Sự thật về thông tin lực lượng bộ đội chuẩn bị rút quân rời TPHCM

Thứ 7, 18.09.2021 | 09:11:54
964 lượt xem

"Lực lượng quân đội vẫn tiếp tục các công việc hỗ trợ TPHCM như những ngày đầu tăng cường vào đây. Không có chuyện lực lượng quân đội rút quân sớm, khi nào TPHCM dập xong dịch thì quân đội mới rút".

Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng - đã cho PV Dân trí biết như vậy trước thông tin lực lượng quân đội chuẩn bị rút quân khỏi TPHCM. 

Vẫn hỗ trợ chống dịch như ngày đầu tăng cường 

Sau hơn 100 ngày giãn cách xã hội, tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM đã có những điểm sáng nhất định, số ca F0 và bệnh nhân Covid-19 tử vong đều giảm. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, TPHCM vẫn tiếp tục giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch trên toàn địa bàn theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 16-30/9. 

Sự thật về thông tin lực lượng bộ đội chuẩn bị rút quân rời TPHCM - 1

Lực lượng quân đội được điều động hỗ trợ TPHCM chống dịch thời gian qua (Ảnh: Nguyễn Quang).

Có được kết quả chống dịch bước đầu nói trên là sự nỗ lực rất lớn của chính quyền và người dân địa phương, của các lực lượng tham gia hỗ trợ TPHCM; trong đó phải kể đến hơn 10.000 quân nhân đến từ các đơn vị của Bộ Quốc phòng đã tăng cường hỗ trợ TPHCM chống dịch trong suốt hơn 20 ngày qua.

Trước thông tin cho rằng lực lượng quân đội chuẩn bị rút quân khỏi TPHCM, tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí, Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của Bộ Quốc phòng ở phía Nam - khẳng định: Không có chuyện lực lượng quân đội rút quân sớm, khi nào TPHCM dập xong dịch thì quân đội mới rút quân.

"Các lực lượng của quân đội vẫn tiếp tục hỗ trợ TPHCM chống dịch như những ngày đầu tăng cường vào đây, chưa có gì thay đổi. Các chốt, trạm kiểm soát dịch vẫn được chúng tôi duy trì, có thay đổi chỉ là chỗ nào kiểm soát tốt rồi thì điều bớt quân sang khu vực dịch còn diễn biến phức tạp" - Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong cho biết.

Theo Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, hiện lực lượng quân đội tại TPHCM vẫn thực hiện các công việc như hỗ trợ vận chuyển cung ứng hàng hóa, thăm khám và điều trị bệnh giúp nhân dân, cùng các lực lượng khác kiểm soát dịch tại các chốt...

Riêng việc đi chợ giúp nhân dân thời điểm này lực lượng quân đội đã dừng, bởi đội ngũ shipper đã được hoạt động và các tổ dân phố được phép cử một lượng người nhất định đi chợ. Tuy nhiên, với khu vực dịch còn đặc biệt phức tạp, nhân dân thực sự khó khăn thì lực lượng quân đội vẫn sẵn sàng đi chợ hộ.

Quân y bị lây nhiễm bệnh nhưng không hề nao núng

Đề cập đến vai  trò, tác dụng của việc đưa lực lượng quân đội tăng cường cho TPHCM và các tỉnh phía Nam chống dịch, Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong nhấn mạnh việc huy động lực lượng quân đội hỗ trợ là một quyết định rất đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

"Quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất. Lúc này, chúng ta xác định chống dịch như chống giặc thì quân đội phải vào cuộc. Quân đội có kỷ luật thép, lề lối tác phong làm việc của quân đội đã được rèn giũa nên mới có thể lập lại những gì cần thiết trong việc giãn cách xã hội. Nếu không có quân đội mà để các lực lượng khác làm thì không xuể được" - Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong chia sẻ.

Sự thật về thông tin lực lượng bộ đội chuẩn bị rút quân rời TPHCM - 2

Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong: "Không có chuyện lực lượng quân đội rút quân sớm, mà phải khi nào TPHCM dập xong dịch thì quân đội mới rút quân". (Ảnh: Nguyễn Quang).

Ngoài tính kỷ luật, được rèn giũa lề lối làm việc, quân đội còn cùng một lúc huy động được một lực lượng rất lớn để hỗ trợ các tỉnh chống dịch, trong đó có TPHCM. Các lực lượng đều được bồi dưỡng và có chuyên môn cao, đặc biệt là đội ngũ quân y rất lành nghề và vào cuộc với tinh thần chiến đấu rất cao, không ngại hi sinh, gian khổ.

Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong cho biết, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19, lực lượng quân y đã có những người bị lây nhiễm bệnh, điều này là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tinh thần của lực lượng quân y không hề nao núng, không hoang mang mà vẫn thể hiện quyết tâm bám trụ để giúp nhân điều trị bệnh. Đây là truyền thống tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, kể cả trong thời chiến cũng như trong thời bình.

Nói về kế hoạch rút quân, Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong nhắc lại lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang hứa với nhân dân rằng "không thắng không về".  Với tinh thần đó, các lực lượng đã và đang tăng cường làm nhiệm vụ hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam sẽ cùng với địa phương "dập bằng được dịch, khi nào dập xong mới về".

"Trước mắt các lực lượng quân đội vẫn thực hiện nhiệm vụ đến ngày 30/9, nếu TPHCM và các tỉnh phía Nam kiểm soát tốt tình hình thì chúng tôi sẽ có nghiên cứu tính toán cụ thể, rồi thực hiện rút quân từng phần" - Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong nói.

Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn chia sẻ thêm, ông vừa đi cùng đoàn lãnh đạo Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn một số tỉnh phía Nam như Kiên Giang, Tiền Giang và thấy rằng các địa phương đã từng bước kiểm soát được tình hình dịch bệnh, số ca F0 đã giảm.

"Rút kinh nghiệm từ TPHCM, Bình Dương, nhiều địa phương phía Nam đã chủ động sớm trong việc cách ly, giãn cách và tầm soát F0. Do đó, có thể nói đến nay nhiều tỉnh khu vực này đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh" - Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong cho biết thêm.


Nguyễn Dương/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/su-that-ve-thong-tin-luc-luong-bo-doi-chuan-bi-rut-quan-roi-tphcm-20210918001925970.htm#dt_source=Cate_XaHoi&dt_campaign=Top3&dt_medium=3

  • Từ khóa