Liên kết thúc đẩy du lịch miền trung phát triển

Thứ 3, 20.04.2021 | 15:09:20
1,153 lượt xem

Thời gian qua, một số địa phương ở khu vực miền trung đã có nhiều chương trình hợp tác phát triển du lịch; bước đầu tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc liên kết này chưa đạt kết quả như mong muốn. Để khắc phục những hạn chế trong công tác phối hợp, tiếp tục tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao, năm tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền trung đã mạnh dạn phối hợp với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mở rộng liên kết phát triển du lịch nhằm

Du khách tham quan phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: QUỐC TUẤN

Từ liên kết nội vùng...

Vùng KTTĐ miền trung bao gồm năm tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, trải dọc theo bờ biển dài gần 600 km. Toàn vùng có diện tích tự nhiên hơn 28.110 km2, bằng 8,5% diện tích cả nước, với dân số khoảng hơn 6,3 triệu người; có vị trí địa lý, kinh tế - chính trị rất thuận lợi, nằm trên trục các đường giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và biển. Địa hình nơi đây rất đa dạng, có hơn 228 km biên giới đường bộ tiếp giáp với nước bạn Lào. Vùng KTTĐ miền trung được xác định là vùng kinh tế lớn thứ ba tại Việt Nam, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện toàn vùng có bốn sân bay (gồm: Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát), năm cảng biển (Chân Mây, Đà Nẵng, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội), bốn khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp có hạ tầng tốt, nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh; có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về cảnh quan thiên nhiên và tiềm năng về du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Lê Trí Thanh, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐ miền trung nhiệm kỳ 2019 - 2020 nhìn nhận, tiềm năng biển, đảo từ tỉnh Thừa Thiên Huế vào đến tỉnh Bình Định được xem là thế mạnh trong phát triển du lịch; với chuỗi các bãi biển đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn. Đây là vùng có diện tích lãnh hải lớn; tài nguyên du lịch núi rừng phong phú với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác, hồ nổi tiếng. Nơi đây là khu vực có nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn; là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em; có nhiều địa danh nổi tiếng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa vật thể thế giới... Đây là một tiềm năng lớn, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy ngành kinh tế du lịch phát triển. Vậy nhưng, để du lịch trong vùng phát triển mạnh, thu hút khách du lịch nội địa và chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế, thời gian tới, đòi hỏi các địa phương trong vùng phải có động thái tích cực trong mối quan hệ hợp tác, liên kết...

Xác định được điều đó, cách đây hơn 10 năm, các địa phương: Thừa Thiên Huế - Ðà Nẵng - Quảng Nam đã chủ động phối hợp trong hợp tác phát triển du lịch. Các địa phương này đã ký văn bản liên kết phát triển du lịch với tên gọi "Ba địa phương - một điểm đến". Thực tế cho thấy, từ khi có sự "bắt tay" này, các hoạt động du lịch ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam trở nên sôi động, hấp dẫn hơn; nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng cao và nhiều điểm du lịch mới được du khách trong nước và ngoài nước ưa chuộng. Theo đó, ba địa phương đã tạo ra điểm đến chung, với sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú. Nhiều sự kiện có quy mô lớn như: Festival Huế, Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival di sản Quảng Nam... đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với khách trong nước và quốc tế. Mặt khác, với cách làm này đã giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt tại mỗi địa phương; đồng thời cũng giúp du khách trong nước và quốc tế lựa chọn hành trình của mình khi đến tham quan tại khu vực miền trung.

Theo nhiều đơn vị lữ hành và khách du lịch, hiện tại, việc đi tham quan tại khu vực miền trung rất thuận lợi. Khi đến đặt chân xuống sân bay Đà Nẵng, du khách có thể khám phá ngay cảnh đẹp biển đảo ở TP Đà Nẵng, lên bán đảo Sơn Trà ngắm voọc chà vá chân nâu quý hiếm; rồi xuôi theo đường ven biển đến tham quan khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới. Sau đó, đi ca-nô ra đảo Cù Lao Chàm (Hội An) - thưởng ngoạn Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hay từ sân bay Đà Nẵng, du khách có thể đi ra Thừa Thiên Huế ngắm vịnh Lăng Cô; khám phá vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (rộng nhất Đông - Nam Á), rồi đến tham quan các di sản văn hóa thế giới cùng những di sản phi vật thể, văn hóa dân gian, truyền thống đặc sắc ở mảnh đất này.

