Có nên để đề thi Giáo dục công dân chứa tình tiết giết người, bắt cóc...?

Thứ 7, 10.07.2021 | 09:38:12
1,340 lượt xem

Nhiều ý kiến cho rằng đề thi môn Giáo dục công dân chưa phù hợp vì có một số câu hỏi mang tính bạo lực, chứa nhiều tình tiết tàn nhẫn, giết người, bắt cóc…cần thay đổi cho cách ra đề năm sau.

Như Dân trí đã đưa, trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục công dân, có ít nhất 2 câu hỏi từ đề thi  gây ra làn sóng tranh luận từ phía thí sinh và phụ huynh. Cụ thể:

Câu hỏi thứ nhất: "Thôn Y có ông A; vợ chồng anh G, chị P; vợ chồng chị M, anh N và con gái là cháu C cùng sinh sống. Vốn có định kiến từ trước nên khi thấy chị P vào nhà mình, chị M cho rằng chị P có mục đích xấu nên đã tri hô và hỗ trợ anh N đánh đuổi chị P.

Sau đó ít lâu, bị chị P đưa tin sai sự thật về mình, anh N đã bí mật giam chị tại một ngôi nhà hoang.

Qua 2 ngày chị P mất tích, anh G phát hiện sự việc nên đã thuê ông A dùng hung khí đe dọa giết anh N buộc anh N phải thả vợ mình.

Khi bác sĩ yêu cầu chị P phải nằm viện điều trị do sang chấn tâm lý, anh G bắt cháu C rồi quay và gửi video cảnh cháu ngất xỉu do bị bỏ đói cho anh N để gây sức ép yêu cầu anh N phải trả tiền viện phí cho vợ mình. Những ai sau đây đồng thời vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe của công dân?".

Câu thứ hai: "Anh C là chi cục trưởng chi cục X chở chị S là nhân viên đi công tác bằng xe mô tô. Trên đường đi, anh C đã vượt đèn đỏ nên bị anh V là cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe. Vào thời điểm anh V lập biên bản và ra quyết định xử phạt anh C, cách đó không xa, anh N là tài xế xe taxi bị hành khách trên xe là anh G khống chế, dùng dao đâm vào bụng. Sau khi thoát khỏi xe và kêu cứu, anh N. ngã gục xuống đường. Lợi dụng lúc này anh G bỏ chạy.

Anh V nhờ người đưa anh N đi cấp cứu còn mình thì truy đuổi anh G. Thấy trong quyết định xử phạt anh C có thêm lỗi đi sai làn đường dù anh C không vi phạm, chị S đã đưa sự việc lên mạng xã hội. Không ngờ hành động của chị S khiến việc anh C bị xử phạt lan truyền rộng rãi dẫn đến uy tín của anh C bị ảnh hưởng.

Bức xúc, anh C đã tạo tình huống để chị S mắc lỗi nghiêm trọng rồi dựa vào đó thực hiện quy trình kỷ luật và chị S đã phải nhận quyết định buộc thôi việc. Những ai sau đây có thể vừa thực hiện quyền khiếu nại vừa được thực hiện quyền tố cáo?".

Có nên để đề thi Giáo dục công dân chứa tình tiết giết người, bắt cóc...? - 1

Hai câu hỏi gây tranh cãi trong đề thi môn giáo dục công dân.

Câu hỏi gay cấn, lâm ly bi đát như… phim

Học sinh Đoàn Tấn Thành (Gia Lai) bày tỏ: "Một số câu hỏi trong đề thi giáo dục công dân có nội dung phản cảm khi chứa nhiều tình tiết đầy tàn nhẫn như giết người, bắt cóc… Theo em, những câu hỏi này không phù hợp để đưa vào đề thi môn công dân - một môn học hướng con người tới "chân - thiện - mỹ".

