Bộ trưởng Phan Văn Giang làm việc với Tổng cục Hậu cần và cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng

Thứ 2, 31.05.2021 | 00:00:00
1,164 lượt xem

Sáng 31-5, tại Hà Nội, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) làm việc với Tổng cục Hậu cần (TCHC) và cơ quan chức năng của BQP về một số vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm đời sống, sinh hoạt bộ đội.

Cùng dự buổi làm việc có: Trung tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng BQP. Tham dự buổi làm việc với thủ trưởng BQP có lãnh đạo, chỉ huy TCHC, Tổng cục Kỹ thuật và đại biểu chỉ huy một số cơ quan chức năng BQP.

Bộ trưởng Phan Văn Giang làm việc với Tổng cục Hậu cần và cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng
 Quang cảnh buổi làm việc.

Tại hội nghị, Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm TCHC báo cáo thực trạng sử dụng hệ thống bếp lò hơi cơ khí (LHCK) trong toàn quân hiện nay. Theo đó, bếp LHCK được trang bị sử dụng từ năm 2011, có niên hạn sử dụng 6 năm; đến nay toàn quân đã lắp đặt và đưa vào sử dụng 3.465 bếp. Qua quá trình sử dụng cho thấy, bếp đã phát huy được những ưu điểm, hiệu quả hơn hẳn so với bếp đun than cưỡng bức CT-02 trước đó. Việc sử dụng bếp này đã góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội, cải thiện đáng kể điều kiện làm việc, bảo đảm sức khỏe nhân viên nuôi quân, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quy nhà ăn, nhà bếp; giảm thời gian nấu, giảm được nhân công phục vụ, tiết kiệm chất đốt; giảm bớt dụng cụ nấu, tiết kiệm điện năng tiêu thụ; chất lượng chế biến món ăn được nâng cao…

Tuy nhiên, quá trình sử dụng bếp LHCK cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Hằng năm, đơn vị phải thực hiện kiểm định an toàn, nhân viên vận hành phải được đào tạo cấp chứng chỉ nên gây khó khăn trong công tác điều hành, bố trí lực lượng thay thế. Chất lượng nồi hơi, nồi nấu, một số phụ kiện không đồng bộ nhanh xuống cấp; việc tổ chức sửa chữa, thay thế thiết bị, bảo trì, kiểm định hằng năm gặp khó khăn, chi phí lớn. Hiện nay, toàn quân đang còn sử dụng hơn 2.700 bếp, trong đó, số bếp đã hết niên hạn sử dụng chiếm 88%. Từ thực trạng trên, để bảo đảm an toàn sử dụng, TCHC đã phối hợp với các cơ quan chức năng của BQP thành lập các đoàn công tác khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng, đề xuất BQP cho phép trong năm 2021 kéo dài sử dụng 2.407 bếp; năm 2022 kéo dài 1.912 bếp, giảm dần đến năm 2025 còn duy trì sử dụng khoảng 171 bếp LHCK.

Bộ trưởng Phan Văn Giang làm việc với Tổng cục Hậu cần và cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng
 Thượng tướng Phan Văn Giang phát biểu kết luận buổi làm việc.

Để từng bước thay thế loại bếp này, TCHC đã chỉ đạo Cục Quân nhu nghiên cứu hệ thống bếp mới; đến năm 2019 đã hoàn thành nghiên cứu 6 mẫu bếp dầu, 3 loại bếp điện và đã thử nghiệm đưa vào sử dụng tại một số đơn vị đạt hiệu quả thiết thực, ưu việt hơn bếp LHCK. Sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, xin ý kiến rộng rãi, nhiều lần các cơ quan, đơn vị toàn quân, các cơ quan, đơn vị đều thống nhất đề nghị BQP cho phép thay thế bếp LHCK bằng bếp dầu, bếp điện theo lộ trình phù hợp. Trước mắt, đề nghị BQP bảo đảm ngân sách năm 2021, 2022 để thay thế hệ thống bếp LHCK hỏng, không khắc phục được. Từ năm 2023 đến 2025, hằng năm, TCHC sẽ kiểm tra, nắm thực chất nhu cầu sử dụng của các đơn vị để đề xuất báo cáo thủ trưởng BQP quyết định.

Ngoài nội dung trên, trong buổi làm việc, Thượng tướng Phan Văn Giang và các đại biểu đã nghe lãnh đạo TCHC báo cáo thêm thực trạng sử dụng một số loại phương tiện vận tải đường thủy; đại diện Cục Doanh trại báo cáo thực trạng đề án xây dựng, quản lý, nhu cầu sử dụng nhà ở công vụ của bộ đội trong toàn quân.

Bộ trưởng Phan Văn Giang làm việc với Tổng cục Hậu cần và cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng
Các đại biểu xem phóng sự do Cục Quân nhu trình chiếu đánh giá về thực trạng sử dụng bếp lò hơi cơ khí hiện nay tại các đơn vị. 

Qua nghe ý kiến báo cáo của TCHC và các cơ quan chức năng, Thượng tướng Phan Văn Giang biểu dương TCHC đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, có những bước đánh giá cơ bản thực tế sử dụng bếp LHCK của các cơ quan, đơn vị toàn quân. Đồng chí yêu cầu, TCHC tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng tình trạng kỹ thuật, ưu, nhược điểm của hệ thống bếp LHCK hiện nay. Cùng với đó, tiến hành thử nghiệm việc đầu tư bếp dầu, bếp điện tại một số đơn vị theo từng bước, sau đó đánh giá cụ thể, chặt chẽ trước khi đề xuất BQP tổ chức đầu tư đồng loạt. Trước mắt, ưu tiên bố trí trang bị mới bếp dầu, bếp điện cho các đơn vị mà hệ thống bếp LHCK đã bị hỏng hóc không thể sử dụng được; các đơn vị mới xây dựng, tuy nhiên khi triển khai phải lựa chọn loại hình đầu tư phù hợp, đồng bộ, chú trọng đặc biệt đến khâu bảo dưỡng định kỳ. Thượng tướng Phan Văn Giang cũng yêu cầu, đối với các bếp LHCK trong niên hạn phải tiếp tục hoàn thiện công tác bảo đảm kỹ thuật, tập huấn vận hành cho nhân viên, chiến sĩ để duy trì sử dụng, tiết kiệm chi phí đầu tư. Các bếp mới bị hư hỏng nhẹ, có khả năng sử dụng tiếp cần đầu tư kinh phí để triển khai sửa chữa, bảo dưỡng, kéo dài sử dụng.

Về nội dung liên quan đến triển khai dự án xây dựng nhà ở công vụ, Bộ trưởng Phan Văn Giang yêu cầu Cục Doanh trại tiếp tục rà soát lại thực trạng, nhu cầu nhà ở công vụ của các cơ quan, đơn vị toàn quân, ưu tiên cho các đơn vị khối học viện, nhà trường, các đơn vị có nhu cầu thật sự cấp bách. Quá trình triển khai, phải nghiên cứu cụ thể loại hình, đối tượng sử dụng cụ thể để đầu tư phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Đồng chí cũng yêu cầu Cục Doanh trại nghiên cứu thiết kế mẫu, quy hoạch hệ thống doanh trại của ban chỉ huy quân sự cấp huyện bảo đảm khoa học, hợp lý để báo cáo, đề nghị thủ trưởng BQP phê duyệt, thống nhất áp dụng trong toàn quân.  


 VĂN CHIỂN/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/bo-truong-phan-van-giang-lam-viec-voi-tong-cuc-hau-can-va-co-quan-chuc-nang-cua-bo-quoc-phong-661174

  • Từ khóa