Giá hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu "nhảy múa"

Chủ nhật, 17.10.2021 | 09:36:22
790 lượt xem

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang đau đầu với bài toán giá nguyên vật liệu tăng "sốc" trên diện rộng.

Chi phí đầu vào tăng chóng mặt

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Sunpla - một doanh nghiệp sản xuất khuôn mẫu và linh kiện nhựa ở Bắc Giang - cho biết, đầu vào sản xuất tăng gây khó cho doanh nghiệp. Đối với những sản phẩm gia công, 80% giá trị sản phẩm là nguyên vật liệu.

Theo vị này, Việt Nam đang chịu biến động của giá nguyên vật liệu thế giới rất lớn bởi đa số đều phụ thuộc vào nhập khẩu. Không chỉ tăng giá, nhiều nguyên liệu đầu vào còn khan hiếm, không mua được. Khi hàng hóa tăng giá, dễ xuất hiện tình trạng "găm hàng", lũng đoạn thị trường.

Giá hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu nhảy múa - 1

Doanh nghiệp đang phải gồng mình trước đợt tăng giá diện rộng nguyên liệu đầu vào sản xuất, kinh doanh (Ảnh minh họa: Nguyễn Mạnh).

Về giải pháp trước mắt, theo ông Cường doanh nghiệp có thể chuyển sang hướng chỉ nhận gia công, nguyên vật liệu đối tác tự cung ứng. Đối với các sản phẩm doanh nghiệp tự lo nguyên liệu, có thể đàm phán, thảo luận với khách hàng.

"Không chỉ tăng giá mà còn khan hiếm. Doanh nghiệp làm cầm chừng. Làm cũng lỗ mà không làm thì coi như "chết" nên chúng tôi vẫn phải tìm mọi cách để duy trì sản xuất", ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Công ty Thủy sản Thuận Phước - tâm tư khi nói với Dân trí.

Ông Lĩnh cho hay, hiện nhiều nông dân, doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà tái sản xuất. Đợt vừa rồi dịch không bán được, nhiều nông dân chưa tái đàn, nếu có làm thì cũng phải 3 tháng tới mới cho ra sản phẩm.

"Tâm lý của nhiều người chăn nuôi tầm này là lo ngại dịch bùng phát, họ nuôi xong lại lo không bán được. Trong khi giá cả nguyên liệu đầu vào đều tăng chóng mặt", ông Lĩnh chia sẻ.

Giá hàng hóa nhấp nhổm

Theo khảo sát của Dân trí, nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng tăng đáng kể. Chị Phương Huế, chủ một tiệm tạp hóa trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội) thông tin, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết mặt hàng tiêu dùng đều tăng giá.

Điển hình, dầu ăn Neptune chai 1 lít là 53.000 đồng, dầu ăn Simply  1 lít là 53.000 đồng/chai, dầu ăn Cái Lân 1 lít là 40.000 đồng. So với trước đây, mỗi chai dầu ăn đều tăng giá 3.000 - 4.000 đồng/chai, tùy loại.

Tăng giá cùng dầu ăn, mì tôm cũng tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/thùng. Ví dụ, Hảo Hảo có giá bán lẻ là 105.000 đồng/thùng, Ba miền là 100.000 đồng/thùng, Kokomi là 80.000 đồng/thùng, Omachi là 200.000 đồng/thùng.

"Các mặt hàng khác như nước mắm, bột mì, mì chính, muối chấm cũng tăng nhưng không đáng kể. Với lại, tùy vào chính sách, mức độ ưu đãi, nguồn hàng nhập về mà mỗi cửa hàng sẽ đưa ra mức giá tốt nhất cho khách để cạnh tranh", chị Huế cho hay.

Giá hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu nhảy múa - 2

Nhiều mặt hàng tiêu dùng đồng loạt tăng giá (Ảnh: An Chi).

Giá rau xanh cũng tăng mạnh

Tại nhiều chợ truyền thống Hà Nội, giá các mặt hàng rau, củ, quả đang tăng tương đối mạnh.

