Dịch Covid-19 "càn quét" là mấu chốt khiến tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam chưa đạt mục tiêu kịch bản đề ra. Sáng nay (22/7), Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về "sức khỏe" nền kinh tế.
Dự kiến, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KH-XH), ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm.
"Sức khỏe" nền kinh tế và các quan điểm chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống dịch Covid-19; các kịch bản, giải pháp để vực dậy nền kinh tế sẽ được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.
Trong 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng GDP đạt 5,64%, chưa đạt mục tiêu kịch bản đề ra (Ảnh: Đỗ Linh).
Hồi đầu tháng 7, trong họp phiên thường kỳ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Chính phủ đã nhấn mạnh kết quả đạt được là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng chỉ tăng 1,47%, thấp nhất kể từ năm 2016 và tạo dư địa trong điều hành giá theo mục tiêu dưới 4%.
Đánh giá về thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá, Chính phủ khẳng định sự ổn định, tín dụng phục hồi, tăng 5,68% so với cuối năm 2020. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu có tốc độ tăng cao, 6 tháng tăng 32,2%.
Nhiệm vụ thực hiện "mục tiêu kép" được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao. Các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân; cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là Moody's, S&P và Fitch đồng loạt nâng điểm triển vọng lên tích cực.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP đạt 5,64%, tuy cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 nhưng chưa đạt mục tiêu kịch bản đề ra.
Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI còn cao (74,1%); cán cân thương mại nghiêng về nhập siêu (6 tháng nhập siêu 1,47 tỷ USD); hàng hóa xuất nhập khẩu có thời điểm bị ùn ứ. Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán, vàng còn tiềm ẩn rủi ro.
Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương 6 tháng đầu năm còn chậm, đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (34%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 7,37%.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, thu hút FDI giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020, số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm mạnh cho thấy tín hiệu còn nhiều khó khăn, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm.
Hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 24,9%. Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh.
Trên cơ sở kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm là 5,64%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay. Cụ thể:
Kịch bản thứ nhất: Tăng trưởng đạt 6% hết năm nay theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra. Mức tăng trưởng này đạt được với điều kiện dịch cơ bản được khống chế, không có các ổ dịch ở các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội. Theo đó, đến quý III sẽ đạt tăng trưởng khoảng 6,2%, quý IV sẽ đạt khoảng 6,5%.
Kịch bản thứ 2: Tăng trưởng đạt 6,5% theo Nghị quyết 01 của Chính phủ. Mục tiêu này đạt được với điều kiện cơ bản khống chế được dịch trong tháng 6 năm nay, không có các ổ dịch tại khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội. Với kịch bản này thì đến quý III mức tăng trưởng từ 7% trở lên và quý IV phải tăng 7,5% trở lên.
Châu Như Quỳnh/dantri.com.vn