Giữ an toàn khi trẻ học trực tuyến

Chủ nhật, 17.10.2021 | 15:02:17
1,622 lượt xem

Nhiều địa phương trong cả nước xác định học sinh sẽ học trực tuyến đến hết học kỳ I. Tuy nhiên, trong quá trình dạy và học đã có tai nạn thương tâm xảy ra với học sinh khiến phụ huynh lo lắng

Vụ tai nạn do điện thoại phát nổ khiến một học sinh (HS) lớp 5 tại tỉnh Nghệ An tử vong, trước đó là một HS 9 tuổi tại TP Hà Nội do bị điện giật đòi hỏi nhà trường và gia đình cần có giải pháp giữ an toàn khi trẻ học trực tuyến.

Thiếu kỹ năng phòng tránh tai nạn về điện

Chị Phan Nga, phụ huynh Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết con chị năm nay học lớp 3, dù đã dặn dò cẩn thận nhưng chị vẫn không an tâm khi để con trong phòng riêng một mình học online. Theo chị Nga, trẻ đang độ tuổi hiếu động, ưa thích khám phá; chỉ cần không để ý là rất dễ xảy ra tai nạn. Các phương tiện học trực tuyến như máy tính, điện thoại... còn liên quan đến sạc pin, ổ điện nên rất nguy hiểm.

Lo lắng của chị Nga cũng là của chung rất nhiều phụ huynh trong giai đoạn trẻ học trực tuyến. Theo các giáo viên (GV), đa số HS học trực tuyến đều sử dụng các thiết bị học theo hướng tận dụng phương tiện cũ, mà những phương tiện này thường lượng pin không đủ lâu để có thể dùng hết một buổi học mới cần sạc. Trong khi ở lứa tuổi còn nhỏ, các em thiếu kỹ năng xử lý các tình huống, nhất là các tai nạn về điện.

Thầy Nguyễn Hải Hà, GV môn vật lý thuộc Hệ thống giáo dục One Thousand Plus - đơn vị chuyên về dạy học trực tuyến, nhận định khi cho trẻ học trực tuyến, để bảo đảm an toàn, nên sử dụng các thiết bị có dùng pin và không cần nguồn điện trực tiếp trong nhà, đặc biệt là khi trời mưa. Cần lựa chọn, lắp đặt thiết bị điện trong gia đình và phải bảo đảm an toàn cho trẻ như: sử dụng ổ và phích cắm có 3 chân, 3 dây để chống rò rỉ điện; chọn các mẫu ổ cắm có nắp đậy hoặc gắn thêm nắp chống thấm khi lắp đặt; lắp CPI chống giật, khi có sự cố thì cầu dao tự ngắt điện sẽ an toàn. Đặc biệt, ổ cắm điện, công tắc nên lắp đặt ở vị trí cao hơn 1,4 m để trẻ không với tới được.

Thiết kế bàn học của HS ở xa ổ điện để bảo đảm trẻ sẽ không tò mò mà chạm tay vào ổ điện khi học trực tuyến. Thường xuyên kiểm tra xem các thiết bị điện trong nhà có bị rò rỉ điện không. Ngoài ra, đối với các thiết bị quá cũ cũng nên thay mới để bảo đảm không có tai nạn đáng tiếc xảy ra trong lúc học. Hướng dẫn trẻ tự giác cẩn trọng với các thiết bị điện. Biết cách xử lý trong một vài trường hợp khi gặp sự cố điện: cúp cầu dao điện, không ăn uống khi ngồi học gần ổ điện.

Giữ an toàn khi trẻ học trực tuyến - Ảnh 1.

Giáo viên cần lưu ý học sinh những kỹ năng an toàn về điện trước giờ học trực tuyến

Giáo viên cần dạy tích hợp trong bài giảng

Theo ThS Phạm Lê Thanh, GV môn hóa Trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7, TP HCM), để HS được an toàn khi sử dụng các thiết bị điện thoại, laptop, iPad, GV cần tập huấn cho các em khoảng 1 - 2 tiết để qua đó nhắc nhở, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh tai nạn về điện. Đây là bài học kỹ năng sống quan trọng nhất trong việc dạy và học trực tuyến.

Trước khi sử dụng thiết bị điện tử, nếu có hiện tượng dây cắm lỏng, sạc chập chờn thì cần thay ổ mới. Các em nên sạc pin của thiết bị điện tử bảo đảm đầy cho buổi học hôm sau, tránh tình trạng vừa sạc pin điện thoại vừa sử dụng để học tập và làm việc sẽ rất nguy hiểm nếu thiết bị nóng, chập điện và cháy bất ngờ. Một điều nữa, cần lưu ý về hiện tượng sạc nhanh đầy, dùng nhanh hết, phải kiểm tra thiết bị điện thoại và máy tính đề phòng pin bị phồng và thay thế pin để tránh xảy ra nguy hiểm khi sử dụng liên tục trong thời gian dài. GV cũng cần tích hợp vào bài giảng của mình những kỹ năng an toàn về điện, nhắc nhở thường xuyên các em ở từng tiết học.

Lấy ví dụ ở môn hóa học, GV có thể tích hợp kiến thức bài học về phân loại vật liệu dẫn điện, chất điện li, dòng điện trong kim loại... để tập huấn an toàn về điện cho HS như: khi cắm sạc vào ổ điện, tay phải khô, chân đi dép và tuyệt đối không chạm tay vào phần có kim loại. Lúc cắm điện, không được cầm trên tay các vật dụng bằng kim loại như kéo, compa, không vừa sạc vừa cầm máy tính di chuyển...

"Vì mùa mưa nên sàn nhà có thể ướt và ẩm thấp nên các thiết bị rò rỉ điện rất dễ truyền điện từ môi trường ẩm thấp, phụ huynh nên lát sàn nhà nơi các em ngồi học bằng gỗ hoặc trải miếng nhựa để cách điện giữa cơ thể với nền nhà" - cô Thanh lưu ý.


Đặng Trinh/nld.com.vn

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/giu-an-toan-khi-tre-hoc-truc-tuyen-20211016211043308.htm

  • Từ khóa