Công tác châu Âu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ triển khai ngoại giao vắc-xin

Thứ 7, 04.09.2021 | 14:24:17
428 lượt xem

Trong chuyến công tác tại châu Âu từ ngày 5-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ chia sẻ giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai chiến lược ngoại giao vắc-xin của Đảng và Nhà nước.

Từ ngày 5 đến 11-9-2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao của Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan.

Công tác tại châu Âu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ ngoại giao vắc-xin - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: Thành Chung

Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt của đất nước sang châu Âu từ sau Đại hội Đảng XIII tới nay và sau 2 năm gián đoạn vì những tác động tiêu cực chưa từng có của đại dịch Covid-19. Chuyến thăm góp phần cụ thể hoá đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, đa dạng hoá, đa phương hoá của quốc gia; tiếp tục khẳng định và phát huy mạnh mẽ vai trò ngoại giao nghị viện vì lợi ích quốc gia, dân tộc; củng cố và phát huy vị thế, uy tín của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm, chủ động, tích cực tại các cơ chế hợp tác đa phương và song phương; khẳng định một Việt Nam không ngừng đổi mới, an toàn, giàu tiềm năng hợp tác và phát triển.

Chuyến thăm của đoàn Việt Nam cũng tiếp nối thành công của Đại hội đồng liên minh nghị viện các nước ASEAN (AIPA lần thứ 42) vừa kết thúc vào cuối tháng 8 vừa qua, khẳng định cộng đồng ASEAN đoàn kết, năng động, thích ứng với những thách thức của đại dịch Covid-19 để phát triển bền vững.

Theo lịch trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng 114 Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, 30 Phó Chủ tịch Quốc hội đến từ 104 nghị viện thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), 7 thành viên liên kết và 10 quan sát viên sẽ tham dự các hoạt động trong khuôn khổ của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới do IPU và Liên Hiệp Quốc tổ chức.

Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu, nêu quan điểm của Việt Nam tại phiên họp toàn thể về chủ đề "Sự dẫn dắt nghị viện vì hợp tác đa phương hiệu quả hơn nhằm mang lại hòa bình, phát triển bền vững cho người dân và trái đất"; tham dự và thảo luận tại các phiên họp chuyên đề nhằm hướng tới một Hiệp ước toàn cầu về bình đẳng giới.

Đặc biệt là giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19; phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế để ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững; cân bằng mối quan hệ giữa cởi mở, minh bạch và khả năng tiếp cận của nghị viện và vấn đề an ninh; nghị viện và quản trị toàn cầu, tăng cường vai trò của nghị viện đối với hoạt động của Liên Hiệp Quốc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự kiến cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với một số Trưởng đoàn/Chủ tịch Nghị viện một số nước, đối tác lớn, quan trọng, tiếp xúc, làm việc với một số tổ chức quốc tế và các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Vienna (Áo).

Ngay sau khi tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới và các hoạt động tại Cộng hoà Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ kết hợp thăm làm việc với Liên minh châu Âu (EU), Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác toàn diện với EU/EP- một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, và quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Bỉ, Phần Lan cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác nghị viện với các quốc gia này; tranh thủ xây dựng quan hệ ở cấp Lãnh đạo chủ chốt của nước ta với các nước, thúc đẩy phát triển quan hệ với các chính đảng, mở rộng đối ngoại nhân dân.

Với Phần Lan, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau gần 30 năm, tạo dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước và cơ quan lập pháp hai nước. Thông qua Phần Lan, Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực Bắc Âu và vùng Baltic.

Với EP, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội có ý nghĩa quan trọng sau khi EP và Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) trong năm 2020, đồng thời là sự mở đầu cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Lãnh đạo cao nhất của hai cơ quan lập pháp trong nhiệm kỳ mới.

Đối với Hiệp định EVIPA, ngoài EP đã thông qua thì nghị viện của các nước thành viên cũng phải hoàn toàn thông qua thì mới có hiệu lực thực thi. Trong đó, nghị viện của Áo, Bỉ và Phần Lan đều là 3 quốc gia chưa thông qua EVIPA. Do đó, bên cạnh quan hệ thương mại giữa hai bên đang phát triển tốt đẹp, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này còn thể hiện thiện chí của Việt Nam trong tăng cường hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu và 27 nước thành viên, để hoàn thiện và phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai bên, thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam cùng các nước và cộng đồng doanh nghiệp duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, tìm giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tồn tại.

Đáng chú ý, chuyến công tác châu Âu này cũng là để triển khai chiến lược ngoại giao vắc-xin của Đảng và Nhà nước.

Tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới, Chủ tịch Quốc hội dự kiến sẽ chia sẻ, đóng góp các ý kiến, đề xuất của Việt Nam góp phần vào công cuộc phòng chống, kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Thông qua các tiếp xúc song phương, Đoàn công tác của Việt Nam sẽ triển khai tích cực ngoại giao vắc-xin, trao đổi, vận động các nước, đối tác, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp tài trợ, viện trợ vắc-xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế, thúc đẩy thương mại vắc-xin, tranh thủ nguồn dôi dư vắc-xin của các nước nhằm đa dạng hóa nguồn cung vắc-xin cũng như thuốc điều trị và trang thiết bị y tế cần thiết cho phòng, chống dịch trong nước./.


Thế Dũng/nld.com.vn

https://nld.com.vn/chinh-tri/cong-tac-chau-au-chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-trien-khai-ngoai-giao-vac-xin-20210904121158622.htm

  • Từ khóa