Tập trung hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Thứ 3, 01.06.2021 | 09:47:40
364 lượt xem

Người dân quận Hoàng Mai (Hà Nội) mua dưa hấu ủng hộ nông dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Ảnh: PHƯƠNG HIỀN

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rìa phía nam rãnh áp thấp có trục ở khoảng 23 đến 25 độ vĩ bắc nối với vùng áp thấp nóng phía tây kết hợp hiệu ứng phơn cho nên hôm nay (1-6), ở khu vực Sơn La, Hòa Bình, trung du và đồng bằng Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 đến 40oC, có nơi hơn 40oC như: Phù Yên (Sơn La), Lạc Sơn (Hòa Bình), Láng (Hà Nội), Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Đô Lương (Nghệ An), Đông Hà (Quảng Trị), Ba Tơ (Quảng Ngãi),…; các nơi khác ở Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 37oC, có nơi hơn 37oC. Dự báo, đợt nắng nóng kéo dài tới khoảng ngày 5-6. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1.

★ Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cảnh báo, hiện nay, tại các khu vực: Yên Mô, Hoa Lư (Ninh Bình); Văn Chấn, Trạm Tấu (Yên Bái); Yên Châu (Sơn La); Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn, Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu (Nghệ An); Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, TP Đồng Hới, Bố Trạch, Minh Hóa, Quảng Trạch (Quảng Bình); Gio Linh, Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Cam Lộ (Quảng Trị); quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Sơn Trà (TP Đà Nẵng); Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định); Kon Plông (Kon Tum); Lắk, TP Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo (Đắk Lắk) đang có nguy cơ xảy ra cháy rừng cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm).
 
 ★ Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra 12 vụ cháy rừng. Trước diễn biến thời tiết nắng nóng kéo dài và liên tục trên diện rộng, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, đồng thời có kế hoạch phối hợp, triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo bốn phương án gồm: đám cháy mới phát sinh, đám cháy phát hiện chậm, đám cháy bùng phát trên quy mô lớn, đám cháy lớn vượt quá khả năng kiểm soát…
 
 ★ Ngày 31-5, theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, người tiêu dùng có thể chung tay giúp nông dân Bắc Giang tiêu thụ vải thông qua hai sàn giao dịch là Vỏ Sò, Postmart. Sàn giao dịch điện tử sẽ giúp mở rộng kênh bán hàng tại thị trường trong nước và quốc tế. Việc tiêu thụ nông sản trên kênh phân phối mới trên nền tảng số được đánh giá là vừa hiện đại vừa bền vững, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nhanh, tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch. Đồng thời, mức giá nông sản và chi phí vận chuyển công khai trên sàn giao dịch điện tử sẽ giúp người dân giữ được giá nông sản, tránh bị thương lái ép giá.
 
 ★ Từ ngày 8-5 đến hết 30-5, đã có khoảng 73.000 tấn quả vải được xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai), với tổng trị giá hơn 4,3 triệu USD. Được biết, trong thời gian tới, quả vải ở các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang sẽ vào chính vụ, dự báo lượng quả vải tươi đưa lên khu vực Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành để xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tăng mạnh, có thể lên gần 1.000 tấn/ngày.
 
 ★ Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương, đến thời điểm này, trà vải u hồng của Hải Dương đã cơ bản thu hoạch và tiêu thụ hết. Hiện trà vải thiều chính vụ bắt đầu bước vào thu hoạch rộ. Theo tổng hợp của các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện đã có khoảng hơn 50 tấn vải của Hải Dương được khoảng 10 công ty xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản.
 
 ★ Theo UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), thời điểm này, việc thu hoạch và tiêu thụ vải thiều tại địa phương diễn ra khá thuận lợi. Sản lượng vải tiêu thụ bình quân đạt hơn 500 tấn/ngày, tập trung tại các xã: Phượng Sơn, Hồng Giang, Giáp Sơn, Phì Điền, Mỹ An. Lũy kế, đến nay tổng sản lượng đã tiêu thụ gần 5 nghìn tấn, giá bán dao động từ 12.000 đồng đến 32.000 đồng/kg. Đến thời điểm này, Lục Ngạn có 1.583 lò sấy vải. Trong đó có 854 lò cũ và 729 lò xây mới đợt một (chưa kể số lò đăng ký bổ sung đợt hai), bảo đảm hỗ trợ chế biến vải thiều tại chỗ cho địa phương.
 
 ★ Công an huyện Yên Dũng (Bắc Giang) vừa huy động cán bộ, chiến sĩ giúp bà con ở hai xã Tiến Dũng, Đức Giang thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ hơn 2,6 tấn dưa hấu, dưa lê. Số dưa này đã được vận chuyển miễn phí đến KCN Quang Châu (Việt Yên) để tiêu thụ. Ngoài ra, đơn vị đã trích kinh phí mua một số dưa để ủng hộ công nhân đang cách ly tại các nhà trọ, bổ sung vào bữa ăn hằng ngày cho cán bộ, chiến sĩ Công an huyện và tặng lực lượng tuyến đầu chống dịch tại bốn chốt kiểm soát trên địa bàn. Thời gian tới, Công an huyện Yên Dũng tiếp tục hỗ trợ nông dân xã Tiền Phong và Đồng Việt tiêu thụ nông sản. Được biết, huyện Yên Dũng hiện có khoảng 2.000 tấn dưa hấu, dưa lê đang tồn đọng.
 
 ★ Trước tình hình nông sản đến vụ thu hoạch gặp khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội Nông dân huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đã phát động Hội Nông dân các xã, thị trấn và cán bộ, hội viên trên địa bàn tìm đầu mối thu mua hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Sau bốn ngày phát động (từ ngày 27 đến 30-5), các cấp Hội Nông dân đã hỗ trợ nông dân thu hoạch và liên kết các đơn vị thu mua được gần 40 tấn nông sản, gồm: dưa hấu, dưa lê, dưa chuột, cà tím.
 
 ★ Tại tỉnh Nghệ An, trước thực trạng bí xanh được mùa nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến đầu ra gặp khó khăn, Hội Nông dân huyện Con Cuông đã tuyên truyền, thông báo, kêu gọi trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... huy động hội nông dân các xã đăng ký mua bí xanh. Chỉ sau vài ngày kêu gọi, 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đăng ký thu mua được hơn 60 tấn bí cho người dân với giá 5.000 đồng/kg.
 
 ★ Vụ lạc xuân năm 2021, toàn tỉnh Hà Tĩnh sản xuất 10.022 ha. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch được gần 50% diện tích, năng suất lạc bình quân toàn tỉnh ước đạt 26,58 tạ/ha (tăng khoảng 1 tạ/ha so cùng vụ năm 2020). Theo phản ánh của các địa phương, vụ xuân năm nay lạc vừa được mùa vừa được giá. Dự kiến đến ngày 10-6 sẽ hoàn thành việc thu hoạch lạc để nông dân tập trung bước vào vụ sản xuất hè thu với các cây trồng chủ lực như đậu, vừng...
 
 ★ Tại huyện Kông Chro (Gia Lai), do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gần một tháng nay giá bí đỏ liên tục giảm, việc tiêu thụ chậm khiến người trồng bí gặp nhiều khó khăn. Được biết, vụ đông xuân 2020 - 2021, huyện Kông Chro trồng được 261 ha bí đỏ.


https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/tap-trung-ho-tro-nong-dan-tieu-thu-nong-san-648711/

  • Từ khóa