Thiếu thiết bị, đường truyền kém khiến học sinh, giáo viên "mệt lả"

Thứ 2, 13.09.2021 | 08:59:00
835 lượt xem

Học trực tuyến kéo dài, nhiều phụ huynh đã thắt lưng buộc bụng mua trả góp máy tính để con có thiết bị học; vào giờ học thầy trò "mệt lả" vì rớt mạng và liên tục bị "văng" khỏi phòng học.

Thiếu thiết bị, đường truyền kém khiến học sinh, giáo viên mệt lả - 1

Một lớp học trực tuyến.

Thắt lưng buộc bụng mua "trả góp" máy tính cho con học trực tuyến

Chạy đôn chạy đáo suốt mấy ngày qua để lo thiết bị cho con học trực tuyến, chị Nguyễn Thị Hoa (TP. Hưng Yên) chia sẻ: "Muốn học trực tuyến, con phải có máy tính hoặc điện thoại có thể kết nối đường truyền Internet. Nhà tôi có đến 2 con cùng học trực tuyến trong cùng một buổi, cũng chỉ có 1 chiếc máy tính nên hai vợ chồng đã quyết định mua thêm một chiếc máy tính mới cho con lớn.

Mặc dù đã "thắt lưng buộc bụng" nhưng cũng không thể đủ số tiền trả hết 18.390 triệu đồng cho chiếc máy tính đó. Tôi đã trả trước 11 triệu đồng, số còn lại trả trong 12 tháng và mỗi tháng phải thanh toán 730.850 nghìn đồng".

Với chị Hoa, đây là lần đầu tiên trong đời hai vợ chồng phải mua theo hình thức trả góp một sản phẩm nào đó. Tuy nhiên, chị vẫn lo lắng rằng một thời gian nữa khi học trực tuyến đổi sang học trực tiếp thì máy lại thừa bỏ một chỗ rất lãng phí số tiền bỏ ra.

Khó khăn hơn chị Hoa, anh Trần Văn Vinh (45 tuổi, huyện Đông Anh, Hà Nội) có đến 3 con học lớp 2, lớp 5, lớp 8 đều phải học trực tuyến. Quanh năm vất vả buôn bán hoa màu và làm nông, việc sắm thiết bị cho cả ba con là điều rất khó khăn.

"Cháu lớp 8 đã có điện thoại riêng nên gia đình cũng không phải lo về vấn đề thiết bị, sau khi tham khảo nhiều nơi tôi đã quyết định mua trả góp 2 chiếc laptop cũ với giá 18 triệu đồng với hình thức trả góp 0%. Chấp nhận với việc phải tính thêm nhiều phụ phí nhưng cũng không còn cách nào khác, tất cả cũng chỉ vì mong muốn có phương tiện học tập tốt nhất cho các con", anh Vinh tâm sự.

Không chỉ riêng chị Hoa, anh Vinh mà rất nhiều phụ huynh sau khi nhận thông báo con phải chuyển hình thức học trực tuyến đã vội vã đi mua máy tính cho con. Theo chia sẻ của anh Đào Minh Hoàng (nhân viên cửa hàng điện máy, laptop tại Bắc Giang), việc tiêu thụ máy tính chưa bao giờ "nhộn nhịp" như năm nay giá cả cũng rất phù hợp. Tuy nhiên, đa số phụ huynh đều chọn hình thức thanh toán trả góp chứ không thanh toán một lần vì không đủ khả năng chi trả số tiền quá lớn.

Do giãn cách xã hội nên nhiều phụ huynh ở Đà Nẵng cũng vô cùng lo lắng vì con vào năm học mới theo hình thức trực tuyến nhưng họ lại không thể liên hệ được bất kỳ cửa hàng bán máy tính nào để có thể đặt hàng.

"Đến thứ 2 các con đã bắt đầu học trực tuyến rồi, không có máy thì con lấy gì học bây giờ, tôi đã thử cố liên hệ 5 cửa hàng bán máy tính nhưng do dịch bệnh nên tất cả đều hẹn sau dịch mới giao được hàng", chị Hoàng Thị Thanh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho hay.

Thiếu thiết bị, đường truyền kém khiến học sinh, giáo viên mệt lả - 2

Phương Uyên phải dùng cả laptop và điện thoại để phòng trường hợp out ra không vào lại được. (Ảnh: Lê Trang)

Đường truyền kém, thầy trò "mệt lả"

Kết thúc tuần học trực tuyến đầu tiên của năm học mới, nhiều phụ huynh ở Hà Nội lại cảm thấy lo lắng về những vấn đề phát sinh trong quá trình học, nhất là lịch học kéo dài 7 - 8 tiếng/ngày.

Lắp đặt riêng một gói cước mạng với giá 4 triệu đồng/năm và kéo riêng vào phòng cho các con, nhưng chị Nguyễn Thị Quyên (Cầu Giấy, Hà Nội) đang cảm thấy bất lực trước việc con bị rớt mạng liên tục trong buổi học.

Chị Quyên chia sẻ: "Cứ 7 giờ 30 sáng, nhà tôi không khác một cái chợ thu bởi cả 3 đứa con đều nhao nhao hỏi nhau "có mạng không", "mạng góc nào ổn" rồi ôm máy ra cạnh cục phát wifi, chạy khắp các góc nhà tìm sóng do "rớt" mạng. Sóng thì báo đầy nhưng khi các con out ra khỏi lớp thì không thể vào lại được".

Không chỉ học sinh, nhiều giáo viên cũng đang "mệt lả" vì mạng rớt liên tục, thậm chí là không vào được lớp. Có trường hợp mở lớp cho học sinh, chuẩn bị điểm danh thì lại "đứng hình" và đành phải thay đổi sang phần mềm khác để tiếp tục buổi dạy.