Cụ thể, rau muống từ 8.000 đồng/bó tăng lên 12.000 đồng/bó, cải ngọt, cải ngồng, cải chíp từ 15.000 - 17.000 đồng/kg tăng lên 22.000 - 25.000 đồng/kg, mướp từ 15.000 đồng/kg tăng lên 20.000 đồng/kg, dưa chuột từ 17.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg, hành lá từ 15.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg, rau mùi từ 3.000 đồng/mớ lên 5.000 đồng/mớ.

Giá hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu nhảy múa - 3

Mưa bão kéo dài khiến giá rau xanh nhảy múa (Ảnh: An Chi).

Chị Nguyễn Hà, một người bán rau ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết từ cuối tuần trước, rau xanh tăng giá mạnh do mưa lớn kéo dài. Thậm chí, một số tiểu thương còn không nhập được hàng do việc vận chuyển, đi lại gặp nhiều khó khăn.

"Tăng khủng khiếp nhất là các loại rau cải như cải ngồng, cải chíp, cải xanh từ 15.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg. Tiếp đến là hành lá, cách đây 2 tuần, chỉ có 15.000 đồng/kg hôm nay đã cán mốc 35.000 đồng/kg. Cùng với đó là rau gia vị như mùi, thì là, húng, bạc hà, diếp cá đều rơi vào tình trạng khan hàng, giá cao chót vót", chị Hà kể.

Chị dự đoán, giá rau xanh sẽ còn tăng trong vài ngày tới do nhiều loại rau không chịu được ẩm nên cứ mưa là chết. Hơn nữa, mưa lớn kéo dài còn khiến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa chậm nên giá sẽ bị đẩy lên cao.

Xe taxi ế ẩm, "đói khách"

Trong những ngày hoạt động trở lại, anh Nghiêm Hiếu - một tài xế taxi ở Hà Nội - đau đầu vì quá vắng khách. Anh cho biết, theo quy định, nếu tài xế muốn tham gia vào hoạt động đón, trả khách cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn. Cụ thể, lái xe phải tiêm tối thiểu một mũi vaccine phòng Covid-19; tuân thủ 5K, khai báo y tế; xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần)….

Trước khi đi làm, anh Hiếu đã bỏ ra 250.000 đồng để làm dịch vụ test nhanh Covid-19. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên, anh chỉ đón được 4 khách, thu về chưa đến 100.000 đồng.

Anh Hiếu đánh giá, nguyên nhân chính khiến dịch vụ taxi ế ẩm là do người dân vẫn e ngại khi sử dụng xe công cộng để di chuyển. Hơn nữa, sau thời gian dài giãn cách, thu nhập của người dân đều giảm sút nên mọi người có xu hướng tiết kiệm hơn.

Hơn nữa, giá xăng, dầu tăng cao cũng là thách thức không nhỏ với cánh tài xế. Với lượng khách ít ỏi như hiện nay, nếu trừ hết tiền xăng dầu, chi phí xét nghiệm Covid-19, nhiều tài xế bày tỏ gần như đang đi làm không công.

Nói về chuyến xe 2 ngày qua, anh Đặng Trường (Hà Nội) chỉ biết thở dài: "Chán lắm, không đi thì bảo ở nhà chán, không có việc làm, đi rồi còn chán hơn vì có khách đâu. Hơn nữa, chi phí cho việc chạy xe đang ngốn rất nhiều tiền".

"Tôi test Covid-19 theo hình thức mẫu gộp là 150.000 đồng, cứ 7 ngày thì phải đi test lại một lần. Trong khi, cả ngày tôi mới kiếm được 250.000 đồng thì đã ăn sáng, ăn trưa, đổ xăng hết 2/3, nghĩ mà chán".

Nhìn vào tình hình chung, anh Trường nhận định, lượng khách đi xe taxi đã giảm 60 - 70% so với trước. Lý do là bởi, nhiều người hạn chế ra ngoài nếu không có việc gì cần thiết hoặc ưu tiên sử dụng các loại phương tiện cá nhân.


An Chi/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gia-hang-hoa-thiet-yeu-nguyen-vat-lieu-nhay-mua-20210927062058362.htm#dt_source=Cate_KinhDoanh&dt_campaign=Cover&dt_medium=1

  • Từ khóa