"Các tỉnh thành phải sẵn sàng tình huống dịch nặng như TPHCM"

Thứ 3, 03.08.2021 | 09:21:47
1,126 lượt xem

Đây là vấn đề được mở rộng tại cuộc giao ban chiều 2/8 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với lãnh đạo TPHCM, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Các tỉnh thành phải sẵn sàng tình huống dịch nặng như TPHCM - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ trì giao ban chiều 2/8/2021 (ảnh: VGP).

TPHCM đảm đương được trường hợp bệnh nhân nặng tăng lên

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết Thành phố đã siết chặt thực hiện Chỉ thị 16 theo phương châm "RÕ - NGHIÊM - CHẮC - HIỆU QUẢ", bảo đảm thực hiện đồng bộ trên địa bàn, quy định rõ 7 nhóm đối tượng được phép ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau… Theo đó, số phương tiện tham gia giao thông giảm 79% so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 16.

Thành phố đã huy động các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 theo mô hình "bệnh viện tách đôi", trước mắt, khoảng 5 bệnh viện tham gia với quy mô 675 giường.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, các biện pháp TPHCM áp dụng đến nay đạt được hiệu quả nhất định. Thành phố đã giảm ca mắc, giảm ca tử vong và tăng cường tốc độ tiêm vắc xin.

"Công tác điều trị tương đối ổn, chúng ta cũng có thể đảm đương được trong những tình hình khi số lượng những trường hợp nguy kịch và nặng tăng lên", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Phó Bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi đề cập tình trạng, các ca tử vong không chỉ ở lớp thứ năm (hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp Covid-19 nặng và nguy kịch) mà còn ở lớp thứ tư (tiếp nhận các ca nặng có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm; hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục) các trường hợp nặng), thậm chí có ca ở lớp thứ ba (điều trị ở mức cơ bản đối với các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền; hồi sức cấp cứu (thở máy) một số trường hợp chuyển biến nặng).

Ban Chỉ đạo đánh giá thời gian qua, TPHCM đã làm rất tốt, ngày càng chú ý hơn trong việc giữ vùng an toàn (vùng xanh), chuyển vùng nguy cơ (vùng vàng) thành vùng an toàn xanh. Ban Chỉ đạo đề nghị Thành phố có những biện pháp làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn để giữ vững vùng xanh, chuyển nhanh vùng vàng ở tất cả các quận, huyện.

Cách ly F1 tại nhà giữ cho lực lượng y tế không quá tải 

Từ kinh nghiệm của TPHCM và một số tỉnh khác, để sẵn sàng cho tình huống dịch lan rộng hơn, Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế hướng dẫn các tỉnh, thành phố còn ít ca nhiễm tiếp tục kiện toàn hoạt động của tổ Covid-19 cộng đồng ngoài việc giám sát thực hiện phòng, chống dịch ở khu dân cư, phát hiện người từ nơi khác về… và sẵn sàng có trợ giúp y tế ban đầu.

Các tỉnh còn ít ca nhiễm cần thực hiện ngay việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm; tập huấn, thí điểm cách ly tại nhà đối với F1, giữ cho lực lượng y tế không bị quá tải khi dịch diễn biến phức tạp hơn nữa.

Các địa phương sớm chuẩn bị trung tâm thu dung F0 không triệu chứng, chăm lo đầy đủ sức khỏe và tinh thần để giảm thấp nhất tỷ lệ chuyển sang F0 có triệu chứng; thành lập các cơ sở điều trị có triệu chứng nhẹ phải có hệ thống ô xy tập trung, máy thở ô xy dòng cao… Bộ Y tế hướng dẫn kỹ các địa phương tổ chức hệ thống điều trị theo mô hình 5 lớp từ kinh nghiệm của TPHCM.

Ban Chỉ đạo lưu ý các tỉnh cần thiết lập hệ thống đường dây nóng có đủ năng lực tiếp nhận, xử lý đầy đủ thông tin cần trợ giúp về sức khỏe của người dân, không chỉ liên quan đến Covid-19.

Các địa phương tăng cường thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", để nắm tất cả những người từ nơi khác về, có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp.

Thái Anh/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/cac-tinh-thanh-phai-san-sang-tinh-huong-dich-nang-nhu-tphcm-20210802205957577.htm

  • Từ khóa