Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và tình hình mưa lớn, các địa phương ở miền Trung đã ban hành công điện khẩn.
Sáng 23-9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng ban hành công điện ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và tình hình mưa lớn. Tương tự, Ban chỉ huy PCTT-TKCN các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế cũng ban hành công điện khẩn.
Từ sáng 23-9, nhiều địa phương miền Trung đã có mưa lớn
Trong công điện, các địa phương yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các đơn vị liên quan thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển về hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi…
UBND các quận, huyện, thành phố phải theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới để chủ động ứng phó, chằng chống, gia cố nhà cửa; rà soát triển khai phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho nhân dân trong thiên tai, nhất là tại các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét…
Công điện cũng yêu cầu các địa phương nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè; tổ chức khẩn trương thu hoạch diện tích lúa chín để hạn chế thiệt hại khi có mưa, bão, lũ xảy ra.
Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, nơi dễ sạt lở đất; Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ.
Ngư dân tỉnh Thừa Thiên - Huế khẩn trương chằng chống, neo đậu tàu thuyền để tránh bão
Kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa thủy lợi, thủy điện; quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra…
Theo ghi nhận, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ rạng sáng 23-9, nhiều địa phương ở miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa có dấu hiệu tăng dần theo thời gian.
Được biết, lúc 4 giờ ngày 23-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên khoảng 330 km, cách bờ biển Bình Định khoảng 340 km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 560 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - cấp 7 (40 – 60 km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20 km. Đến 4 giờ ngày 24-9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định, cách huyện đảo Lý Sơn 30 km, cách Quy Nhơn 150 km.
Dự báo, từ 23-9 đến ngày 25-9, các địa phương ở miền Trung có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có thông báo gửi UBND tỉnh Sê Kông (Lào) về việc vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện A Lưới và hồ chứa thủy điện A Lin B1 (cụm hồ A Lin 3-A Lin B1). Theo đó, hồ thủy điện A Lưới dự kiến tăng lưu lượng vận hành điều tiết đến 500m3/s từ 16 giờ ngày 22-9. Hồ chứa thủy điện A Lin B1 (Cụm hồ A Lin 3-A Lin B1) dự kiến tăng lưu lượng vận hành điều tiết đến 500m3/s từ 8 giờ ngày 25-9. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Miền Trung và Công ty Cổ phần thủy điện Trường Phú thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo tỉnh để có sự chỉ đạo. |
Q.Tám - B.Vân - Tr.Thường/nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su/mien-trung-hoi-ha-phong-chong-mua-bao-sat-lo-dat-20210923111907456.htm