Qua hơn nửa tháng bắt nhịp lại sản xuất trong điều kiện dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp (DN) tại các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía nam tự tin sẽ sản xuất bình thường ngay trong quý IV/2021. Có được thành quả này là nhờ sự chủ động, sẵn sàng các giải pháp thích ứng và linh hoạt của chính DN cùng sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương và địa phương.
Hoạt động sản xuất theo phương án "Ba tại chỗ" ở Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long, Khu công nghiệp Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: THẾ ANH
Ðể sản xuất trong trạng thái "bình thường mới", nhiều DN ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã nỗ lực duy trì nguồn lao động ổn định trong thời gian dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, từ đó giúp DN tăng tốc ngay sau thời gian giãn cách, đáp ứng các đơn hàng đã ký.
Tăng tốc ngay sau khi khởi động lại
Sau khi TP Hồ Chí Minh dỡ bỏ giãn cách xã hội, sẵn sàng mở cửa, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái "bình thường mới", các DN đã chuẩn bị phương án để trở lại hoạt động, sẵn sàng tăng tốc sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp (KCN) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bé cho biết: Qua hai tuần nay, có hơn 700 nhà máy, DN trong KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao thực hiện phương án "ba tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến" tiếp tục hoạt động, đồng thời khoảng 800 DN, nhà máy khởi động và đón công nhân quay trở lại làm việc.
Tại KCN Long Hậu (Cần Giuộc, Long An), trong thời gian giãn cách xã hội, 116 trong tổng số 160 DN duy trì sản xuất "ba tại chỗ" với công suất khoảng 30 - 40%, một số DN mạnh về tiềm lực và cơ sở hạ tầng đạt 70% công suất, nhưng sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội, chỉ trong thời gian ngắn, đã có hơn 140 DN hoạt động trở lại bình thường. Những ngày qua, không khí sản xuất tại Công ty cổ phần Dầu Nhớt và Hóa chất Miền Nam ở huyện Bến Lức (Long An) khá sôi động với nét phấn khởi rạng ngời trên khuôn mặt của hàng trăm công nhân khi DN trở lại hoạt động sau thời gian dài sản xuất theo phương án "ba tại chỗ".
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dầu Nhớt và Hóa chất Miền Nam Nguyễn Minh Tâm chia sẻ, mong muốn của DN là thông thương giữa Long An và các địa phương liền kề như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai và khu vực phía nam sớm thông suốt, tạo thuận lợi cho vận chuyển nguyên vật liệu, từ đó giúp DN có thể trở lại hoạt động đạt 100% công suất vào cuối tháng 10 này. Còn theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Long Hậu Trần Hồng Sơn, Long An triển khai rất tốt việc tiêm vắc-xin cho người lao động cho nên khi quay trở lại hoạt động, DN có đủ lực lượng công nhân làm việc theo nhu cầu của DN. Ðây là một trong những điểm mấu chốt giúp cho các DN phục hồi sản xuất nhanh trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nhận xét: Long An đã trở lại "bình thường mới", DN được huy động tối đa số lượng công nhân theo nhu cầu sản xuất của nhà máy. Toàn tỉnh hiện có hơn 13.480 DN, đến giữa tháng 10 đã có khoảng 50 - 60% số DN khởi động lại sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đến cuối tháng 11, tất cả DN sẽ hoạt động bình thường.
Tại Công ty TNHH Minh Long I, chuyên sản xuất gốm, sứ cao cấp ở tỉnh Bình Dương, sau ngày 1/10, DN đã quay trở lại hoạt động sản xuất ngay với hơn 70% trong tổng số hơn 2.000 công nhân. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay, hơn 80% số công nhân của công ty đã được tiêm chủng, trong đó có khoảng 30% đã tiêm mũi 2. Tinh thần của DN là quyết tâm khôi phục nhanh sản xuất, bằng chứng là hơn 70% số công nhân công ty đã đến ngay ngày đầu DN hoạt động trở lại và có thể hai tuần nữa, lực lượng lao động của công ty sẽ đạt hơn 90%.
"Nếu chúng ta đối xử tốt với người lao động thì không ai bỏ đi hết. Khí thế sản xuất mạnh mẽ tại DN cùng sự cởi mở, thân thiện của chính quyền sẽ tạo động lực, quyết tâm để khôi phục kinh tế, tạo nên bức tranh tươi sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh", ông Minh chia sẻ.
