Hơn 1.500 học trò mồ côi vì Covid-19: Cẩn trọng di chứng tâm lý!

Thứ 5, 23.09.2021 | 09:17:04
613 lượt xem

Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến trẻ nhỏ, đặc biệt gây những chia cắt, mất mát... tạo ra những sang chấn tâm lý lớn, có thể để lại hậu quả lâu dài với các em.

Mối lo lắng về tác động của dịch Covid-19 với trẻ nhỏ, đặc biệt là với trẻ mồ côi vì dịch bệnh được giáo viên, các nhà tham vấn, các chuyên gia tâm lý đặt ra tại Hội nghị trực tuyến tư vấn tâm lý trường học với chuyên đề, "Chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho trẻ em bị tác động từ dịch Covid-19" của Sở GD-ĐT TPHCM, tổ chức ngày 22/9. 

Hơn 1.500 học trò mồ côi vì Covid-19: Cẩn trọng di chứng tâm lý! - 1

Một học sinh ở TPHCM mất mẹ vì Covid-19 (Ảnh: Nguyễn Quang).

TS Phạm Phương Thảo, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục Sức khỏe Tâm lý y học, ĐH Y Dược TPHCM; Trưởng khoa Tâm lý Lâm sàng, BV Lê Văn Thịnh, nhận định  tình trạng "đóng cửa" vì Covid-19 tác động vô cùng nguy hiểm lên trẻ em, thanh thiếu niên với những hậu quả bất lợi lâu dài.

Các em bị mất khung cảnh trường học, tăng nguy cơ bị bạo hành trong gia đình, lo lắng, bất an. Tình trạng cách ly kéo theo nhiều xáo trộn, ảnh hưởng tâm lý trẻ. 

Với trẻ trong gia đình khó khăn về kinh tế, hay có những xáo trộn như di chuyển về quê sinh sống, thay đổi chỗ ở, mâu thuẫn gia đình thể hiện dưới dạng bạo lực với trẻ... đều ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý các em.

Nặng nề hơn nữa, dịch bệnh gây ra chia cắt, mất mát, nhiều em phải đối mặt với tình trạng cách ly như bố mẹ gửi về quê, phải vào khu cách ly, hay bố mẹ đi cách ly, bố mẹ qua đời... Theo chuyên gia, đây là những sang chấn rất lớn, có thể nặng nề hơn trong tương lai. 

"Điều này có thể dẫn đến sự lo lắng, bất an, trầm cảm, nhiều em bế tắc, có thể có nguy cơ tự tử", TS Phạm Phương Thảo cảnh báo. 

Với hơn 1.500 trẻ mồ côi vì Covid-19, theo TS Phạm Phương Thảo, con số có thể chưa dừng lại, khiến tương lai của các em rất đáng lo lắng. Vai trò của các nhà tham vấn học đường lúc này rất quan trọng. 

PGS.TS Phạm Lê An, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bác sĩ gia đình, ĐH Y Dược TPHCM, nhấn mạnh việc chăm sóc trẻ bị mất người thân do dịch Covid-19 cực kỳ cần thiết và cũng là thách thức. 

Mỗi một câu chuyện, tình cảnh bi thương, mức độ tổn thương ở mỗi trẻ khác nhau, rất cần các cơ quan, đoàn thể tiếp cận, hỗ trợ phù hợp. Việc này cũng đòi hỏi các chuyên gia tâm lý đánh giá mức độ, cần giáo viên tâm lý, giáo viên chủ nhiệm cùng đồng hành với các em. 

"Một vết thương nếu được xử lý đúng sẽ lành rất nhanh. Nhưng ngược lại, để nhiễm trùng, sưng mủ, hình thành vết sẹo dai dẳng để lại hậu quả tâm lý lâu dài sẽ cực kỳ rất khó khăn", ông Phạm Lê An lưu ý đến tầm quan trọng của sự can thiệp hỗ trợ kịp thời, nhất là từ giáo viên sẽ giúp các em bớt tổn thương. 

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng chia sẻ, công tác tư vấn tâm lý học đường sẽ là nội dung quan trọng mà ngành giáo dục tập trung thực hiện trong năm học này. Ngành sẽ chú trọng chăm sóc đội ngũ giáo viên, học sinh, nhất là những học sinh chịu nhiều tổn thương trong dịch Covid-19.


Hoài Nam/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/hon-1500-hoc-tro-mo-coi-vi-covid19-can-trong-di-chung-tam-ly-20210923073029143.htm#dt_source=Cate_GiaoDucHuongNghiep&dt_campaign=Top3&dt_medium=1

  • Từ khóa