Ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, cải cách tiền lương là vấn đề quan trọng, tác động đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.
Chiều ngày 19/10, Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuận Phong trả lời báo chí về lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì buổi họp báo trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, cải cách tiền lương là vấn đề quan trọng, tác động đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Từ tháng 5/2018, hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết 27 cải cách chính sách tiền lương. Thời gian bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2021.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, tại hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đến 1/7/2022, thay vì năm 2021. Mới đây, tại hội nghị 4 khóa XIII, Trung ương tiếp tục đồng tình lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII.
"Nguồn lực đầu tư cho phát triển, cho an sinh xã hội, chăm lo cho người dân đang cần hơn. Do vậy, cán bộ, công chức cũng sẵn sàng đồng thuận theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp", ông Bùi Văn Cường nói.
Trao đổi thêm với báo chí về vấn đề trên, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, đến thời điểm này chúng ta đã "lỡ hẹn" việc cải cách tiền lương. "Trung ương vừa rồi cũng đề cập đến việc dời cải cách tiền lương không thời hạn", ông Phong nói.
Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nói về việc "lỡ hẹn" cải cách tiền lương.
Theo ông Phong, thực hiện Nghị quyết 27, chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ các giải pháp tạo nguồn lực cải cách tiền lương như cơ cấu thu ngân sách để đảm bảo nguồn thu bền vững để có nguồn cải cách tiền lương; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, trong đầu tư xây dựng cơ bản; tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên hàng năm…
"Chúng ta thấy, cả nước đang "thắt lưng buộc bụng" lo phòng chống dịch, chờ cơ hội để phục hồi kinh tế. Tôi cho rằng, chỉ đạo của Trung ương lùi thời điểm cải cách tiền lương là phù hợp. Bởi lẽ các điều kiện cần và đủ chuẩn bị chưa đáp ứng được", ông Phong nêu quan điểm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho hay, sắp tới, cải cách tiền lương theo lộ trình nào, căn cứ theo mức lương cơ bản hay mức sống tối thiểu, các mức chênh lệch của khoảng cách về tiền lương chắc chắn Chính phủ sẽ trình trong điều kiện ngân sách, nguồn lực cho phép.
Quang Phong/dantri.com.vn