Thầy Trần Xuân Tuấn, giáo viên một trường THCS ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Nhà trường sử dụng phần mềm Teams Microsoft, tuy nhiên khi rớt mạng không thể dạy được thì phương án dự phòng đổi sang Zoom. Bất cập ở chỗ, giáo viên cứ phải chú ý và canh duyệt cho học sinh vào lớp, thời gian cho tiết học cũng giảm đáng kể, có khi một kiến thức trong bài phải giảng đến 3-4 lần".

Thiếu thiết bị, đường truyền kém khiến học sinh, giáo viên mệt lả - 3

Thầy Tuấn không thể đăng nhập vào Teams khi đến giờ vào lớp.

Cần triển khai đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước, trường học và gia đình

TS Phạm Quang Tiệp (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc Gia Hà Nội) cho rằng, kể từ khi đại dịch bùng phát và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội thì dạy và học trực tuyến không chỉ là lựa chọn của Việt Nam, mà là lựa chọn của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Thời gian qua, chúng ta đã không ngừng nỗ lực cải tiến để hành trình mang tri thức đến với người học trong bối cảnh giãn cách xã hội ngày một thuận lợi.

Dạy học trực tuyến không phải mới diễn ra trong 1 tuần của năm học 2021 - 2022, mà đã được triển khai ở nhiều địa phương trong những năm học trước. Điều khác biệt là ở thời điểm đó dạy học trực tuyến chưa diễn ra liên tục và kéo dài như hiện nay, hay học sinh đã được học trực tiếp trong một khoảng thời gian nhất định rồi mới chuyển sang dạy học trực tuyến để ứng phó với tình hình dịch bệnh phức tạp.

Do vậy, để thích ứng tốt với việc dạy học trực tuyến trên diện rộng và có thể kéo dài thì cần có sự vào cuộc, triển khai đồng bộ các hoạt động của cả cơ quan quản lý nhà nước, trường học và gia đình.

Thiếu thiết bị, đường truyền kém khiến học sinh, giáo viên mệt lả - 4

Mỗi gia đình cũng cần chủ động cải thiện dung lượng đường truyền mạng internet để đảm bảo cho quá trình học tập của học sinh được liên tục.

TS Phạm Quang Tiệp kiến nghị, cần cải thiện chất lượng đường truyền internet, bao gồm: chất lượng đường truyền quốc gia và chất lượng đường truyền tại gia đình.

Với việc cải thiện đường truyền internet quốc gia, thì Chính phủ đã chỉ đạo tới các Bộ - Ngành cũng như các doanh nghiệp viễn thông giải quyết kịp thời để tránh "văng - rớt mạng" trong quá trình dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cũng cần chủ động cải thiện dung lượng đường truyền mạng internet để đảm bảo cho quá trình học tập của học sinh được liên tục.

Lựa chọn phần mềm dạy học trực tuyến, ngành giáo dục tại địa phương cần tính toán để tránh tình trạng các trường đều tập trung vào lựa chọn 1 phần mềm dạy học trực tuyến duy nhất.

Nếu nhiều địa phương cùng chọn 1 phần mềm dạy học trực tuyến thì việc quá tải là điều khó tránh khỏi. Vấn đề lựa chọn phần mềm dạy học trực tuyến cần có kế hoạch chung cho cả địa phương và tư vấn cụ thể cho từng khu vực, từng trường.

Tránh tình trạng chỉ tập trung sử dụng một phần mềm, hoặc giáo viên tự chọn phần mềm dạy học trực tuyến dẫn đến việc quá tải, rồi sau đó lại kéo học sinh chạy qua sử dụng một phần mềm khác.

Khi đó cả người dạy, người học và cha mẹ học sinh đều mệt mỏi, mất thời gian tìm hiểu và thích ứng với phần mềm dạy học mới.

Đối với các nhà trường, TS Phạm Quang Tiệp cho biết, cần sắp xếp chéo lịch học. Vấn đề này cũng tương tự như việc lựa chọn phần mềm dạy học. Nghĩa là ngành giáo dục tại địa phương nên sắp xếp chéo lịch học của các đối tượng học sinh theo các khung giờ lệch nhau một cách khoa học, hợp lý. Như vậy vừa giảm được đáng kể việc nghẽn mạng vừa hỗ trợ tốt hơn cho các gia đình có nhiều con cùng học trực tuyến.

Theo TS Phạm Quang Tiệp, ngoài việc học tập trực tuyến, nhà trường cần hướng dẫn và hỗ trợ học sinh, cha mẹ học sinh khai thác hiệu quả các kênh học tập khác, như: bài giảng trên tivi, kho tư liệu và học liệu số trên mạng internet (được Bộ Giáo dục và các Tổ chức giáo dục uy tín xây dựng) có thể tải về học và xem lại được nhiều lần; sách điện tử kèm video hướng dẫn dạy học của các nhà xuất bản.

"Tăng cường liên lạc 3 bên là:  giáo viên - học sinh và cha mẹ học sinh. Việc thiết lập và duy trì các kênh liên lạc này giúp cho thông tin từ gia đình tới nhà trường đảm bảo được thông suốt, góp phần nâng cao được chất lượng, hiệu quả giáo dục. Ngoài ra, liên lạc 3 bên còn giúp hỗ trợ tốt hơn cho những học sinh gặp khó khăn khi học trực tuyến, hoặc học sinh cần được trợ giúp đặc biệt" - TS Phạm Quang Tiệp nhấn mạnh.


Văn Hiền/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/thieu-thiet-bi-duong-truyen-kem-khien-hoc-sinh-giao-vien-met-la-20210912114713208.htm#dt_source=Cate_GiaoDucHuongNghiep&dt_campaign=Cover&dt_medium=1

  • Từ khóa