Kinh nghiệm kiểm soát dịch từ Khu công nghệ cao TPHCM

Thứ 2, 06.09.2021 | 00:00:00
328 lượt xem

Cuối tháng 6/2021, Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) xuất hiện một chuỗi lây nhiễm với gần 1.000 ca trong 1 DN. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, trung bình mỗi ngày trong SHTP chỉ ghi nhận dưới 5 ca mắc mới/hơn 21.000 lao động đang tham gia sản xuất.

Cuối tháng 6/2021, Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) xuất hiện một chuỗi lây nhiễm với gần 1.000 ca trong 1 DN. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, trung bình mỗi ngày trong SHTP chỉ ghi nhận dưới 5 ca mắc mới/hơn 21.000 lao động đang tham gia sản xuất.

Xét nghiệm sàng lọc định kỳ, cho phép phát hiện ca nhiễm để cách ly khoanh vùng kịp thời là 1 trong 2 giải pháp nhằm kiểm soát dịch của các DN trong Khu CNC TPHCM.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP con số không quá 5 ca nhiễm mới trên tổng số hơn 21.000 lao động đang tham gia sản xuất cho thấy các DN tại đây đã kiểm soát được dịch bệnh.

Sau gần 2 tháng vừa sản xuất, vừa thực hiện cách ly (tháng 7, tháng 8), SHTP đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. “Kiểm soát được dịch bệnh không phải là không còn các ca F0 mà khi có F0 thì chúng tôi truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Kết quả là từ 15/7 đến nay, tại SHTP,  mỗi ngày có không quá 5 ca nhiễm mới”, ông Thi nói.

Trước đó, cuối tháng 6, ngành y tế ghi nhận một chuỗi lây nhiễm tại Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam trong Khu công nghệ cao TPHCM với số ca nhiễm lên đến gần 1.000. “Thời điểm đó hạ tầng y tế, cơ sở cách ly bắt đầu quá tải. Khi có nhiều ca nhiễm chúng ta đã phong tỏa toàn bộ DN. Với chủng Delta lây lan nhanh, dẫn đến rất nhiều người thành F1 rồi F0”, ông Thi phân tích.

Từ vụ việc này, các DN trong SHTP đã rút ra bài học và kiểm soát tốt khi phát sinh ca nhiễm tại đơn vị mình.

Ví dụ vào đầu tháng 7, Nhà máy Samsung Electronics Ho Chi Minh Complex (với gần 9.000 lao động) cũng xuất hiện ca nhiễm chỉ điểm. Sau đó khoảng 3 tuần, qua nhiều lần xét nghiệm sàng lọc, đã cắt được mầm bệnh tại SEHC.

Với cách xử lý tình huống như vậy, một số DN khác trong Khu CNC khi xuất hiện ca nhiễm cũng tỉnh táo xử lý theo hướng dẫn của cơ quan y tế về cách ly, khoanh vùng và nhanh chóng kiểm soát dịch.

Từ thực tế quan sát diễn biến dịch tại các DN thời gian qua, ông Nguyễn Anh Thi cho rằng trong bối cảnh hiện nay không thể tuyệt đối hóa không có sự xâm nhập mầm bệnh vào môi trường sản xuất. Vì vậy vấn đề đặt ra là khi xuất hiện ca nhiễm thì DN khoanh vùng nhanh, xử lý nhanh.

Do vậy, ngày 15/7 khi bắt đầu thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly, SHTP chỉ có 50 DN đăng ký với trên dưới 10.000 lao động. Nhưng gần 2 tháng qua, các DN tại đây mở rộng quy mô sản xuất có kiểm soát, số lao động bổ sung tăng gấp đôi. Hiện toàn SHTP có 66/86 DN đang hoạt động theo cả hai phương án “3 tại chỗ” và “2 địa điểm - 1 cung đường”.

Nói về kinh nghiệm kiểm soát dịch của các DN, ông Nguyễn Anh Thi cho rằng nhờ 2 giải pháp. Thứ nhất là xét nghiệm sàng lọc định kỳ, cho phép phát hiện ca nhiễm để cách ly, khoanh vùng kịp thời. Thứ hai là bổ sung người lao động theo quy trình xét nghiệm 2 lần trong 5 ngày đầu, sau đó là 2 lần trong 7 ngày trong tuần tiếp theo; có khu vực làm việc riêng cho nhóm lao động bổ sung trong 2 tuần, sau đó mới làm việc chung với các nhóm còn lại.

Đối với phương án sản xuất sau ngày 15/9, ông Nguyễn Anh Thi khẳng định vẫn chỉ sản xuất khi đảm bảo an toàn. Người lao động an toàn thì DN an toàn. Người lao động an toàn là rủi ro lây nhiễm thấp, rủi ro bệnh trở nặng thấp còn nếu bị lây nhiễm thì phục hồi nhanh.

Để đảm bảo tiêu chí này, ông Thi cho rằng việc đầu tiên cần nhanh chóng tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho người lao động. Đồng thời Thành phố phải xây dựng bản đồ nguy cơ dịch với dữ liệu chính xác và cập nhật liên tục.

Băng Tâm/baochinhphu.vn 

https://baochinhphu.vn/Doanh-nghiep/Kinh-nghiem-kiem-soat-dich-tu-Khu-cong-nghe-cao-TPHCM/445341.vgp

  • Từ khóa