Chỉ có 13 bàn thắng được ghi sau bảy trận đấu, đạt hiệu suất trung bình 1.86 bàn/trận, nhưng vòng 10 V-League 2021 lại dấu ấn theo một cách rất khác, khi người hâm mộ được chứng kiến cơn sốt bóng đá bùng nổ ở nhiều sân vận động trên cả nước.
Sân Pleiku không còn một chỗ trống trong trận thư hùng giữa HAGL và Hà Nội.
Trong bối cảnh bóng đá thế giới vẫn chưa thể mở cửa để đón khán giả vào sân, thì ở V-League, người ta đang được chứng kiến những sự kỳ diệu khi khán giả chấp nhận xếp hàng từ lúc trời còn chưa sáng, để mong kiếm được tấm vé vào sân.
Đấy là trường hợp của trận cầu tâm điểm ở vòng 10 giữa HAGL và Hà Nội FC trên sân Pleiku vào chiều hôm chủ nhật vừa qua (18-4). Hình ảnh khán giả xếp hàng từ nửa đêm để mua vé xem bóng đá không còn là chuyện lạ, dù với bóng đá Việt Nam hay bóng đá thế giới, nhưng điều này thường chỉ xảy ra với cấp độ Đội tuyển quốc gia, còn ở giải vô địch quốc gia như V-League thì thực sự không nhiều.
Người ta có thể lý giải cơn sốt vé ở sân Pleiku là nhờ sức hút của dàn tuyển thủ Quốc gia mà cả hai đội đang sở hữu, nhưng còn với sân Thiên Trường (trận Nam Định - CLB TP Hồ Chí Minh) hay sân Quy Nhơn (trận Topenland Bình Định - Đông Á Thanh Hóa) thì thật khó giải thích, khi cả hai sân này đều đón tiếp số lượng khán giả gần kín so với sức chứa của sân (lần lượt là 18.000 và 15.000 so với 10.000), dù rằng hai trận đấu này không hội tụ quá nhiều ngôi sao như trận HAGL - Hà Nội FC.
Không khí cuồng nhiệt tại sân Quy Nhơn.
Thậm chí, trận Topenland Bình Định - Đông Á Thanh Hóa còn chứng kiến một điều kỳ lạ hơn nữa khi khán giả đội nắng xếp hàng dài dằng dặc để mua vé ở thời điểm hai ngày trước khi diễn ra trận đấu, và đối thủ Đông Á Thanh Hóa của Topenland Bình Định cũng không nằm trong nhóm đang dẫn đầu Bảng xếp hạng.
Những câu chuyện kỳ lạ từ sân Pleiku, Quy Nhơn rồi tới Thiên Trường chỉ có thể giải thích bằng một lý do duy nhất, là tự thân bóng đá đã tạo ra sức hút mạnh mẽ, để rồi bóng đá đã lôi kéo khán giả tới sân bằng tình cảm đích thực, chứ không cần những yếu tố phụ trợ như sự xuất hiện của các ngôi sao hay những chiêu trò giải trí.
Điều này đã diễn ra ở V-League từ vài mùa giải gần đây nhưng đặc biệt nở rộ trong năm nay, khi mà bất chấp những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều sân vận động vẫn chưa thể mở cửa tối đa để đón tiếp khán giả, người ta vẫn được chứng kiến sự xuất hiện của những “chảo lửa” mới ở V-League như Pleiku, Quy Nhơn, Hòa Xuân, trong khi “chảo lửa” hàng đầu là Thiên Trường vẫn giữ vững phong độ và trở thành điểm tựa chiến thắng cho Nam Định.
“Chảo lửa” Thiên Trường.
Có thể nói bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam bây giờ không chỉ là một nghề nghiệp được cả xã hội công nhận mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, khiến cho nhu cầu thưởng thức bóng đá, nhu cầu đến sân vận động vào mỗi vòng đấu của các CĐV đã là một điều đương nhiên kiểu “tất, lẽ, dĩ, ngẫu”.
Thế nhưng, khán giả không phải là ấn tượng duy nhất ở vòng 10, bởi như đã đề cập ở trên, đây không phải là một vòng đấu bùng nổ về số lượng bàn thắng nhưng lại có rất nhiều siêu phẩm, như cú sút phạt tuyệt đẹp của Quốc Phương làm tung lưới Topenland Bình Định, đem về chiến thắng cho Đông Á Thanh Hóa, hay bàn thắng hiếm hoi nhưng cực kỳ quý giá của Xuân Trường vào lưới Hà Nội FC, giúp HAGL tiếp tục vững vàng trên ngôi đầu Bảng xếp hạng.
Nếu sân cỏ giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp vẫn cứ tiếp tục chứng kiến những điều tuyệt vời như thế này thì sẽ không mất nhiều thời gian nữa để V-League vươn lên trở thành một trong những giải đấu quốc nội chất lượng hàng đầu châu lục.
ML/nhandan.com.vn
https://nhandan.com.vn/bong-da-viet-nam/su-bung-no-cua-v-league-642554/