Nâng cao hiệu quả công tác cửa khẩu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Thứ 4, 29.09.2021 | 07:46:11
529 lượt xem

Cửa khẩu là cửa ngõ quốc gia, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế và đối ngoại. Nhận thức rõ vai trò của công tác cửa khẩu và xu thế hội nhập quốc tế, ngày 7-3-2011, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) ban hành Nghị quyết số 84-NQ/ĐU về “Nâng cao chất lượng công tác cửa khẩu của BĐBP trong tình hình mới” (gọi tắt là Nghị quyết 84).

Nghị quyết đã đề ra chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cửa khẩu, tạo động lực đổi mới toàn diện, từng bước hiện đại hóa hệ thống cửa khẩu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 84, đến nay, có thể khẳng định việc xây dựng, ban hành nghị quyết là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước, tạo nền tảng xây dựng lực lượng cửa khẩu vững mạnh, chính quy, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới, kiểm soát cửa khẩu của BĐBP; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Nâng cao hiệu quả công tác cửa khẩu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Cán bộ biên phòng Cửa khẩu cảng TP Hải Phòng kiểm soát thuyền viên trên tàu quốc tế cập cảng TP Hải Phòng.

Ảnh: VIẾT HÀ

Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã tích cực, chủ động rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đường lối, quan điểm pháp luật có liên quan, nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh (XNC), cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý biên giới, cửa khẩu, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong thực thi nhiệm vụ kiểm soát XNC, quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn tại các cửa khẩu. Đặc biệt, đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”; Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 29-4-2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị; Luật Biên phòng Việt Nam... 

Mặt khác, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã kịp thời tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quy hoạch, nâng cấp, mở mới hệ thống cửa khẩu theo hướng đồng bộ, thống nhất, hiện đại. Đồng thời, đề xuất chủ trương đầu tư công nghệ phục vụ triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng về cải cách hành chính trong lĩnh vực cửa khẩu, kiểm soát XNC; thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển theo cơ chế một cửa quốc gia, tạo thuận lợi, giảm chi phí và thời gian làm thủ tục XNC cho doanh nghiệp, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế; thực hiện thí điểm khai báo thủ tục biên phòng điện tử đối với cửa khẩu biên giới đất liền trên Cổng thông tin thủ tục Biên phòng điện tử kết nối một cửa quốc gia; kiểm soát XNC bằng mã vạch tại các cửa khẩu cảng, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho mỗi hành khách xuống còn từ 8 đến 10 giây...

Cùng với đó, Bộ tư lệnh BĐBP đã chủ động phối hợp với Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) và các cơ quan liên quan tham mưu với Chính phủ đàm phán, ký kết Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới quốc gia Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia; tham mưu với Bộ Quốc phòng thành lập Ủy ban Hợp tác cửa khẩu Việt Nam-Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển, nâng cấp hệ thống cửa khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động XNC ở các cửa khẩu và đàm phán, xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh tại cửa khẩu; phối hợp với phía bạn Lào triển khai mô hình kiểm soát “một cửa, một điểm dừng” theo Hiệp định GMS tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị)-Densavan (Savannakhet, Lào)...

Nâng cao hiệu quả công tác cửa khẩu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Cư dân biên giới xuất nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, TP  Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Ảnh: VIẾT HÀ

Các đơn vị làm công tác cửa khẩu đã thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng; tham mưu với chính quyền địa phương làm tốt công tác ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển, tạo điều kiện tốt để giao lưu hợp tác và hội nhập quốc tế, được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Trong đó, Đảng ủy BĐBP đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức thành công các chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; giao lưu hữu nghị biên giới, các hoạt động đối ngoại quốc phòng, quân sự, biên phòng diễn ra tại các cửa khẩu; thực hiện hiệu quả mô hình “Đồn, trạm biên phòng cửa khẩu tiêu biểu, kiểu mẫu về đối ngoại”... 

