Phát triển kinh tế gắn với phòng, chống dịch tại các tỉnh Bắc Trung Bộ

Thứ 4, 08.09.2021 | 15:24:14
1,101 lượt xem

Vừa tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ cuối năm 2020, vừa phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm không đứt gãy chuỗi cung cấp hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương phù hợp, xuyên suốt được các tỉnh Bắc Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế) đưa ra nhằm ứng phó linh hoạt, kịp thời và phù hợp thực tiễn của từng địa phương. Nhờ vậy các tỉnh vẫn đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Cụm trang trại điện gió do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Quảng Bình.

Năm 2021 lúa được mùa, được giá không chỉ giúp người nông dân trong khu vực ổn định và nâng cao đời sống sau một năm đầy gian nan mà còn tạo ra nguồn nông sản phong phú để góp tặng cho bà con các tỉnh, thành phố phía nam bị ảnh hưởng của dịch.

Ðời sống ổn định nhờ nông nghiệp được mùa

Tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế diện tích đất sản xuất nông nghiệp không lớn, lại thường xuyên bị thiệt hại qua mỗi mùa bão lũ. Tuy nhiên, đây lại là nguồn lương thực ổn định cung cấp cho gần 2,7 triệu dân trong khu vực. Ðợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020 gây thiệt hại rất lớn đối với nông nghiệp song bù lại, sau lũ, đồng ruộng được bồi lắng lượng lớn phù sa nên cây lúa sinh trưởng tốt. Cả hai vụ đông xuân và hè thu, lúa ở các tỉnh được mùa, được giá.

Theo lãnh đạo các địa phương, có được kết quả đó là nhờ người dân áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật, đặc biệt hơn 90% diện tích sử dụng giống lúa mới năng suất cao được đưa vào sản xuất. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Những ngày đầu tháng 9 này, nông dân các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế đang khẩn trương thu hoạch lúa hè thu. Năng suất lúa vụ này đạt 54 đến 58 tạ/ha, cao hơn vụ hè thu năm trước. Thu hoạch xong, phần lớn lúa thương phẩm được nông dân bán ngay tại đồng cho tư thương với giá thấp hơn vụ trước, nhưng không đáng kể. Quá trình tiêu thụ sản phẩm các tư thương và người nông dân đều thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K để bảo đảm an toàn phòng dịch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh phối hợp các địa phương chỉ đạo các xã huy động tối đa các phương tiện, máy móc và nhân lực thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm tránh thiệt hại do lũ đầu mùa xuất hiện sớm. Riêng tại các vùng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ở tỉnh Quảng Bình, chính quyền huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện thu hoạch lúa giúp dân. Huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) huy động người dân ở các nơi không thực hiện cách ly đến giúp gặt, tuốt và vận chuyển lúa về tận nhà cho người dân khu vực đang phong tỏa.

“Đột phá” từ sản xuất công nghiệp

Các tỉnh Bắc Trung Bộ có quy mô nền kinh tế nhỏ, ngành công nghiệp chưa tạo giá trị gia tăng lớn. Ngành du lịch dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương cho nên khi dịch Covid-19 xảy ra đã gây nhiều thiệt hại lớn. Trước tình hình đó, các tỉnh đã đưa ra nhiều biện pháp ứng phó linh hoạt, kịp thời và sát với thực tiễn của từng địa phương để sản xuất không bị đình đốn, chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân không bị đứt gãy.

Cùng với đoàn công tác của Tỉnh ủy Quảng Bình đến thăm công trình thi công dự án trang trại điện gió B&T của Công ty cổ phần Ðiện gió B&T (Tập đoàn Ayala - Philippines) thực hiện trên vùng cát hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy cuối tháng 8 vừa qua, chúng tôi thấy không khí lao động tại đây hết sức khẩn trương. Công trường thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, cho dù bên ngoài dự án, nhiều xã đang thực hiện nghiêm giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Theo đại diện nhà đầu tư, với tổng mức đầu tư 8.113 tỷ đồng, đây là dự án điện gió trên đất liền có quy mô công suất lớn nhất (252 MW) tại Việt Nam hiện nay. Dự án có hệ thống gồm 60 tua-bin điện gió công nghệ hiện đại của Tập đoàn Vestas (Ðan Mạch).