Tính đến ngày 13/10, tỉnh Bình Dương có 4.364 DN đăng ký hoạt động theo các mô hình sản xuất "ba tại chỗ", "một cung đường, hai địa điểm", mô hình ba xanh "Nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh" và "ba tại chỗ linh hoạt" với hơn 600 nghìn công nhân lao động; trong đó có hơn 90% số DN trong KCN đã hoạt động trở lại.
Sản xuất tại Công ty TNHH Ecco, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.
Tạo đà phục hồi sản xuất
Dưới góc độ của DN, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh Lê Trí Thông cho rằng: Ðể hồi phục nhanh, vấn đề quan trọng là sự hợp lực giữa các DN trong toàn chuỗi giá trị, đồng thời là sự kết hợp giữa DN với sự "cộng hưởng" của chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ các hội viên tiếp cận nguồn vốn, các gói hỗ trợ về lãi suất, tăng cường chương trình thông tin liên quan hỗ trợ người lao động, kết nối giao thương giữa DN với nhau...
Theo PGS, TS Hoàng Công Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), động lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía nam phụ thuộc rất lớn vào TP Hồ Chí Minh. Do đó, ngoài gói hỗ trợ chung từ Chính phủ, cần dựa trên nội lực của thành phố để kiến tạo các gói hỗ trợ khác cho quá trình hồi phục kinh tế. Chính sách hỗ trợ DN khởi động lại cần nhắm đến mục tiêu giúp DN hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc, nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại thành phố sau khi đã về quê trong giai đoạn giãn cách. TP Hồ Chí Minh hồi phục sẽ tạo tác động tích cực nhanh chóng, kéo cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cùng ổn định và phát triển. Chiến lược phục hồi kinh tế thành phố không chỉ giới hạn hẹp ở khía cạnh kinh tế thuần túy mà đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ với các chính sách về an sinh xã hội, y tế, lao động việc làm, giao thông…, trong đó chú trọng đến việc hàn gắn liên kết vùng đã bị đứt gãy trong thời gian qua.
Chủ tịch Liên đoàn DN tỉnh Bình Dương Mai Hữu Tín cho rằng: Sự hỗ trợ của Bình Dương dành cho DN trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua rất đáng trân trọng, điều đó đã làm tăng thêm niềm tin để DN tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất tại Bình Dương. Thời gian tới, tỉnh cần quan tâm đến việc giữ chân người lao động, đặc biệt là giải quyết nhu cầu nhà ở.
Còn ông Ðiền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương mong muốn, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để DN vừa và nhỏ phục hồi sản xuất, thống nhất với các địa phương về phương án lưu thông để tạo điều kiện cho người lao động tham gia sản xuất trong trạng thái "bình thường mới". Về lâu dài, tỉnh cần hỗ trợ để xây dựng KCN chuyên ngành nhằm tạo chuỗi liên kết ngành hàng, vừa giúp tránh đứt gãy chuỗi sản xuất vừa giúp DN nâng sức cạnh tranh…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết: DN đã nỗ lực thích ứng hoạt động sản xuất trong điều kiện rất khó khăn và cùng tỉnh chăm lo, hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống. Hiện dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, DN mới bắt đầu phục hồi sản xuất và vẫn còn gặp không ít khó khăn. Do đó, từ nay đến cuối năm 2021 và năm 2022, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch , đồng thời luôn đồng hành, lắng nghe để kịp thời có các giải pháp hỗ trợ, cùng cộng đồng DN trong tỉnh phục hồi và phát triển nhanh nhất có thể.
Chia sẻ những giải pháp hỗ trợ nhằm giúp DN phục hồi khi trở lại "bình thường mới", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, bên cạnh sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng những kênh thông tin để kết nối DN với các ngân hàng thương mại. Nhóm DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh có thể tiếp cận các nguồn vốn ở các tổ chức khác như: hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, quỹ CEP… Ðồng thời, thành phố sẽ ban hành một số chính sách hỗ trợ khi DN mới trở lại sản xuất, kinh doanh chưa có lợi nhuận ngay, mà vẫn phải đóng các khoản thuế. Cục Thuế thành phố đã làm việc với các Chi cục thuế nhanh chóng sớm hoàn thiện thủ tục hoàn thuế cho DN, giúp DN có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
TRỊNH BÌNH - CAO TÂN - THANH PHONG/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/chu-dong-thich-ung-binh-thuong-moi--669787/