"Con muốn trở thành nhà khoa học để tiêu diệt hết virus cứu tất cả mọi người" - cậu bé 10 tuổi vừa mất cha vì Covid-19 nói.
Buổi chiều ngày cận Tết Trung thu - trời âm u, báo hiệu cơn mưa lớn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng (Quận 3, TPHCM) vốn đã được đặt rào chắn từ lâu vì có nhiều người mắc Covid-19 ở trong. Bước vào, hầu hết cổng nhà đều đóng chặt, chỉ còn lại một căn còn mở.
Nhìn vào, 3 bức di ảnh đập ngay vào mắt.
Cả nhà 9 F0, 3 người mất trong một tháng
Một tháng qua, gia đình bà Nguyễn Thị Trang (65 tuổi) như rơi xuống vực thẳm. Covid-19 khiến 9 thành viên gia đình bà nhiễm bệnh, cướp đi vĩnh viễn sinh mệnh của 3 người. Và kể từ lúc đó, bà không ngày nào ngủ yên. Cứ nhắm mắt lại, hình ảnh của chị và 2 người cháu lại hiện lên, kèm theo tiếng ai oán cho số phận quá bẽ bàng.
"Với tôi, chị là người cao cả nhất trên đời. Người ta nói 'giàu cha giàu mẹ thì ham, giàu anh giàu chị ai làm nấy ăn', mà chị tôi có tiền của thì giúp đỡ hết mọi người, ăn uống đài thọ anh chị em hết thảy.
Bà Nguyễn Thị Trang đau buồn trước sự ra đi của 3 người thân (Ảnh: Biên Thùy).
Còn thằng cháu trai của tôi (anh Nguyễn Vĩnh Thụy, 40 tuổi- PV), nói ra đau lòng lắm. Lúc nó chở tôi đi bệnh viện (BV) còn rất khỏe, nhưng 3 bữa sau nó nhiễm.
Có ai ngờ nó phải chuyển lên BV Hồi sức Covid-19. Ba bữa đầu người ta nói sức khỏe nó tốt hơn rồi, nhưng không hiểu sao phải nằm cả tháng. Trước ngày mất nó điện về, cho mọi người hay đã thở được rồi. Vậy mà 10h sáng ngày 2/9 nó mất. Đau đớn quá…" - bà Trang sụt sùi.
Nhớ lại thời điểm trở thành F0, bà Trang chia sẻ phát hiện bệnh vào đầu tháng 8. Sau khi được cháu trai chở lên BV, nhân viên y tế chuyển bà về một khu cách ly ở đường Trần Quốc Thảo (Quận 3). Tuy nhiên lúc này bà lâm vào mệt và khó thở, mà khu cách ly lại không có máy tạo oxy. Do đó, bà lại được đưa ngược lại BV quận.
"Thời điểm đó BV quá tải, tôi và mọi người phải ăn uống tại chỗ, không có chỗ nằm, đến nỗi 3 ngày không tắm. Chị gọi lên hỏi thăm, tôi còn kể lại mọi chuyện. Tôi mệt vậy mà đến ngày 25/8 đã âm tính. Còn chị tôi bệnh sau lại mất…" - bà Trang lại nức nở.
Sau bi kịch gia đình, bà Trang vẫn còn lo sợ. Thậm chí khi địa phương liên hệ mời và nhận quà hỗ trợ, bà không dám đi.
"Chỉ mới 2 tháng trước khi chưa nhiễm bệnh, chị tôi vẫn mở cửa quán tạp hóa. Thằng Thụy cháu tôi về thấy giận lắm, nói với má nó là không thấy trên mạng bao nhiêu người nằm xếp lớp la liệt hay sao mà còn bán. Má có bệnh nền, thằng Lộc (em anh Thụy) bị tiểu đường, lỡ có gì là chết hết cả nhà.
Vậy mà giờ thành sự thật… Bài học quá lớn cho gia đình tôi" - người phụ nữ nghẹn đắng tựa người vào cạnh tường, không còn nước mắt để khóc.