10 năm qua, các đơn vị biên phòng cửa khẩu toàn quốc đã thực hiện thủ tục XNC và đảm bảo an ninh, an toàn cho gần 70 triệu lượt người; hơn 11.280 triệu lượt phương tiện với gần 12 triệu lượt nhân viên qua cửa khẩu đường bộ; làm thủ tục XNC gần 19 nghìn lượt tàu với hơn 131 nghìn lượt nhân viên qua cửa khẩu đường sắt; hơn 372 nghìn tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài, với hơn 6 triệu lượt thuyền viên, 4,8 triệu lượt hành khách du lịch và 261 tàu quân sự nước ngoài, gần 62.700 lượt thủy thủ đoàn đến thăm xã giao và thực hiện các hoạt động khác tại các cửa khẩu cảng. Bên cạnh đó, qua công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát XNC đã phát hiện, bắt giữ, xử lý hơn 10.200 đối tượng quản lý nghiệp vụ; 3 vụ/4 đối tượng phản động thuộc các tổ chức phản động; 91 đối tượng tội phạm có lệnh truy nã. Đặc biệt, phối hợp với Đại sứ quán Australia và Mỹ tổ chức 82 lớp/775 cán bộ tham gia các lớp tập huấn về công tác kiểm soát XNC, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ kiểm soát biên giới và hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ làm công tác cửa khẩu. 

Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã tập trung chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tập trung xây dựng đơn vị cửa khẩu nền nếp, chính quy; chỉ đạo các học viện, nhà trường trong BĐBP đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện tính chuyên nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho cán bộ, nhân viên làm công tác cửa khẩu... Đồng thời, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật, kỷ luật; đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới, xây dựng đội ngũ cán bộ cửa khẩu có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng; chấp hành kỷ luật, ứng xử văn hóa, tạo tình cảm, ấn tượng tốt đẹp đối với hành khách trong nước và quốc tế...

Những năm tới, hệ thống cửa khẩu, cảng biển, khu kinh tế cửa khẩu có sự phát triển cả về số lượng, quy mô; lưu lượng người, hàng hóa, phương tiện XNC qua cửa khẩu ngày càng tăng. Đi đôi với sự phát triển, khu vực cửa khẩu cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, như: Hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XNC có những diễn biến khó lường. Những yếu tố trên đặt ra yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn đối với nhiệm vụ quản lý cửa khẩu, kiểm soát XNC của BĐBP. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ tư lệnh, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng, ban hành các chủ trương, giải pháp chiến lược quy hoạch, phát triển hệ thống cửa khẩu; tổ chức quản lý cửa khẩu theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý biên giới, cửa khẩu, kiểm soát XNC của BĐBP đáp ứng với tình hình thực tiễn hiện nay.

Hai là, tiếp tục cải cách hành chính, tiếp cận nhanh với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tự động hóa, nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, kiểm soát XNC. Nhân rộng mô hình Cổng kiểm soát XNC tự động tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; kiểm soát các loại giấy phép bằng công nghệ in mã vạch tại các cửa khẩu cảng trên toàn quốc và thực hiện Đề án hộ chiếu điện tử Việt Nam... 

Ba là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đưa công tác đối ngoại biên phòng đi vào chiều sâu. Thông qua công tác đối ngoại biên phòng phối hợp tốt với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng trong quản lý cửa khẩu, kiểm soát XNC, tăng cường các hoạt động hợp tác cửa khẩu và biên giới; ngược lại, làm tốt công tác cửa khẩu sẽ góp phần củng cố niềm tin, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động đối ngoại quốc phòng biên giới, các hoạt động giao lưu hợp tác trong khu vực cửa khẩu, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. 

Bốn là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác cửa khẩu có trình độ chuyên môn cao, tinh thông nghiệp vụ cửa khẩu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng. Xây dựng đơn vị cửa khẩu chính quy, vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; đề xuất bố trí hợp lý tổ chức, biên chế lực lượng cửa khẩu theo hướng chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp. Các nhà trường trong BĐBP tiếp tục đổi mới toàn diện chương trình, nội dung giáo dục, đào tạo chuyên ngành cửa khẩu theo hướng bám sát thực tiễn, cán bộ chuyên trách giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng, khai thác, làm chủ trang bị kỹ thuật công nghệ cao, có trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng nước láng giềng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công tác cửa khẩu.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-cua-khau-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-672584

  • Từ khóa