Chỉ sau một năm thực hiện đến nay, khối lượng thi công của dự án đạt hơn 80%, như: hoàn thành việc đổ toàn bộ 60 trụ móng, lắp đặt hoàn chỉnh 28 trong tổng số 60 tua-bin điện gió, hệ thống đường dây nối lưới 220 kV và các trạm biến áp của dự án cũng đã hoàn thành. Cuối tháng 8, dự án trang trại BT1 đã thi công xong. Dự án BT2 giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành  ngày 15/9 và giai đoạn 2 đưa vào sử dụng ngày 15/10.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Quảng Bình, Phan Phong Phú cho biết, xác định đây là dự án lớn, mang tính động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai, hoàn thành nhanh các thủ tục pháp lý để dự án sớm triển khai. Sắp tới, trên vùng cát Quảng Bình sẽ có cụm trang trại điện gió quy mô lớn, khi đi vào hoạt động không chỉ đóng góp vào ngân sách lớn mà còn tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Ngoài ra, việc đầu tư dự án tạo cho cảnh quan môi trường trong khu vực ven biển trở nên mới lạ và ấn tượng, thúc đẩy phát triển ngành du lịch của địa phương.

Nếu như Quảng Bình chọn vùng cát ven biển để triển khai các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn thì tỉnh Quảng Trị lại chọn khu vực miền núi Hướng Hóa làm “đại công trường” xây dựng các dự án điện gió. Các chủ đầu tư tranh thủ thời gian đẩy mạnh xây dựng, lắp đặt để hoàn thành dự án kịp tiến độ trước ngày 1/11 nhằm hưởng cơ chế hỗ trợ phát triển liên quan các dự án điện gió của Chính phủ. Trong 31 dự án điện gió được phê duyệt có hai dự án đi vào hoạt động, các dự án còn lại đang chạy đua tiến độ.

Giám đốc Công ty Ðiện lực Quảng Trị Phan Văn Vĩnh cho biết, đồng hành với nỗ lực của nhà đầu tư và tỉnh, công ty luôn tạo điều kiện tốt nhất trong phối hợp xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ các dự án điện gió. Khi đi vào hoạt động các dự án này sẽ đóng góp vào ngân sách tỉnh Quảng Trị hơn 500 tỷ đồng mỗi năm. Không riêng các doanh nghiệp xây lắp điện gió, Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị, doanh nghiệp hàng đầu của ngành chế biến gỗ Việt Nam đã chủ động sản xuất với nhiều phương án ứng phó đại dịch phù hợp. Vừa phòng, chống dịch vừa phát triển sản xuất, công ty vận hành tốt hai dây chuyền sản xuất 24/24 giờ để bảo đảm cung cấp đủ khối lượng sản phẩm cho khách hàng.

Tổng Giám đốc Cao Thanh Nam cho biết, hiện công ty đang sản xuất 10 loại ván gỗ với bốn dòng, gồm ván gỗ chống ẩm, ván gỗ HDF, ván gỗ thông dụng và ván gỗ Carb P2, trong đó ván gỗ Carb P2 được xem là tiêu chuẩn cao nhất dành cho sản phẩm gỗ công nghiệp. Thời gian này, nhu cầu của người tiêu dùng trong nước với ván gỗ Carb P2 ngày càng tăng cao, ván gỗ của công ty đã thay thế được ván gỗ nhập ngoại. Công ty phấn đấu năm nay sản xuất đạt hơn 270 nghìn m3, cao nhất từ trước đến nay. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng toàn bộ công nhân đều có việc làm, thu nhập ổn định hơn 9 triệu đồng/tháng/người, một kết quả không phải đơn vị nào cũng đạt được giữa đại dịch.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm của Công ty TNHH một thành viên Thương mại và đầu tư Glass Vico (Khu công nghiệp Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế) tiêu thụ khó khăn. Theo Giám đốc Lê Ðức Thuận, để duy trì hoạt động và tạo việc làm thường xuyên cho lao động, ngoài sản xuất các sản phẩm thủy tinh cung cấp cho thị trường nội địa, công ty thực hiện tiếp thị trực tuyến với khách hàng nước ngoài để giới thiệu 25 mẫu sản phẩm xuất khẩu. Trong phòng, chống dịch, công ty chuẩn bị phòng cách ly tập trung, giãn cách giờ ăn và thực hiện tốt Thông điệp 5K.

Theo đại diện Sở Công thương Thừa Thiên Huế, hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động ở các khu công nghiệp trên địa bàn luôn chú trọng công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, các nhà máy đều có phòng cách ly y tế, chia bữa ăn thành nhiều ca, công nhân đều phải khai báo y tế và sát khuẩn. Nhiều doanh nghiệp phối hợp ngành y tế tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho công nhân.

Dịch  Covid-19 đang diễn biến phức tạp và tác động lớn đến kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân cả nước nói chung, khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng. Lãnh đạo các địa phương cho biết, sẽ tiếp tục quyết liệt với phương châm vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trên cơ sở tiết kiệm tối đa chi thường xuyên để ưu tiên nguồn lực cho công tác dập dịch và thực hiện “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến” trong sản xuất. Cùng với đó là tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát huy cao nhất năng lực sản xuất hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế.


Bài và ảnh: Giang Huy Hậu/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/phat-trien-kinh-te-gan-voi-phong-chong-dich-tai-cac-tinh-bac-trung-bo-663697/

  • Từ khóa