Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số đã tăng theo các khóa: Khóa I (1946-1960) có 10,2%, khóa XIII (2011-2016) có 15,6%. Khóa XIV (2016-2021) có 86 đại biểu, chiếm 17,3%.
Các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020. (Ảnh: TTXVN)
Trong suốt hơn 90 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quán triệt và thực hiện nhất quán chính sách dân tộc theo nguyên tắc “bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”
Chính sách dân tộc của Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch sử đều được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, các nguyên tắc, quan điểm cơ bản về vấn đề dân tộc tiếp tục được khẳng định và bổ sung nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Từ nguyên tắc bình đẳng
Chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu của cách mạng nước ta: “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Đảng ta khẳng định nhất quán trong văn kiện của các đại hội ở thời kỳ đổi mới rằng sự bình đẳng giữa các dân tộc là quyền ngang nhau của các dân tộc, không phân biệt dân tộc đó là đa số hay thiểu số, trình độ văn hóa, dân trí cao hay thấp, là bình đẳng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và được bảo đảm bằng pháp luật.
Bình đẳng giữa các dân tộc thể hiện trước hết ở sự bảo đảm và tạo mọi điều kiện để các dân tộc có cơ hội phát triển ngang nhau. Do đó, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội chung cho cả nước, đồng thời cũng ban hành những đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội đặc thù đối với các dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số.
Tại Đại hội VII (tháng 6/1991), Đảng ta nhấn mạnh rằng sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải gắn với đặc điểm riêng của từng dân tộc và điều kiện, đặc điểm của từng vùng: “Có chính sách phát triển kinh tế hàng hóa ở các vùng dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng vùng, từng dân tộc, bảo đảm cho đồng bào các dân tộc thiểu số khai thác được thế mạnh của địa phương để làm giàu cho mình và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.”
Tại Đại hội IX (tháng 4/2001), Đảng ta tiếp tục khẳng định nhất quán về chính sách dân tộc, đồng thời chỉ ra phương hướng, mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể hóa chủ trương này của Đại hội, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2001-2010 đề ra quan điểm phát triển kinh tế-xã hội cũng như phát triển kinh tế hàng hóa ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải căn cứ điều kiện và đặc điểm của từng vùng.
Từ chủ trương của Đảng về vấn đề dân tộc, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn các chương trình của Nhà nước tập trung vào hỗ trợ sinh kế và tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo.
Chương trình 143 (Chương trình xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm giai đoạn 2001-2005, được phê duyệt theo Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg, ngày 27/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế-xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, được phê duyệt theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 134 (một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình phân bổ đất rừng và trồng rừng; các chính sách về giáo dục, y tế.
Trong giai đoạn 2011-2018 có 205 chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được ban hành. Tính riêng giai đoạn 2016-2018, theo Báo cáo số 426/BC-CP ngày 4/10/2018 của Chính phủ, “Đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi,” Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 41 chương trình, chính sách, trong đó có 15 chính sách trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và 36 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Các chính sách giai đoạn 2016-2018 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo; phát triển sản xuất trong nông, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển giáo dục-đào tạo, văn hóa, như: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất và ổn định đời sống cho người dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn; ổn định cuộc sống cho người dân tộc thiểu số di cư tự phát; phát triển kinh tế-xã hội cho các dân tộc thiểu số rất ít người; phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số; tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thống kê của Tạp chí Cộng sản (tháng 4/2021), tính đến tháng 10/2020 Việt Nam có 118 chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 54 chính sách trực tiếp cho các đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ngoài những chính sách tác động trực tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hiện nay còn 21 chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến vùng này.
Từ năm 2003 đến năm 2020, Nhà nước đã tập trung bố trí đầu tư, hỗ trợ kinh phí nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng kinh phí: giai đoạn 2003-2008 là khoảng 250.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 là 690.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 998.000 tỷ đồng.
Nguồn lực đầu tư được tập trung vào xây dựng hàng vạn công trình kết cấu hạ tầng (đường giao thông, công trình thủy lợi, hệ thống điện, công trình nước sạch, trường học, lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm cụm xã…); hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội cho dân tộc thiểu số rất ít người; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất… cho hàng trăm nghìn hộ đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nhờ vậy, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có sự phát triển mạnh mẽ hơn, phong phú và đa dạng hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt so với trước thời kỳ đổi mới, trên tất cả các phương diện: ăn, ở, mặc, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe, nghe, nhìn. Số hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3,5% mỗi năm.
