Nóng tình trạng phá rừng tại Đắk Lắk và Gia Lai

Thứ 6, 10.09.2021 | 08:04:40
556 lượt xem

Thời gian gần đây, người dân ở một số xã thuộc huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai khu vực giáp ranh với Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk ồ ạt xâm nhập vào khu bảo tồn để khai thác lâm sản trái phép. Để bảo vệ những diện tích rừng quý hiếm còn sót lại ở đây, cần có sự hỗ trợ, tiếp sức của các cấp, các ngành của 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai.

Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng Khu BTTN Ea Sô bắt giữ, tịch thu phương tiện và tang vật đưa về đơn vị xử lý.

Mới đây, nhất là vào lúc 20 giờ ngày 23/8, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô phối hợp lực lượng tại Chốt quản lý, bảo vệ rừng 616 phát hiện 6 xe máy độ chế đang vận chuyển gỗ từ trong lâm phần Khu BTTN Ea Sô ra trên tuyến đường rừng trồng của Công ty MDF Vinafor Gia Lai, Tổ công tác đã yêu cầu các đối tượng dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, các đối tượng đã vứt xe và tang vật bỏ chạy, lực lượng kiểm lâm chỉ đuổi bắt giữ được một đối tượng ở buôn Bầu, xã Ia Dreh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Tiến hành kiểm tra trên 6 xe bỏ lại hiện trường thì có 4 xe chở các lóng gỗ có đường kính từ 10 - 20 cm, chủng loại là gỗ trắc, giáng hương, cẩm lai; 2 xe còn lại chở 2 máy cưa và 1 súng kíp độ chế, 1 súng klíp.

Ngay sau đó, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã liên hệ với Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa cử lực lượng và phương tiện vào hiện trường phối hợp xử lý; bàn giao lại toàn bộ tang vật, phương tiện và con người cho Hạt Krông Pa xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó, khoảng 13 giờ 30 phút ngày 24/8, gần khu vực xảy ra vụ việc nói trên lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô tiếp tục phát hiện 7 xe máy chở các lóng gỗ như: giáng hương, cẩm lai… Tuy nhiên, do lúc đầu chỉ có 2 đồng chí kiểm lâm nên các đối tượng đã tăng ga bỏ chạy, lực lượng kiểm lâm đã vây bắt được 1 đối tượng trên xe máy chở 2 lóng gỗ Cẩm lai dài khoảng 1 m, đường kính khoảng 15 cm.

Trong khi chờ lực lượng tiếp ứng và lực lượng Hạt kiểm lâm huyện Krông Pa đến tiếp nhận bàn giao tang vật thì đối tượng lâm tặc bị bắt giữ đã xả gỗ xuống và gọi người đến giải cứu. Ngay tức khắc, có hàng chục đối tượng làm rẫy tại khu vực rẫy của Ma Ban chạy lên tụ tập để gây áp lực cho lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô nhằm lấy lại tang vật vi phạm gồm xe máy và gỗ. Lực lượng kiểm lâm có mặt tại hiện trường đã tuyên truyền, vận động nhưng các đối tượng vi phạm nhất quyết không đồng ý cho đưa xe, gỗ và người vi phạm về xử lý. Trước tình hình các đối tượng rất manh động, liều lĩnh, để bảo đảm an toàn, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã thu gỗ và để lại 1 chiếc xe máy vi phạm cho các đối tượng.

Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Ea Sô Lê Minh Tiến cho biết: Khu vực giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai nằm trên địa bàn 2 xã là Ea Dreh và Krông H’Năng có chiều dài ranh giới tiếp giáp gần 24 km, thuộc các Tiểu khu 616, 617, 618, 621, có tổng diện tích rừng khoảng hơn 4371,18 ha. Tại khu vực này có trữ lượng và chủng loại gỗ rất đa dạng, phong phú, là vùng phân bố của nhiều loài gỗ nguy cấp, quý hiếm như: trắc, cẩm lai, giáng hương, cà te, căm xe… Vì vậy, khu vực giáp ranh này luôn là điểm nóng về công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị, do đường xá đi lại rất khó khăn, mỗi khi tuần tra chỉ đi đường bộ vượt sông suối, đồi cao, thời gian đi tới các tiểu khu này phải từ 5 đến 7 giờ mới tới. Khi xảy ra các vụ việc, lực lượng kiểm lâm của Khu BTTN Ea Sô tới nơi thì các đối tượng vi phạm đã rút về bên kia ranh giới tỉnh Gia Lai nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn…

Để chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh này, Khu BTTN Ea Sô đã mượn đất của tỉnh Gia Lai để dựng tạm Chốt quản lý, bảo vệ rừng 616. Để đến được Chốt quản lý bảo vệ, rừng này, từ trụ sở Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô phải đi đường vòng qua đất tỉnh Phú Yên và Gia Lai. Về mùa khô thì không có nước sinh hoạt. Mặt khác, người dân tại một số buôn của 2 xã Ea Dreh và Krông H’Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai thường xuyên xâm nhập vào lâm phần của Khu BTTN Ea Sô để khai thác gỗ trái pháp luật.

Trong khi đó, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng tại chốt này rất mỏng, mỗi ca trực tại chốt chỉ có 3 người. Các năm trước, tại chốt này còn tăng cường thêm 2 người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, nhưng do năm nay tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Khu BTTN Ea Sô không thể bố trí người dân đi cùng.

Cũng theo ông Lê Minh Tiến, hiện nay khi dịch bệnh bùng phát, đời sống người dân càng khó khăn thêm nên tình trạng người dân ồ ạt vào lâm phần Khu BTTN quản lý tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk để khai thác gỗ, các loại lâm sản phụ ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Mặc dù Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô đã phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa truy quét ngăn chặn và bắt giữ nhiều đối tượng; lực lượng bảo vệ rừng của Khu BTTN Ea Sô và lực lượng tại Chốt quản lý, bảo vệ rừng 616 cũng đã liên tục tuần tra truy quét, tuyên truyền, vận động người dân không xâm hại đến rừng, nhưng tình hình không những không lắng xuống mà ngày càng phức tạp, các đối tượng ngày càng manh động hơn…

Từ thực tế đó, lãnh đạo Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có văn bản đề nghị các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân ở khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh thực hiện tốt các quy định về pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét sớm bố trí kinh phí để sửa chữa, cải tạo lại tuyến đường mòn giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô với tỉnh Gia Lai để rút Chốt quản lý, bảo vệ rừng 616 đang đóng trên đất mượn của tỉnh Gia Lai về đóng trên lâm phần của Khu BTTN Ea Sô quản lý nhằm chủ động trong việc tuần tra truy quét, xử lý các đối tượng phá rừng.


NGUYỄN CÔNG LÝ/nhandan.vn

https://nhandan.vn/thoi-su-phap-luat/nong-tinh-trang-pha-rung-tai-dak-lak-va-gia-lai-664028/

  • Từ khóa