Bệnh nhân "siêu lây nhiễm" ở Hà Nam có thể bị xử lý hình sự?

Thứ 7, 01.05.2021 | 09:03:07
1,513 lượt xem

Theo luật sư, bệnh nhân "siêu lây nhiễm" ở Hà Nam đã không tuân thủ quy định tự theo dõi sức khỏe ở nhà 14 ngày khi trở về từ điểm cách ly, làm lây bệnh cho nhiều người, có thể bị xử lý hình sự.

Thông tin từ Bộ Y tế, từ 18h ngày 30/4 đến 6h ngày 1/5, Việt Nam không ghi nhận có ca mắc Covid-19 mới.

Liên quan đến ca bệnh "siêu lây nhiễm" là bệnh nhân (BN) N.V.Đ. (SN 1993, ở thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, mã BN 2899), đến nay đã lây lan bệnh cho 12 người khác ở địa phương này, Hà Nội, Hưng Yên.

Trước đó, BN 2899 đã nhập cảnh từ Nhật Bản về Việt Nam trên chuyến bay VJ3613 tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng ngày 7/4/2021.

Bệnh nhân này được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và được lấy mẫu 3 lần, kết quả xét nghiệm đều âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Bệnh nhân được hoàn thành cách ly và rời khỏi khách sạn nơi cách ly ngày 21/4/2021.

Sau khi hoàn thành cách ly tập trung, bệnh nhân đi xe khách lúc 20h30 ngày 21/4/2021 về đến Hà Nam lúc 7h30 ngày 22/4/2021, trên xe có 34 người đi cùng.

Ngày 23/4/2021, bệnh nhân có tiếp xúc, tổ chức ăn uống với bạn bè, người thân ở xã Chân Lý và xã Bắc Lý của huyện Lý Nhân (Hà Nam). Từ ngày 26/4 đến ngày 28/4 không đi đâu, tại nhà chỉ tiếp xúc với bố mẹ, vợ, con và cán bộ y tế xã, Trung tâm Y tế huyện.

Đến sáng 24/4/2021, do bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt, đau họng nên bố của bệnh nhân đã báo cho Trạm Y tế xã và được lấy mẫu xét nghiệm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam thực hiện xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 29/4/2021.

Hiện BN 2899 và những trường hợp liên quan đã được đưa đi điều trị, cách ly tập trung.

Bệnh nhân siêu lây nhiễm ở Hà Nam có thể bị xử lý hình sự? - 1

Các chốt kiểm soát dịch bệnh được lập tại địa bàn xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân - Hà Nam. (Ảnh: Đức Văn).

Theo quy định tại văn bản số 425 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung, có nội dung: Đơn vị Quản lý khu cách ly tập trung hướng dẫn cụ thể cho người đã hoàn thành cách ly tập trung tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tại nhà, nơi lưu trú. Hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, đến nơi đông người, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác.

Tuy nhiên, BN 2899 hoàn thành cách ly tập trung và trở về nhà vào ngày 22/4, ngày 23/4 bệnh nhân có tiếp xúc, tổ chức ăn uống với bạn bè, người thân ở xã Chân Lý và xã Bắc Lý, là trái với quy định về phòng chống dịch được nêu tại văn bản 425 nói trên.

Liên quan đến nội dung này, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn luật sư Hà Nội), cho biết: Với tính chất nguy hiểm của của bệnh truyền nhiễm nhóm A, Nhà nước đã ban hành các văn bản thực hiện các biện pháp xử lý đối với những hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 xác định dịch bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm kịp thời để ổn định cuộc sống, đảm bảo sức khỏe của người dân.

Bệnh nhân siêu lây nhiễm ở Hà Nam có thể bị xử lý hình sự? - 2

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn luật sư Hà Nội).

Theo đó, tại khoản 2, khoản 7 Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định rất rõ một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm bao gồm "2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật"...

"7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.".

"Như vậy, trường hợp BN 2899 nêu trên là người bị nghi ngờ có khả năng mang mầm bệnh và có thể lây lan dịch bệnh cho người khác thì người này bắt buộc tuân thủ nguyên tắc cách ly tập trung đủ thời gian mà cơ quan, ban ngành phòng chống dịch quy định", luật sư Trần Tuấn Anh cho biết.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, có thể nói chỉ cần đơn giản việc cố tình không tuân thủ biện pháp cách ly mà chưa cần nói đến việc người đó có lây lan dịch bệnh hay chưa thì đều là hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại điểm b, khoản 1, Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định hành vi không tuân thủ biện pháp ly y tế bị coi là hành vi "Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;" có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Trong trường hợp, vì hành vi không tuân thủ biện pháp cách ly mà làm lây lan dịch bệnh cho người khác, gây hậu quả nghiêm trọng thì người làm lây lan dịch bệnh còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến cao nhất là 12 năm tù giam.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.


Nguyễn Dương/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/benh-nhan-sieu-lay-nhiem-o-ha-nam-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-20210501064921652.htm

  • Từ khóa