Học trực tuyến kéo dài khiến trẻ nảy sinh lo âu, kiệt sức và trầm cảm

Chủ nhật, 26.09.2021 | 14:57:18
1,014 lượt xem

Những cảm xúc tiêu cực trong học trực tuyến và các mối quan hệ nói chung trong thời gian giãn cách xã hội là một vấn đề tâm lý phổ biến khiến trẻ nảy sinh lo âu, kiệt sức và trầm cảm.

Nhiệm vụ của cha mẹ, thầy cô là phải cố gắng hạn chế tối đa để những cảm xúc tiêu cực này không làm ảnh hưởng đến quá trình học tập và phát triển của học sinh.

Đó là nhấn mạnh của TS. Hoàng Trung Học, chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục.

Học trực tuyến kéo dài khiến trẻ nảy sinh lo âu, kiệt sức và trầm cảm - 1

Cha mẹ và thầy cô cần hướng dẫn, hỗ trợ con để hạn chế các nguy cơ về sức khỏe khi học trực tuyến lâu dài.

Trẻ dễ mắc các bệnh về tâm lý khi học trực tuyến kéo dài

Phóng viên: Trong bối cảnh dịch bệnh, học sinh tại nhiều địa phương đã bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến. Trước thực trạng này, nhiều phụ huynh lo lắng các con có thể mắc những căn bệnh về tâm lý. Là nhà nghiên cứu và thực hành chuyên sâu về tâm lý học đường, theo Tiến sĩ, việc học online trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài sẽ gây ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe tâm thần của học sinh?

TS. Hoàng Trung Học: Thời gian gần đây, chúng ta nghe nhiều về các vấn đề tâm lý của học sinh trong thời gian học trực tuyến. Chúng ta có thể hiểu được những lo lắng của các bậc cha mẹ và thầy cô.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cấp bách của việc chống dịch, học trực tuyến là một đòi hỏi tất yếu để đảm bảo yêu cầu vừa chống dịch, vừa đảm bảo quyền lợi được học của học sinh. Việc còn lại là chúng ta phải có biện pháp chuyên môn để hạn chế tối đa các vấn đề tâm lý cho trẻ.

Trên thực tế, các vấn đề tâm lý của học sinh không chỉ còn ở mức "nguy cơ", mà đã bộc lộ thành nhiều biểu hiện rõ rệt, có dấu hiệu bệnh lý. Những vấn đề tâm lý nảy sinh không chỉ với học sinh mà còn đối với cả giáo viên, người lớn và cộng đồng dân cư khi giãn cách xã hội kéo dài.

Đối với học sinh, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là những tác động của giãn cách xã hội dẫn đến các tương tác trực tiếp với bạn bè, thầy cô bị hạn chế. Các em cũng bị giới hạn trong các sinh hoạt trong nhà, hạn chế sinh hoạt ngoài trời, đặc biệt là các hoạt động vận động, vui chơi.

Các hoạt động trong ngày của trẻ cũng trở nên đơn điệu, lặp lại, chủ yếu là việc học, bó hẹp trong không gian kín với những mối quan hệ gia đình. Điều này dẫn đến nguy cơ xuất hiện nhiều vấn đề tâm lý.

Các vấn đề tâm lý hướng nội phổ biến là hiện tượng stress, lo âu, thậm chí trầm cảm và các rối loạn cảm xúc khác. Ở phương diện hướng ngoại là các hành vi bột phát, hung tính, nghiện game.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra những hành vi lệch chuẩn, bắt nạt qua mạng, xung đột với cha mẹ và các thành viên trong gia đình và sự phân tán, sao nhãng chú ý ở trẻ diễn ra phổ biến trong thời gian giãn cách xã hội. Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm.

Học trực tuyến kéo dài khiến trẻ nảy sinh lo âu, kiệt sức và trầm cảm - 2

TS. Hoàng Trung Học, chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, nếu diễn ra lâu dài, liệu những biểu hiện tâm lý tiêu cực đó có ảnh hưởng tới tính cách, sự phát triển tâm sinh lý hay quá trình học tập sau này của trẻ hay không?

TS. Hoàng Trung Học: Về mặt nguyên tắc, các hiện tượng tâm lý, trong đó có các rối nhiễu sẽ xuất hiện và duy trì khi các tác nhân gây ra chúng còn tồn tại, đồng thời sẽ mất đi khi những tác nhân duy trì không còn.

Về ảnh hưởng của các vấn đề tâm lý đến sự phát triển tâm lý, nhân cách và khả năng học tập sau này của học sinh cần có các nghiên cứu đầy đủ để đưa ra kết luận. Tuy nhiên, về cơ bản, ta có thể hiểu sự tác động này ở 2 nhóm vấn đề.

Đối với nhóm vấn đề thứ nhất, chủ yếu là những khó khăn tâm lý ở mức độ nhẹ, chưa nghiêm trọng, tôi cho rằng không quá lo ngại. Khi thời gian giãn cách xã hội kết thúc, cuộc sống trở lại bình thường thì các vấn đề tâm lý của học sinh cũng sẽ tự động được điều chỉnh.