Tới cơ cấu đại biểu Quốc hội
Phát biểu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào sáng 4/2/2021, Chủ tịch Quốc hội ở thời điểm đó – bà Nguyễn Thị Kim Ngân – cho biết, số lượng, cơ cấu đại biểu khóa XV được dự kiến trên cơ sở đảm bảo tính đại diện của các giai tầng, thành phần, vùng miền và có cơ cấu hợp lý. Số đại biểu Quốc hội khóa tới là người dân tộc thiểu số phải đạt ít nhất 18%.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà các đại biểu dân tộc thiểu số tại buổi gặp mặt ngày 3/12/2020. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số đã tăng theo các khóa: Khóa I (1946-1960) có 10,2%, khóa XIII (2011-2016) có 15,6%. Khóa XIV (2016-2021) có 86 đại biểu thuộc 32 dân tộc thiểu số, chiếm 17,3%. Tuy nhiên, hiện nay còn 4 dân tộc (Lự, Ơ đu, Brâu và Ngái) chưa có đại diện tham gia các khóa Quốc hội và đây cũng là mục tiêu cần phấn đấu trong thời gian tới để các dân tộc đều có đại biểu Quốc hội.
Việc tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều khó khăn đặc thù, nhận thức của đồng bào còn hạn chế, phong tục, tập quán còn nặng; thậm chí, một bộ phận cử tri chưa nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ trong bầu cử theo cơ cấu, thành phần, mang tính đại diện trong Quốc hội.
Cụ thể, những người ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thuộc các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, phần lớn chưa có kinh nghiệm, hoạt động kiêm nhiệm, thiếu kỹ năng trong vận động bầu cử; điều kiện tiếp cận thông tin hạn chế.
Các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số do sống ở vùng sâu, vùng xa, miền núi nên ít có khả năng tiếp cận thông tin; việc nắm bắt được tình hình chung của địa bàn để vận động bầu cử cũng gặp khó khăn trong bối cảnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống và điều kiện kinh tế khác nhau, không đồng nhất như ở đồng bằng, đô thị.
Bên cạnh đó, vì có rất nhiều nhóm dân tộc khác nhau, phong tục, tập quán, văn hóa khác nhau nên ứng cử viên của dân tộc này khó thuyết phục được cử tri của dân tộc khác; phải học hỏi, phải nắm bắt được những vấn đề của sự phát triển mới, của chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chính sách dân tộc.
Theo danh sách chính thức các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, trong tổng số 868 ứng cử viên có 185 người thuộc các dân tộc thiểu số, chiếm 21,31%.
Ông Nguyễn Lâm Thành (dân tộc Nùng), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nêu rõ, có thể đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số từ 17,3% (khóa XIV) lên 18% (khóa XV). Tuy nhiên, tiến trình này gặp không ít trở ngại.
Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người (chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước), sinh sống ở 56 trong số 63 tỉnh, thành phố. Do vậy, việc tham gia của đại diện các dân tộc thiểu số có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong hệ thống chính trị các cấp nói chung và cơ quan dân cử nói riêng.
Họ mang tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của đồng bào đến với Quốc hội, Chính phủ để xây dựng chính sách, triển khai chính sách phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu (dân tộc Mông) nêu hai giải pháp nhằm đạt tỷ lệ dự kiến về đại biểu dân tộc thiểu số trong Quốc hội, bao gồm chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng vận động bầu cử cho các ứng cử viên và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền.
Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng phối hợp với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ tổ chức hội nghị tập huấn cho khu vực các tỉnh phía Bắc tại Hà Nội (từ Hà Tĩnh trở ra); hội nghị cho khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam tổ chức tại Đà Nẵng (từ Quảng Bình trở vào).
Giảng viên và cán bộ trợ giúp là các chuyên gia, đại biểu Quốc hội có kinh nghiệm trong công tác dân cử và vận động bầu cử; có kinh nghiệm trong công tác truyền thông, báo chí.
Về lâu dài, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tiếp tục quan tâm hơn đối với đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số. Các cán bộ là người dân tộc thiểu số có tiềm năng nhưng còn thiếu tiêu chuẩn thì cần được đưa vào chương trình, kế hoạch đào tạo để bảo đảm nhu cầu cán bộ, công chức, trong đó có các cơ quan dân cử. Cơ cấu cán bộ dân tộc thiểu số cần tương ứng với cơ cấu dân số ở từng vùng, miền./.
Theo baolangson.vn