4 đứa trẻ mồ côi
Sắp xếp lại các thông tin chia sẻ chắp vá của người dì đang xúc động, anh Nguyễn Vĩnh Nghi (34 tuổi) tiếp lời, căn nhà hiện tại là nơi ở của mẹ, dì và gia đình các anh lớn.
Anh Nghi chưa biết lo cho các cháu thế nào trong tháng ngày sắp tới (Ảnh: Biên Thùy).
Đại dịch ập đến bất ngờ, cả nhà 9 người dương tính. Lần lượt các ngày 8/8 và 10/8, mẹ cùng người anh giữa Nguyễn Vĩnh Lộc mất. Đến ngày 2/9 - sau gần một tháng cầm cự, anh Nguyễn Vĩnh Thụy cũng không qua khỏi.
Riêng các thành viên còn lại vì triệu chứng nhẹ nên tự theo dõi tại nhà.
"Anh Thụy có 3 đứa con, đã li dị vợ. Vợ cũ anh ấy mang theo một đứa, để 2 con lớn ở lại cho anh chăm sóc. Người anh giữa cũng có 2 đứa con.
Ba tụi nó mất rồi, tôi là chú ruột phải có nhiệm vụ giám hộ, chăm sóc các cháu. Chứ chị dâu (vợ anh Lộc - PV) cũng là nhân viên bán hàng siêu thị, thu nhập không cao làm sao lo nổi" - anh Nghi nói.
Chia sẻ về các cháu nhỏ, anh Nguyễn Vĩnh Nghi cho biết, năm học mới đã bắt đầu, có 2 cháu đã mua được sách giáo khoa, còn một cháu vẫn chưa tìm được. Vì học online nên để có đủ thiết bị, khi nào đến giờ lên lớp người lớn trong nhà phải đưa điện thoại cho các bé.
Chúng tôi cố bắt chuyện với những đứa trẻ vừa mất cha, mất nội. Nhưng các em đều rụt rè, hốt hoảng khi có sự xuất hiện của người lớn. Chỉ khi được cầm trên tay quyển sách giáo khoa, nét mặt của các bé mới tạm giãn ra. Giữa tiếng trẻ thơ ê a học bài, không khỏi xót xa khi bên cạnh là khói hương nghi ngút.
- Con có buồn nhiều không?
- Dạ cũng có.
- Con thích nhất môn học gì, học có giỏi không?
- Con không biết nữa.
- Bây giờ con muốn điều gì nhất?
- Con cũng không biết…
Cậu bé Nguyễn Bảo Tiến (10 tuổi) trả lời rành rọt, nhanh chóng từng câu hỏi. Tiến còn quá nhỏ để nhận thức nỗi đau đang hiện hữu. Từ nhỏ, cậu bé đã chịu cảnh thiếu hơi ấm tình thương của mẹ. Bây giờ lại mất cha.
Cậu bé Nguyễn Bảo Tiến "mong muốn trở thành nhà khoa học để tiêu diệt hết vi rút cứu tất cả mọi người" (Ảnh: Biên Thùy).
- Tiến ước mơ làm nghề gì?
Cậu bé lưỡng lự một chút rồi đáp: "Con muốn trở thành nhà khoa học. Để tiêu diệt hết virus cứu tất cả mọi người".
Hỏi về khó khăn hiện tại, anh Nghi cho biết một tháng qua khi cả nhà nhiễm bệnh, nhờ hàng xóm, bà con bạn bè giúp đỡ mà họ cầm cự được. Ai cho gì thì dăn đó.
"Trước đây tôi có công việc quản lý ở nhà hàng. Nhưng mấy tháng nay vì dịch, nhà hàng đã đóng cửa rồi phá sản. Sắp tới, tương lai chưa biết lo liệu thế nào" - người chú của 4 đứa trẻ mồ côi nói.
Biên Thùy/dantri.com.vn