Những ảnh hưởng của nhóm vấn đề này sẽ dừng ở mức sự chi phối tiêu cực đến kết quả học tập, làm mất nề nếp học tập của học sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ hàng ngày, chưa đến mức ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của học sinh.

Đối với nhóm vấn đề thứ 2, tức là những vấn đề rối loạn hành vi và cảm xúc nghiêm trọng, đã đến mức bệnh lý, thì rõ ràng có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển tâm lý, nhân cách và khả năng học tập của học sinh.

Nhiều gia đình có con bị rối loạn lo âu, trầm cảm, bị rối loạn hành vi, nghiện game, thậm chí là các rối loạn tâm thần khác có thể để lại hậu quả nặng nề cho sự phát triển của các em sau này, và đương nhiên có ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập của học sinh.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, những vấn đề tâm lý mang tính bệnh lý thuộc nhóm 2 không phổ biến như nhóm 1, nhưng cần được quan tâm, can thiệp đúng mức.

Biến nguy cơ thành cơ hội

Phóng viên: Trong quá trình phát triển tâm lý của trẻ, cha mẹ và thầy cô là những người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vậy theo Tiến sĩ, phụ huynh và đội ngũ giáo viên cần thay đổi cách dạy, học và hỗ trợ cho trẻ ra sao để "tháo gỡ" những cảm xúc tiêu cực cho trẻ trong bối cảnh học trực tuyến kéo dài?

TS. Hoàng Trung Học: Những cảm xúc tiêu cực trong học tập trực tuyến và các mối quan hệ nói chung trong thời gian giãn cách xã hội là một vấn đề tâm lý phổ biến. Nhiệm vụ của cha mẹ, thầy cô là phải cố gắng hạn chế tối đa để những cảm xúc tiêu cực này không làm ảnh hưởng đến quá trình học tập và phát triển của học sinh.

Đối với các thầy cô, cần không ngừng sáng tạo trong các bài giảng để đảm bảo thu hút, không gây nhàm chán, mang lại cảm xúc tích cực cho học sinh. Muốn vậy, nội dung học tập cần được giảm tải, chỉ tập trung và những vấn đề trọng tâm để không gây khó khăn thêm cho cả thầy và trò.

Về mặt phương pháp, giáo viên cần lưu ý chia nhỏ các nội dung giảng dạy (khoảng 20 phút cho một nội dung kiến thức), thực hiện xen kẽ các hoạt động trong quá trình lên lớp để đảm bảo tính đa dạng trong các tương tác và sự phong phú trong tính chất của các hoạt động của một buổi học, để cân bằng cảm xúc, kích thích hứng thú học tập của học sinh.

Giáo viên cũng cần tăng cường hướng dẫn khả năng tự học và giao nhiệm vụ tự học cho học sinh và kiểm soát tốt quá trình này. Các buổi học, giáo viên cần tăng cường các khuyến khích, củng cố phù hợp bằng vật chất và tinh thần để học sinh cuốn hút vào trong các hoạt động học tập.

Đối với cha mẹ, cần tăng cường tương tác, quan tâm đến hoạt động học tập của con. Hiện tượng nhiều học sinh bị cuốn vào các mối quan hệ qua mạng, nghiện game, thường xuyên vào các trang web đen, bị bắt nạt qua mạng… cũng diễn ra trong thời gian này. Vì vậy, thay vì giao cho con một cái điện thoại hay máy tính và bỏ mặc con trong quá trình học tập online, cha mẹ cần thường xuyên hỏi thăm, hỗ trợ. Thậm chí với các học sinh tiểu học, phụ huynh cần tham gia học tập cùng con để hỗ trợ con sau mỗi buổi học.

Sau giờ học, cha mẹ cần tăng cường các hoạt động vận động cùng nhau (nếu được ngoài trời là tốt nhất). Cũng cần giao và yêu cầu học sinh tham gia lao động hỗ trợ cha mẹ trong những công việc gia đình phù hợp. Dù học ở nhà nhưng giờ học, nghỉ, sinh hoạt vẫn phải được duy trì khoa học để đảm bảo nhịp sinh học và các quá trình sinh hóa của cơ thể diễn ra bình thường.

Giãn cách xã hội là một thách thức với chúng ta; học tập trực tuyến có thể mang lại nhiều khó khăn về cảm xúc và hành vi nhưng là vấn đề tất yếu mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt. Trong điều kiện dịch bệnh, ta không còn con đường nào khác.

Tuy nhiên, nếu các thầy cô chuẩn bị tốt để ứng phó với những khó khăn này, vẫn có thể biến nguy thành cơ, giúp một thế hệ học trò thành thạo về công nghệ và kỹ năng ứng phó với sự thay đổi.

Cha mẹ cũng hoàn toàn có thể biến khó khăn của thời giãn cách thành một cơ hội để giáo dục khả năng thích ứng cho các con và tăng cường sự cố kết gia đình.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!


Kiều Phương/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/hoc-truc-tuyen-keo-dai-khien-tre-nay-sinh-lo-au-kiet-suc-va-tram-cam-20210926140943725.htm#dt_source=Cate_GiaoDucHuongNghiep&dt_campaign=Cover&dt_medium=1

  • Từ khóa