Điều trị tại địa phương - 'then chốt' chữa các ca nhiễm COVID-19 nặng

Chủ nhật, 01.08.2021 | 13:36:56
813 lượt xem

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương cần tăng cường các trung tâm, bệnh viện hồi sức cấp cứu. Đây chính là điểm then chốt để tập trung cứu chữa các ca bệnh nặng, giảm tối đa số ca tử vong do COVID-19.


PGS.TS Lương Ngọc Khuê. Ảnh: VGP/Vũ Khoa

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết theo khảo sát năm 2021, cả nước có hơn 16.000 giường bệnh hồi sức tích cực, trên 2.000 bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu, hồi sức tích cực.

Tuy nhiên, số giường bệnh và năng lực hồi sức tích cực chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị người bệnh COVID-19 ngày càng tăng cao như hiện nay. Nhiều địa phương đang thiếu các trang thiết bị phục vụ điều trị người bệnh nặng. Khoa Hồi sức tích cực của nhiều bệnh viện chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu…, do thiếu nhân lực chuyên sâu, thiếu trang thiết bị về hồi sức tích cực.

Trước những thách thức trên, để nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện trên toàn quốc, đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 nặng trong thời gian tới, hệ thống khám, chữa bệnh cần khẩn trương thiết lập và đưa vào hoạt động các Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, Trung tâm hồi sức tích cực vùng. Việc thiết lập các Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, Trung tâm hồi sức tích cực vùng sẽ giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến cuối trong điều trị các ca bệnh nặng.

Bên cạnh đó, việc chuyển các ca bệnh nặng về các bệnh viện tuyến cuối sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, người bệnh cũng sẽ có xác suất tử vong cao trong quá trình di chuyển.

“Vì vậy, các trường hợp nặng này cần được điều trị ngay tại địa phương với sự tư vấn, hỗ trợ của các bác sỹ tuyến trên hoặc các chuyên gia đầu ngành”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Với những lý do trên, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu các địa phương tăng cường năng lực hồi sức tích cực, tập trung cứu chữa ca bệnh nặng, giảm tối đa số ca tử vong.

Mới đây, Bộ Y tế đã chỉ định và thành lập 12 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia quy mô từ 200-3.000 giường bệnh Hồi sức tích cực đặt tại các bệnh viện gồm: Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2), Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 TPHCM (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103.

Theo PGS Lương Ngọc Khuê, Đề án này là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách, đòi hỏi sự tham gia không chỉ riêng ngành y tế, Chính phủ, các bộ, ngành mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương và toàn xã hội.

Đề án được xây dựng với quan điểm chủ đạo, phát huy phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ),  thông qua nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của bệnh viện các tuyến, đồng thời kết hợp phương châm “3 tập trung” (tập trung nguồn lực, tập trung chuyên gia, tập trung người bệnh COVID-19 nặng) để điều trị.

“Đây chính là điểm mới và sự điều chỉnh mới trong chiến lược điều trị ca bệnh COVID-19 từ 4 tại chỗ kết hợp với “3 tập trung”. Điều này thể hiện quyết tâm của ngành y tế, trong việc tập trung toàn bộ nhân lực tinh nhuệ, để dập dịch, cứu chữa người bệnh”, ông Lương Ngọc Khuê cho biết.

Đề án cũng đặt mục tiêu thiết lập mạng lưới các trung tâm thu dung, điều trị người bệnh mắc COVID-19 nặng trên phạm vi toàn quốc; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng đồng bộ cho các Trung tâm hồi sức tích cực, được Bộ Y tế phân công thu dung, điều trị người bệnh mắc COVID-19 nặng và khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện các tuyến.

Hiền Minh/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/Suc-khoe/Dieu-tri-tai-dia-phuong-then-chot-chua-cac-ca-nhiem-COVID19-nang/440740.vgp

  • Từ khóa