Đồng quan điểm, thí sinh Trần Ngọc Linh (Hải Phòng) cho hay: "Đọc mấy câu hỏi này xong mà em… "hoảng" luôn bởi đề thi chứa nhiều tình tiết tàn nhẫn, lâm ly bi đát quá. Nào là giết người, bắt cóc, rồi tạo tình huống để chèn ép… éo le hệt như trong bộ phim "Penthouse - Cuộc chiến thượng lưu" đang "làm mưa làm gió" dạo gần đây vậy".

Quan niệm đề thi giáo dục công dân cần mang tính nhân văn, hướng con người tới cái hay, cái đẹp, phụ huynh Đoàn Như Dương cho rằng, việc đề thi chứa một số ngữ liệu phản cảm, mang tính bạo lực sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới suy nghĩ, tâm lý của học sinh.

Tương tự, sau khi đọc đề thi môn giáo dục công dân, phụ huynh Trần Ngọc Nam cũng nhận xét đề thi không phù hợp, chứa các tình huống tiêu cực, gây hoang mang cho thí sinh, đồng thời vẽ lên một bức tranh với đầy mặt "tối" của xã hội.

"Trên quan điểm của tôi, có rất nhiều cách để người ra đề hỏi cũng như yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức để trả lời. Không nhất thiết phải tạo các tình huống man rợ, phản cảm, thiếu giáo dục như hai câu hỏi trong đề thi trên" - anh Nam nhấn mạnh.

Đề cập "cái xấu" không có nghĩa là đề thi "xấu"

Là giáo viên môn giáo dục công dân, cô Nguyễn Thị Chuyến (Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Phòng) nhận định, những câu hỏi tình huống xuất hiện trong đề thi THPT môn Giáo dục công dân năm 2021 là những tình huống hết sức tự nhiên, hoàn toàn có thể xảy ra trong cuộc sống.

"Trên lớp, chúng tôi cũng thường dạy học sinh các tình huống gắn liền với thực tế. Nhiều tình huống "tréo ngoe" trên mạng xã hội cũng được đội ngũ giáo viên khéo léo đưa vào bài giảng để học sinh có thể phân tích, suy nghĩ và tìm ra hướng giải quyết. Từ những tình huống giả định, các em có thể rút ra những bài học, tránh sa vào những tệ nạn, cạm bẫy".

Đồng quan điểm, phụ huynh Vũ Văn Trung (Thái Bình) cho rằng, những tình huống được đưa ra trong đề thi giáo dục công dân năm nay đã phần nào giúp học sinh có cái nhìn chân thực hơn về những mặt "tối" tồn tại trong xã hội hiện nay.

"Kết thúc cấp 3, các con sẽ bước vào một cuộc sống mới - không còn sự chở che, bảo bọc quá nhiều của nhà trường, cha mẹ. Ra đời, các con cần có kiến thức, hiểu biết để nhận định tình huống và bảo vệ bản thân trước những cám dỗ trong xã hội.

Đề cập đến cái xấu không đồng nghĩa với việc biến con người trở nên xấu xí. Nói về cái xấu chính là để ta biết được đâu là sai trái, từ đó giúp điều chỉnh hành vi, hướng tới những điều tốt đẹp.

Ngồi trên ghế nhà trường, các em như tờ giấy trắng. Nay tự mình nhìn thấy vấn đề tiêu cực, đã vậy còn được tự tư duy và suy nghĩ cách xử lý, theo tôi, đây cũng được coi là một phương pháp giáo dục" - phụ huynh Vũ Văn Trung bày tỏ.

Có nên để đề thi Giáo dục công dân chứa tình tiết giết người, bắt cóc...? - 2

Việc cân nhắc nên lựa chọn các vấn đề đưa vào đề thi cho phù hợp với học sinh dưới 18 tuổi. Đây là việc cần chú ý trong các đề thi năm sau.

