Khai mạc Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Thứ 2, 05.07.2021 | 14:39:38
751 lượt xem

Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII đã khai mạc sáng nay, 5/7, tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên khai mạc.

Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Hội nghị nhằm thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; xem xét, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhiệm kỳ khóa XIII; Quy định thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ khóa XIII; tiếp tục kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và một số vấn đề quan trọng khác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên khai mạc.

Khai mạc Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII -0

Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở, nêu một số vấn đề để Hội nghị quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét và quyết định.

Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Trung ương sẽ đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm nay, từ đó, cho ý kiến vào các vấn đề lớn nêu trong Tờ trình và các báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, nhất là những vấn đề quan trọng thuộc về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo còn có ý kiến khác nhau.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương chú ý làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ chủ yếu, một số chỉ tiêu cơ bản và đặc biệt là các cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể, hợp với thực tế, có tính đột phá, khả thi cao, bảo đảm thực hiện thành công các kế hoạch đề ra. Quán triệt thật đúng, tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương, quyết sách lớn của Đại hội XIII về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh và bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; củng cố, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao nội lực, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển xã hội, xây dựng, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đổi mới mạnh mẽ sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với xác định rõ trách nhiệm và tăng cường hiệu lực, hiệu quả phối hợp, giám sát, kiểm tra việc thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển...

Về xây dựng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, theo Tổng Bí thư đây là việc làm nhằm cụ thể hóa Điều lệ Đảng, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc và phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo đảng, bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Các quy chế nêu trên cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị; đổi mới, cải tiến chế độ, lề lối làm việc, phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ và phù hợp; tránh mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bỏ sót việc.

Đây là cơ sở quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đảng, tăng cường sức mạnh, kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Trung ương tập trung cho ý kiến vào dự thảo các quy chế, nhất là những nội dung cần bổ sung, sửa đổi, như: Trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Thường trực Ban Bí thư; chế độ sơ kết, tổng kết, chế độ đi công tác cơ sở, phương pháp, lề lối làm việc, mối quan hệ công tác,…

Tại Hội nghị, Trung ương cũng sẽ nghiên cứu, cho ý kiến vào dự thảo các Quy định về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ khoá XIII. Trong đó, chú trọng nội dung còn những vướng mắc, bất cập, nhất là các vấn đề phát sinh từ cơ sở. Cụ thể như Quy định về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; việc lập các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy; quy định về nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và thẩm quyền, nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra các cấp; thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật, quy định về việc xử lý khi phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý; quy định về các trường hợp không giải quyết tố cáo,…

Đối với việc giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư cho rằng, đây là công việc rất hệ trọng. Tại Hội nghị Trung ương 2 khóa XIII (tháng 3/2021), Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao, sớm kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau Đại hội, đồng thời đã xem xét, quyết định giới thiệu nhân sự các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và cho ý kiến giới thiệu nhân sự đảm nhiệm 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước.

Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (tháng 3 - 4/2021), Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; bầu hoặc phê chuẩn đối với 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước.

Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét, giới thiệu nhân sự theo hướng: Đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước đã được Hội nghị Trung ương 2 khóa XIII bỏ phiếu giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua với số phiếu tín nhiệm cao thì Ban Chấp hành Trung ương không tiến hành bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại. Đối với 23 chức danh còn lại chưa lấy phiếu giới thiệu tại Hội nghị Trung ương 2 và các chức danh có dự kiến thay đổi so với lần trước, Bộ Chính trị sẽ xin ý kiến Trung ương bằng phiếu trước khi chính thức giới thiệu để Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Nội dung chương trình Hội nghị lần này bao gồm nhiều vấn đề rất cơ bản và hệ trọng. Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương dành thời gian tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.


BẮC VĂN/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/khai-mac-hoi-nghi-lan-thu-3-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-653634/

  • Từ khóa