Đổi mục tiêu vắc xin, "nới" hạn tiêm phòng 70% dân số sang nửa đầu năm 2022

Thứ 5, 22.07.2021 | 14:39:32
1,616 lượt xem

Chiến lược vắc xin phòng Covid-19 đặt ra ban đầu là phấn đấu cuối năm 2021 tiêm phòng được cho 70% dân số để tạo miễn dịch cộng đồng. Với khó khăn thực tế, mục tiêu này được chuyển sang nửa đầu 2022.

Sáng 22/7, tại Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. Báo cáo của Chính phủ dành dung lượng đáng kể đề cập tình hình phòng chống dịch Covid-19.

Đổi mục tiêu vắc xin, nới hạn tiêm phòng 70% dân số sang nửa đầu năm 2022 - 1

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Thủ tướng báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm.

Nhiều hình thức tiếp cận để có thể mua vắc xin

Trình bày báo cáo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề cập, từ đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Trong nước, đợt dịch thứ 4 với sự xuất hiện của chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn, đã tác động mạnh đến một số tỉnh, thành phố phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội và nghiêm trọng đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là TPHCM.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có kết luận, công điện về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn, quyết liệt hơn với tinh thần "chống dịch như chống giặc" và "bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết"; chuyển trạng thái từ "phòng ngự" sang "tấn công" với chiến lược vắc xin và phương châm "4 tại chỗ" đi đôi với tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định.

Chính phủ cũng triển khai nhiều giải pháp ngoại giao, thúc đẩy mọi biện pháp có thể để có vắc xin sớm nhất, nhiều nhất và tổ chức chiến dịch tiêm chủng kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch.

Cơ quan điều hành đã tích cực, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy mua, nghiên cứu, sản xuất và tiêm vắc xin; thành lập Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào ở nước ngoài, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

"Trong điều kiện khan hiếm vắc xin trên toàn cầu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt là Thủ tướng và các bộ, ngành đã vận động các quốc gia, tổ chức quốc tế bằng nhiều hình thức để tiếp cận, mua vắc xin cho người dân" - Phó Thủ tướng báo cáo.

Diễn biến dịch bệnh, theo Phó Thủ tướng, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an sinh xã hội. Trong báo cáo, Phó Thủ tướng đề cập các giải pháp hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch. Cụ thể, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19.

Đánh giá chung, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định, nửa đầu năm 2021, cả nước tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 với biến chủng mới gây ra, nhất là ở các tỉnh thành phía Nam. Trong bối cảnh đó, các quy định, hướng dẫn trong phòng, chống dịch chưa được hoàn thiện, bổ sung kịp thời; sự quản lý, giám sát của một số cấp chính quyền có lúc, có nơi còn sơ hở, thiếu chặt chẽ, chưa thực sự chủ động.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành và việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch của một bộ phận người dân chưa nghiêm.

An ninh quốc phòng, nhất là trên biển còn tiềm ẩn yếu tố khó lường; trật tự an toàn xã hội có thể diễn biến phức tạp hơn do thiếu công ăn việc làm dưới tác động của đại dịch.

Thực tế này là thách thức lớn với việc thực hiện các mục tiêu của năm 2021, đòi hỏi phải có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả, vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung dập dịch nhanh nhất có thể tại TPHCM

Đổi mục tiêu vắc xin, nới hạn tiêm phòng 70% dân số sang nửa đầu năm 2022 - 2

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu 5 giải pháp chống dịch trong nửa sau năm 2021.

Giải pháp cho cuộc chiến chống Covid-19 trong nửa năm còn lại, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu 5 nội dung.

Thứ nhất, Chính phủ quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vắc xin và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, có tính chất quyết định.

Trước mắt, cả nước tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TPHCM và một số tỉnh đang bùng phát mạnh; tăng cường thông tin tuyên truyền và kêu gọi người dân tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch.

Thứ hai, cơ quan điều hành sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự điều hành của chính quyền; tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; xác định người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể; tham gia phòng chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân; giữ vững tình hình an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho người dân trong mọi tình huống.

Thứ ba, các cấp, các ngành, địa phương bám sát thực tiễn, đánh giá đúng tình hình để có giải pháp kịp thời, phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả đối với từng địa phương, từng thời điểm; triển khai giãn cách, phong tỏa, cách ly linh hoạt, phù hợp, nhưng phải triệt để, hiệu quả, khi cần có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Chính phủ chỉ đạo tập trung điều trị các ca bệnh nặng, giảm tối đa các ca tử vong.

Thứ tư, lãnh đạo Chính phủ đề cập việc thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc xin, phân bổ linh hoạt, khoa học, hợp lý cho các đối tượng ưu tiên; đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất cần thiết và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc. Mục tiêu đề ra có sự điều chỉnh là sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022 thay cho mốc chốt năm 2021 như kế hoạch ban đầu.

Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh; tăng cường truy vết, quản lý cách ly, sau cách ly; có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu về kiểm soát các tuyến biên giới.

Phương Thảo/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/doi-muc-tieu-vac-xin-noi-han-tiem-phong-70-dan-so-sang-nua-dau-nam-2022-20210722090022314.htm

  • Từ khóa