Cân nhắc cho đề thi tốt nghiệp năm sau

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng, Tp Huế cho biết, khi đọc tôi đã phát hiện ra đề có tình huống "đuổi đánh" nhưng thực tiễn cuộc sống không chỉ có những điều tốt đẹp mà còn tồn tại những mặt trái. Liên quan đến vi phạm pháp luật, trách nhiệm pháp lý… không thể không có những hành vi phạm pháp luật. Đề ra không chỉ phản ánh một mặt tốt mà phải phản ánh được cả mặt trái của xã hội, nhất lại là đề môn Giáo dục công dân.

Học sinh nói đùa với nhau đề môn Giáo dục công dân có những tình huống gây cấn như trong phim Penthouse, chứng tỏ đó là những câu khó, mang tính phân hóa cao. Thực sự, để xây dựng những tình huống hay, khó, mang tính thực tiễn, đảm bảo tính giáo dục… là không hề đơn giản.

"Khi đọc những câu này, bản thân tôi phải đọc 2-3 lần, phân tích kỹ mới xác định được đáp án. Tôi thấy người ra đề nghĩ được tình huống như vậy  không dễ dàng. Các vấn đề thuộc mặt trái của xã hội như cướp, hiếp, giết hầu như không có, nếu không có hành vi "đánh người" thì chắc phải đổi luôn nội dung môn Giáo dục công dân" - cô Phượng cho hay. 

Còn cô giáo Dương Thị Thúy Nga, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội  phân tích:

Thứ nhất, số câu có các tình tiết phản ánh mặt trái của xã hội trong tổng số 40 câu của đề thi không nhiều.

Thứ hai, nếu phân tích kĩ từng câu sẽ thấy các câu phản ánh mặt trái đều liên quan đến các quyền được pháp luật bảo vệ như: tính mạng, sức khỏe, danh dự... Do đó, các vi phạm những quyền này đương nhiên không thể nhẹ nhàng hoặc ít nghiêm trọng được; hoặc chỉ có thể thực hiện quyền tố cáo với các vi phạm nghiêm trọng.

Thứ ba, trong những câu (2 câu) phản ánh mặt trái mà đang bị coi là dã man, thiếu giáo dục, ít nhân văn... đều có cả những hành vi đúng pháp luật (VD: anh cảnh sát V lập biên bản xử lí khi có hành vi trái pháp luật; anh V nhờ người đưa anh N đi cấp cứu và truy đuổi kẻ phạm tội...

Cô Nga cho rằng, pháp luật điều chỉnh rất nhiều các mối quan hệ xã hội và trong nhiều lĩnh vực. Một câu nhận biết hay thông hiểu thường chỉ đề cập đến một lĩnh vực và các mối quan hệ xã hội ít phức tạp. Còn với câu vận dụng đương nhiên phải đặt vấn đề cần giải quyết trong các mối quan hệ xã hội phức tạp hơn và nhiều hơn một lĩnh vực. Do đó không tránh khỏi câu dẫn dài, nhiều nhân vật, nhiều mối quan hệ, nhiều loại hành vi đúng, sai, nhiều lĩnh vực...

Tuy nhiên, Nga cũng đồng tình với việc cân nhắc nên lựa chọn các vấn đề đưa vào đề thi cho phù hợp với học sinh dưới 18 tuổi. Đây là việc cần chú ý trong các đề thi năm sau.

"Từ hôm qua đến nay tôi cũng nhận được khá nhiều câu hỏi của cả giáo viên và học sinh xem phương án nào đúng ở các câu vận dụng, phần lớn là đều là do chưa chắc chắn với đáp án đã chọn. Điều này chứng tỏ các câu vận dụng đã đáp ứng được yêu cầu phân hóa của đề thi. Chúng ta cứ đợi kết quả xem học sinh kiếm điểm 7,8 có dễ không, kiếm điểm 9,10 khó hay dễ" - cô Nga nói. 

Kiều Phương - Nhật Hồng/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/co-nen-de-de-thi-giao-duc-cong-dan-chua-tinh-tiet-giet-nguoi-bat-coc-20210710072440791.htm

  • Từ khóa