... đến mở rộng liên kết hai đầu đất nước

Việc liên kết giữa Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam không chỉ phát huy được lợi thế riêng có của từng địa phương mà còn khai thác những giá trị chung về tài nguyên, di sản văn hóa trong vùng để thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững. Đây được xem là điển hình tiêu biểu trong liên kết phát triển du lịch của cả nước. Thế nhưng, việc liên kết này mới được triển khai ở các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội du lịch trong công tác xúc tiến quảng bá và trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực. Hiện các doanh nghiệp hoạt động du lịch tại đây mới dừng lại ở khâu kinh doanh lữ hành, kết nối tua tham quan giữa các địa phương, chứ chưa chủ động phối hợp với nhau để tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng cao dùng chung cho ba địa phương.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, chưa mở cửa đối với khách du lịch quốc tế, nên thị trường du lịch nội địa sẽ được xác định là điểm khởi đầu cần thiết và quan trọng để tái phục hồi, phát triển du lịch. Để mở rộng thị trường du lịch nội địa, khuyến khích người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, thời gian gần đây, các tỉnh, thành phố ở Vùng KTTĐ miền trung đã bắt tay cơ cấu lại thị trường khách du lịch; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với thị trường; đẩy mạnh hợp tác đầu tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong phát triển sản phẩm du lịch nhằm thực hiện có hiệu quả chủ đề "Liên kết, hành động và phát triển" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khởi xướng tại hội nghị toàn quốc về du lịch 2020 diễn ra tại Quảng Nam.

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí chiến lược, tài nguyên, sản phẩm, dịch vụ du lịch thông qua việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố và các vùng du lịch để thu hút khách, vào cuối tháng 11-2020, UBND tỉnh Quảng Nam với vai trò Chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐ miền trung nhiệm kỳ 2019 - 2020 đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trong khu vực tổ chức Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Vùng KTTĐ miền trung. Tại đây, lãnh đạo các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và TP Đà Nẵng đã ký kết Chương trình thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; với bốn nội dung chính; đó là công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quảng bá xúc tiến du lịch. Qua đó, các tỉnh, thành phố sẽ thường xuyên trao đổi thông tin liên kết xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng; cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú. Đồng thời phát huy lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, tăng tỷ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách. Từ đó, hướng đến mục tiêu chính là tăng tỷ lệ khách du lịch, góp phần phục hồi phát triển ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch của các tỉnh, thành phố và các vùng, miền trong cả nước, phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW (ngày 16-1-2017) của Bộ Chính trị, Quyết định số 1685/QĐ-TTg (ngày 5-12-2018) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Đề án cơ cấu ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn", lãnh đạo các tỉnh, thành phố Vùng KTTĐ miền trung đang nỗ lực cải thiện môi trường du lịch. Tập trung xây dựng hệ thống du lịch thông minh, đẩy mạnh tính liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường nhằm tạo bước đột phá mới, chuyển từ phát triển du lịch từng địa phương sang phát triển du lịch vùng bền vững.

Mới đây, Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã phối hợp các địa phương tổ chức chương trình thu hút khách du lịch năm 2021 với chủ đề "Miền Di sản diệu kỳ" nhằm khẳng định và quảng bá hình ảnh du lịch của TP Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Bình. Theo đó, bốn địa phương này đều có chính sách giảm từ 20 đến 100% giá vé tham quan các điểm du lịch trên địa bàn. Trong đó, Đà Nẵng miễn 100% giá vé tại bốn điểm tham quan trên địa bàn thành phố; Quảng Nam giảm 50% vé tham quan tại tám điểm du lịch trọng điểm tỉnh, tỉnh Thừa Thiên Huế giảm 50% phí tham quan cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành đưa khách đến tham quan, tìm hiểu tại các khu di sản văn hóa Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Còn tỉnh Quảng Bình giảm 20% mức thu phí đối với các sản phẩm du lịch tại địa phương...

Đây là một động thái tích cực của ngành du lịch TP Đà Nẵng và các địa phương trong khu vực miền trung nhằm góp phần giảm thiệt hại khi các hoạt động du lịch quốc tế bị ngưng trệ. Tuy nhiên, khi triển khai chương trình này, các địa phương cần chú trọng phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm du lịch an toàn; đồng thời, chuyển hướng thị trường, đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa. Khi đề cập về liên kết du lịch tại miền trung, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong năm 2021, du lịch nội địa vẫn là hướng khai thác chủ đạo, song hành với đó sẽ nghiên cứu hoàn thiện các phương án có thể đón tiếp khách quốc tế quay trở lại khi đã hội tụ được các điều kiện cần thiết. Do vậy, nhiệm vụ trước hết của các địa phương là không để dịch lây lan trong hoạt động du lịch. Cần có chiến lược triển khai phù hợp và có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm du lịch, chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, đào tạo nhân lực, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, triển khai các sản phẩm du lịch mới phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh. Đồng thời đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, ưu đãi đối với du khách; có chương trình hỗ trợ, đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch nhằm góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.


TẤN NGUYÊN/nhandan.com.vn

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-du-lich/lien-ket-thuc-day-du-lich-mien-trung-phat-trien-642481/

  • Từ khóa