Làm gì khi bị tác dụng phụ của hóa, xạ trị giữa mùa dịch Covid-19?

Chủ nhật, 04.07.2021 | 15:08:21
1,179 lượt xem

Khi điều trị ung thư bằng hóa, xạ trị, bệnh nhân khó tránh khỏi các tác dụng phụ không mong muốn.

Các tác dụng phụ khi điều trị ung thư

Theo bác sĩ Bệnh viện K, cơ chế của hóa trị, xạ trị là dùng hóa chất, tia xạ để tiêu diệt tế bào ung thư, mặt trái là có thể tác động đến các cơ quan lành khác của cơ thể, nhất là các khu vực tế bào có tốc độ phân chia nhanh, vòng đời ngắn như nang lông, niêm mạc miệng, niêm mạc đường tiêu hóa.

Làm gì khi bị tác dụng phụ của hóa, xạ trị giữa mùa dịch Covid-19? - 1

Việc xảy ra các tác dụng phụ là điều mà bệnh nhân ung thư phải đánh đổi. Đây cũng là các tác dụng phụ đã được lường trước và các bác sĩ sẽ cố gắng để hạn chế chúng.

Các tác dụng phụ thường gặp và khiến bệnh nhân khó chịu nhất khi điều trị ung thư bằng hóa, xạ trị là: mệt mỏi, buồn nôn, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa và tác dụng khác trên hệ tạo huyết như: giảm bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu. Đặc biệt là những trường hợp như giảm bạch cầu trung tính dẫn đến nguy cơ tăng khả năng bội nhiễm và dẫn đến các vấn đề khác như tiêu chảy, sốt…

Giải pháp để giảm thiểu các tác dụng phụ

Chuyên gia khuyến cáo, để đối phó với các tác dụng phụ của điều trị ung thư, nhất là khi dịch Covid-19 làm hạn chế khả năng thăm khám trực tiếp, trước tiên người bệnh phải tuân thủ những khuyến cáo của bác sĩ. Trên thực tế, có không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra do người bệnh chủ quan với các triệu chứng của mình. Ví dụ như khi hóa trị xong bị sốt, có thể người bệnh bị hạ bạch cầu dẫn đến bội nhiễm. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân mang tâm lý chủ quan, thường tự theo dõi sức khỏe đến khi tình trạng trở nặng mới liên hệ bác sĩ. Lúc này, tình trạng hạ bạch cầu đã dẫn đến nhiễm khuẩn và gây hậu quả nặng nề. Do đó, các bệnh nhân ung thư nên có nhiệt kế để giám sát nhiệt độ tại nhà, trong trường hợp thân nhiệt trên 37 độ C là đã có dấu hiệu sốt cần thông báo ngay cho bác sĩ.

Làm gì khi bị tác dụng phụ của hóa, xạ trị giữa mùa dịch Covid-19? - 2

Với các trường hợp phản ứng phụ bị tiêu chảy bệnh nhân và người nhà cũng cần đặc biệt lưu ý. Nếu tiêu chảy trên 3 lần/ngày, có nguy cơ bị mất nước thì phải liên hệ ngay với bác sĩ. Trong lúc chờ đợi chỉ dẫn của bác sĩ phải uống oresol để bù nước. Khi cho bệnh nhân uống oresol cần phải uống bằng thìa hoặc từng ngụm nhỏ, để chất điện giải ngấm qua niêm mạc. Nếu uống cả cốc lớn có thể kích thích phản ứng nôn ở bệnh nhân gây phản tác dụng.

Nếu bệnh nhân chán ăn, mệt mỏi, người nhà có thể chia nhỏ bữa ăn ra. Ví dụ cốc sữa 200ml có thể kiên trì uống với từng lượng nhỏ 50ml. Sau khoảng 30 - 45 phút lượng sữa này đã được hấp thụ một phần thì uống lần tiếp theo.

Nhìn chung, khi bệnh nhân có bất kì phản ứng nào không thoải mái, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được cho lời khuyên. Để tránh di chuyển quá nhiều trong thời kì Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, nên xử lý các tình trạng trong tầm kiểm soát ở cơ sở y tế gần nhất. Chỉ chuyển lên tuyến trên khi có chỉ định của thầy thuốc.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể tự đi làm các xét nghiệm máu và chụp ảnh gửi cho bác sĩ điều trị để được tư vấn về tình trạng của mình.

Minh Nhật/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/lam-gi-khi-bi-tac-dung-phu-cua-hoa-xa-tri-giua-mua-dich-covid19-20210703142338115.htm

  • Từ khóa