Quảng Ninh đang tiếp tục vươn lên.  

Một góc đô thị Hạ Long ngày nay. Ảnh: Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh.

Do đó, các mục tiêu về cải thiện các chỉ số như PCI, PAPI, ICT index… được thống nhất đưa luôn vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025. Các tiêu chí cụ thể được nêu ra tạo áp lực rất lớn cho lãnh đạo địa phương, nhưng cũng là động lực để thực hiện các cam kết về cải cách.

Lãnh đạo tỉnh cho biết, Quảng Ninh cố gắng phấn đấu đưa nhiều chỉ số lên “top” đầu nhưng phải thực chất. Phấn đấu đạt thứ hạng là cần thiết, nhưng quan trọng là phải tạo cho được nền tảng vững chắc để phát triển một nền kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, công dân thông minh, phát triển hạ tầng đồng bộ với chính quyền thực thi chính sách mang lại hiệu quả làm việc cao nhất phục vụ tốt cho người dân và DN.

 “Chính sách luôn xoay quanh “lòng dân”, kinh tế tăng trưởng phải thực chất, phải lan toả thành quả trong dân, giảm chênh lệch trong toàn tỉnh. Sự phát triển kinh tế lan toả làm đời sống người dân tốt lên, môi trường sống tự nhiên, xã hội hài hoà, phên dậu bền vững ổn định thì mới có thể phát triển bền vững”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh bày tỏ quan điểm.

 

Huy Thắng/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/Kinh-te/Quang-Ninh-Suc-canh-tranh-duoc-tich-luy-nho-tam-nhin-xa-va-nhat-quan-trong-hanh-dong/428692.vgp

  • Từ khóa