Chung tay kết nối tiêu thụ nông sản

Thứ 7, 17.07.2021 | 09:30:05
498 lượt xem

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều loại nông sản ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang không có đầu ra, chịu cảnh ế hàng, dội chợ, rớt giá. Các địa phương, cơ quan chức năng đang đẩy mạnh hỗ trợ kết nối, giúp nông dân tiêu thụ nông sản để giảm bớt thiệt hại.

Khoai lang tím Nhật Bản tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đang rớt giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Khoai, mít dội chợ, rớt giá

Những ngày này, đến "thủ phủ" khoai lang tím Nhật Bản ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long không còn quang cảnh lao động nhộn nhịp trên đồng, mặc dù đang là thời điểm thu hoạch rộ. Không chỉ vì Bình Tân nằm trong diện thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, mà vì không có thương lái thu mua. Diện tích khoai lang vụ đông xuân đến kỳ thu hoạch trên đồng khoảng 800 ha với sản lượng khoảng 32.000 tấn đang không tìm được nơi tiêu thụ. Bà Trương Thị Cẩm Em, ở xã Thành Trung, huyện Bình Tân cho biết, từ đầu tháng 5 khi dịch Covid-19 bùng phát thì tình hình tiêu thụ khoai lang đã có dấu hiệu chững lại. "Khoảng giữa tháng 5 là không còn thương lái thu mua nữa, khoai lang bị ế hàng, dội chợ, thu hoạch rồi đổ đống ngoài ruộng, giá cũng tuột dốc không phanh, chỉ còn 300 đến 500 đồng/kg. 10 người trồng khoai thì 9 người lỗ trắng tay", bà Em chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Bình Tân, Nguyễn Hoàng Anh cho biết, khi dịch chưa bùng phát ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì chính quyền còn kêu gọi các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ tiêu thụ khoai lang tím Nhật Bản được. Còn hiện nay, dịch bệnh khắp nơi, giãn cách xã hội khiến việc vận chuyển gặp khó khăn nên coi như "chịu chết". Trên địa bàn xã Tân Thành vẫn còn khoảng 300 ha khoai lang đang đến độ thu hoạch nhưng không ai mua, khiến nông dân mất trắng, thậm chí lỗ từ 15 đến 20 triệu đồng/công (1.000 m2). Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, Nguyễn Văn Tập cho biết, diện tích khoai lang tím Nhật Bản toàn huyện từ 12.000 đến 13.000 ha/năm, sản lượng 350.000 tấn. "Do diện tích lớn, lại ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên giá thu mua giảm mạnh, không có thị trường tiêu thụ. Mỗi tháng trung bình nông dân thu hoạch khoảng 1.000 ha khoai lang, nên luôn trong tâm trạng thấp thỏm về đầu ra", ông Nguyễn Văn Tập chia sẻ.

Chung tay kết nối tiêu thụ nông sản -0 

Hơn 1.000 tấn nhãn ở Cần Thơ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ khiến nhà vườn lo lắng.

Không chỉ khoai lang, toàn tỉnh Vĩnh Long có 2.480 ha mít Thái Lan siêu sớm. Trong đó, huyện Bình Tân chiếm diện tích khoảng 1.000 ha, kế đến là huyện Long Hồ 336 ha… đang thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua. Có thời điểm giá mít Thái Lan từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg, một trái mít có thể đem lại thu nhập cho nhà vườn vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. Ðây chính là nguyên nhân khiến cho loại cây trồng này phát triển nóng trong những năm gần đây. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên giá mít Thái Lan giảm chỉ còn 4.000 đến 5.000 đồng/kg. Canh tác năm công mít Thái Lan, thu hoạch đã nhiều lứa nhưng đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Sơn, huyện Bình Tân chứng kiến giá mít Thái Lan giảm sâu đến vậy.

Cùng cảnh ngộ gặp khó đầu ra, ông Phạm Văn Bảnh, 61 tuổi, ở xã Ðốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp đang lo lắng vì sợ giá mít còn xuống thấp hơn nữa. Gia đình ông trồng 6,5 công mít đang cho trái sắp thu hoạch, nhưng không biết bán đi đâu. Trong khi đó, tổng diện tích trồng mít trên toàn huyện Tháp Mười khoảng 1.500 ha, tập trung nhiều nhất tại ba xã Ðốc Binh Kiều, Thanh Mỹ và Phú Ðiền. Diện tích mít đang thu hoạch trái khoảng 700 ha, sản lượng đạt khoảng 10.000 tấn, tiêu thụ chủ yếu ở chợ truyền thống và thông qua thương lái. Nay chợ thì đóng cửa, thương lái "bó tay" nên nông dân rất lo lắng.

