Hà Nội: Không để khan nguồn cung lương thực trong và sau dịch

Chủ nhật, 01.08.2021 | 09:08:50
624 lượt xem

TP. Hà Nội hiện có khoảng 10,33 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc. Theo tính toán về nhu cầu tiêu dùng và khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, vẫn cần cung ứng nhiều loại nông sản từ các tỉnh bên ngoài Thành phố.


Nguồn cung lương thực cho Hà Nội trước mắt không bị ảnh hưởng vì sản xuất vẫn dồi dào - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 31/7, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến về tình hình sản xuất nông nghiệp và nhu cầu tiêu thụ lương, thực thực phẩm trong điều kiện dịch COVID-19.

Hà Nội hiện có khoảng 10,33 triệu người hiện đang sinh sống, học tập và làm việc. Theo tính toán về nhu cầu tiêu dùng và khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, nhiều loại nông sản vẫn cần cung ứng từ các tỉnh bên ngoài Thành phố. Cụ thể, mỗi tháng sản lượng gạo mới chỉ đáp ứng được 65,6% nhu cầu tiêu dùng của người dân; thịt lợn chỉ đáp ứng 94,1% nhu cầu; thịt trâu, bò đáp ứng được 19,3% nhu cầu; gia cầm đáp ứng đủ nhu cầu; trứng gia cầm đáp ứng được 94,2%; thủy sản đáp ứng hơn nửa nhu cầu. Sản lượng tự sản xuất rau củ trên địa bàn hơn 67.000 tấn, mới đáp ứng 65,1% tổng nhu cầu; thực phẩm chế biến trên địa bàn đáp ứng 19%...

Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17 của TP. Hà Nội, đến nay Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổng hợp danh sách 616 cơ sở đầu mối cung cấp sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ các tỉnh thuộc chuỗi 21 tỉnh, thành phố phía bắc cho thị trường Hà Nội để các đơn vị siêu thị, điểm kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn khai thác nguồn cung hàng hóa trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối hiện đại... thực hiện phương án bảo đảm nguồn hàng trong tình hình dịch bệnh như: Tăng nguồn hàng dự trữ, triển khai nhiều hình thức cung ứng đa dạng như trực tuyến, bán hàng đồng giá, bán hàng đăng ký trước...

Theo đó, mỗi tháng sẽ có 166 cơ sở cung cấp rau, củ, quả với sản lượng hơn 35.000 tấn; 71 cơ sở cung cấp thịt gia súc, gia cầm với sản lượng hơn 5.800 tấn; 24 cơ sở cung cấp trứng gia cầm với sản lượng hơn 31,2 triệu quả; 49 cơ sở cung cấp thủy sản với sản lượng hơn 3.100 tấn; 306 cơ sở cung cấp nông sản khác với sản lượng hơn 126.000 tấn… Theo đánh giá chung, nhu cầu sản xuất và khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, nhất là gạo, thịt trâu, bò, rau củ quả và sản phẩm chế biến…

Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với nguồn cung các sản phẩm nông sản hàng hóa thực phẩm là ở khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội. Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn do nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu lái xe khi đi ra từ vùng dịch phải thực hiện cách ly nên đã khiến các thương lái tại các tỉnh lo ngại khi vào thu mua nông sản. Ngoài ra, nguy cơ dịch xảy ra ở các chợ đầu mối, chợ dân sinh, cơ sở giết mổ tập trung làm gia tăng đứt gãy chuỗi cung ứng…

Bà Nguyễn Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng đến nay không xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ dù sức mua tăng đột biến, hàng hóa vẫn bảo đảm đủ cho người dân. Tuy nhiên, điều bà Lan lo ngại là, trong tình huống xấu, nếu số ca F0 tăng cao, Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách, trong khi các địa phương khác cũng có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt hơn, thì việc vận chuyển nông sản từ các địa phương về Hà Nội có thể khó khăn.

Đối với việc đóng cửa các chợ dân sinh, chợ cóc trên địa bàn Hà Nội, một số chợ đầu mối đã xuất hiện các ca F0, hiện chợ đầu mối phía nam tạm thời bị phong tỏa, bà Lan cho biết, phương án của Sở Công Thương Hà Nội là chia nhỏ các điểm tập kết, các điểm bán hàng để không làm đứt gãy nguồn cung.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị: “Bộ NN&PTNT cần cập nhật kiến nghị của các địa phương, đặc biệt là Hà Nội; tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ giải quyết những nhu cầu chính đáng trong điều kiện dịch COVID-19 như các phương án cấp mã nhận diện kiểm tra phương tiện vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải vận chuyển các nhóm thực phẩm tươi sống, mau hỏng và các nhóm vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất như con giống thức ăn chăn nuôi, phân bón… bảo đảm nhanh nhất và thông suốt trên địa bàn”.

Ông Trần Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đề xuất với lãnh đạo TP. Hà Nội cần rà soát lại sản xuất nông nghiệp của từng huyện cung ứng lương thực, thực phẩm cho khu vực nội đô.

"Với nguồn cung tại chỗ, hiện nay có 113 kho lạnh để dự trữ, trong điều kiện dịch diễn biến xấu hơn thì việc tập kết nông sản vào các kho này là kịch bản đầu tiên phải quan tâm. Bên cạnh đó, nếu các hệ thống đầu mối bị “đóng băng”, chúng ta phải chuẩn bị những điểm tập kết và bố trí hàng trung chuyển ở ven khu vực nội đô. Ngoài ra, cũng phải làm việc với từng chuỗi siêu thị bởi đây là khâu quan trọng trong việc phân phối bán lẻ hiện nay”, ông Toản nói.

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Hà Nội tiếp tục duy trì kế hoạch sản xuất, cung ứng nông sản, bảo đảm hàng hóa, lương thực thiết yếu cho người dân trong thời gian phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, cần rút kinh nghiệm về việc tổ chức sản xuất theo hình thức "3 tại chỗ" đối với các doanh nghiệp, không để gián đoạn sản xuất vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nếu để gián đoạn nguồn cung thì không những ảnh hưởng đến lượng lương thực cung cấp ra thị trường trước mắt mà sẽ có thể khan nguồn cung vào dịp cuối năm do các đơn vị sản xuất không kịp xuống giống kịp thời.

Đỗ Hương/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/Thi-truong/Ha-Noi-Khong-de-khan-nguon-cung-luong-thuc-trong-va-sau-dich/440682.vgp

  • Từ khóa