Chung tay kết nối đầu ra cho nông sản

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Ðồng Tháp, Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Sở đã triển khai các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản giúp nông dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sở tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Công thương, sở công thương các tỉnh, thành phố lớn; làm việc với các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện lợi; gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán, hộ dân về tiêu chuẩn, quy cách hàng hóa, phương thức vận chuyển, thanh toán… để tìm cách gỡ khó cho nông dân. Phối hợp tổ chức các tuần hàng, các đợt khảo sát vùng nguyên liệu… để kết nối, tiêu thụ nông sản của tỉnh. "Chúng tôi mời các kênh phân phối lớn, có tiềm năng đến khảo sát vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất nông sản của Ðồng Tháp và trao đổi, hợp tác liên kết, tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Hỗ trợ kết nối hàng hóa nông sản của nông dân, doanh nghiệp vào bếp ăn tập thể, khu, cụm công nghiệp…", ông Nguyễn Hữu Dũng thông tin.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ Trần Thị Thiên Thư, TP Cần Thơ có 22.830 ha trồng cây ăn trái, sản lượng thu hoạch 83.016 tấn. Trong đó, nhiều nhất là diện tích trồng xoài các loại 3.002 ha, nhãn 2.805 ha, sầu riêng 2.648 ha... Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó đầu ra như nhãn, bắp ngọt, xoài cát Hòa Lộc, hẹ, rau cần ống, rau thơm, nấm bào ngư. "Ðể giúp hội viên trong việc tiêu thụ, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cầu nối đến các siêu thị trên địa bàn. Chúng tôi đề nghị các siêu thị ưu tiên nhận nguồn hàng hóa của địa phương để giảm chi phí vận chuyển. Hàng hóa nào địa phương thiếu hoặc không có mới nhận từ nơi khác chuyển về. Vừa giảm chi phí vừa góp phần bảo đảm an toàn mùa dịch và hỗ trợ được nông dân", bà Trần Thị Thiên Thư nói.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Chiều cho biết, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với Ngân hàng thực phẩm Foodbank Việt Nam tổ chức "Chiến dịch khoai lang nghĩa tình" và gửi thư ngỏ đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chung tay chia sẻ khó khăn giúp nông dân tiêu thụ khoai lang. Ðồng thời chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã phối hợp chính quyền và các ban, ngành đoàn thể cùng chung tay hỗ trợ nông dân; vận động mỗi tổ chức hội cơ sở vận động hội viên nông dân tích cực hưởng ứng tiêu thụ ít nhất 500 kg khoai lang/cơ sở. Kết quả đến nay, đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ được hơn 100 tấn, giá khoai tăng hơn trước, trong đó khoai lang tím Nhật Bản đẹp có giá 200.000 đồng/tạ; khoai quá lứa khoảng 35.000 - 50.000 đồng/tạ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long, về lâu dài cần có những định hướng rõ nét, trong đó xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng để ổn định thị trường. Ðối với những loại nông sản có vùng nguyên liệu và sản lượng lớn như khoai lang tím Nhật Bản, mít thì ngoài tiêu thụ tươi, có thể sơ chế bằng hình thức sấy khô. Ðồng thời phải liên kết, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến ở từng địa phương, góp phần thúc đẩy liên kết và tiêu thụ nông sản. "Nhiều năm qua, tỉnh đã và đang cơ cấu lại ngành nông nghiệp dựa theo quy hoạch vùng. Tập trung quy hoạch lại các vùng chuyên canh và củng cố phát huy thế mạnh của các hợp tác xã, gắn kết với thị trường tiêu thụ… Tập trung xây dựng mã vùng cho các loại nông sản đặc sản của tỉnh", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long Trương Thành Dãnh cho biết.

Các chuyên gia chia sẻ: Giải pháp tìm đầu ra cho nông sản lúc này cần có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống kho lưu trữ. Cụ thể là kho lạnh để có thể thu mua và trữ nông sản. Chính sách về lãi suất cần tính đến cho những ưu tiên này để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Nhà nước tập trung đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ và cảng biển để hàng hóa được lưu thông tốt hơn. Khi đó các doanh nghiệp thương mại sẵn sàng thu mua nông sản và điều tiết được thị trường tiêu thụ".

Song Dũng và Hữu Nghĩa/nhandan.vn

https://nhandan.vn/xahoi/chung-tay-ket-noi-tieu-thu-nong-san-655445/

  • Từ khóa