Chín tháng đầu năm 2021, ngành thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Mặc dù vậy, hiện nay giá thủy sản, đặc biệt là tôm đang ở mức cao, cùng với đó là những tín hiệu tích cực từ thị trường đối với sản phẩm thủy sản dịp Tết cuối năm và dịp lễ Noel đang là những cơ hội để ngành thủy sản vượt khó, về đích.
9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt xấp xỉ 6,2 tỷ USD, tăng hơn 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh do dịch Covid-19
Chia sẻ tại Hội nghị “Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức ngày 22/10, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, cho hay, 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt xấp xỉ 6,2 tỷ USD, tăng hơn 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do, xuất khẩu thủy sản 3 tháng vừa rồi sụt giảm đã kéo đà tăng trưởng xuất khẩu của toàn ngành xuống rất nhiều.
Đánh giá về thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, với những nỗ lực trong công tác tiêm phòng vaccine và mở cửa thị trường nên tại các thị trường Mỹ và EU có sự phục hồi khá nhanh. Bên cạnh đó, thị trường Australia và Nga sau một thời gian chịu tác động bởi dịch Covid-19, đến nay, nhu cầu cũng đã tăng trở lại, do sản lượng nội địa của các thị trường này giảm. Đây là những yếu tố thuận lợi cho ngành.
Tuy nhiên, cước vận tải trong nước và vận tải biển gia tăng đáng kể đối với toàn chuỗi sản xuất, và tác động đến giá thành. Mặt khác, một số thị trường có những biện pháp gia tăng, việc này ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Thống kê của VASEP đến ngày 20/10, tại các tỉnh hiện nay có ngành thủy sản trọng điểm, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 còn rất thấp. Trong khi đó, đây là điều kiện để mở cửa thị trường, tham gia vào lưu thông. Đây là những điểm bất lợi.
Hiện, một số dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi trở lại kể từ tháng 10/2021 khi nhiều tỉnh, thành phố phía nam dần nới lỏng giãn cách xã hội. Sau khi các tỉnh nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp ở miền tây nhanh chóng khôi phục sản xuất, hầu hết các nhà máy thủy sản đạt hơn 70% công suất làm việc so với trước khi xảy ra dịch Covid-19. Đây là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất để đáp ứng nhu cầu dịp cuối năm từ các thị trường nhập khẩu lớn. Với nhu cầu từ Hoa Kỳ, EU ở mức cao, xuất khẩu thủy sản trong các tháng cuối năm dự báo sẽ phục hồi mạnh trở lại.
Tuy nhiên, theo ông Nam, mặc dù dư địa cho thị trường xuất khẩu là rất lớn và kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 8,9 tỷ USD, tuy nhiên, 3 tháng vừa qua do tác động của Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Thậm chí, thời điểm hiện tại, dù các địa phương đã chuyển sang thực hiện theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ với phương châm chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tuy nhiên, tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp cũng sẽ không thể nhanh được.
Dựa trên tình hình thực tiễn, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý để có nguyên liệu, có lao động, ông Nam nhận định kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay khoảng 8,4 tỷ USD.
Hội nghị “Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 22/10.
Cơ hội để ngành thủy sản vượt khó về đích
Ông Nam cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT có ý kiến với các địa phương trong thời gian tới đẩy mạnh tiến độ phủ vaccine mũi 2. Hiện có nhiều chính sách “tiếp sức cho doanh nghiệp tuy nhiên, việc thực hiện không nhanh, thậm chí còn tạo ra bức xúc cho doanh nghiệp. “Chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng cho người lao động ở nơi sản xuất “3 tại chỗ” và khu công nghiệp. Tuy nhiên, còn có điều kiện áp dụng cho nhà máy nằm ở địa phương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg toàn tỉnh. Trên thực tế, rất ít địa phương thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn tỉnh”, ông Nam cho hay.
Trước những khó khăn về vốn, thiếu lực lượng lao động, lưu thông vận tải… một số ý kiến đề nghị, cần ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho các lao động, ngư dân làm việc trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản để duy trì hoạt động sản xuất.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cũng kiến nghị cần có thêm chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19, hỗ trợ khắc phục khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, để phục vụ tốt cho nhu cầu thị trường từ nay đến cuối năm yêu cầu VASEP đồng hành cùng Bộ NN-PTNT để bảo đảm được giá trị xuất khẩu tăng cao.
"Nguyên liệu khai thác chúng ta không thiếu, vấn đề bây giờ là tổ chức chế biến. Tuy nhiên, phải chú trọng về nguồn lao động, vốn, phòng, chống Covid-19, vận chuyển...", Thứ trưởng chia sẻ
Theo ông Tiến, trong khai thác có 5 vấn đề cần chú ý, đó là, quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc, thực thi pháp luật, tai nạn tàu cá và chuyển đổi nghề. Đây là 5 nội dung cốt lõi của khai thác năm nay và những năm tiếp theo.
"Và đây cũng chính là 5 nội dung mà chúng ta thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU", ông Tiến nhấn mạnh.
Năm 2021, ngành Thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 8,8 tỷ USD. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, tín hiệu thị trường đang rất tốt đối với sản phẩm thủy sản, đặc biệt dịp Tết cuối năm và dịp lễ Noel. Mặt khác, giá thủy sản đang ở mức cao đặc biệt là tôm là cơ hội để ngành thủy sản vượt khó, về đích. Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các cơ sở khắc phục ngay tình trạng đứt gãy chuỗi các cung ứng để sản xuất bảo đảm được các chỉ tiêu về sản lượng và xuất khẩu.
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tháng 9/2021, xuất khẩu thủy sản ước tính đạt 600 triệu USD, tăng 0,8% so với tháng 8/2021, nhưng vẫn giảm 26,8% so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,17 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, xuất khẩu thủy sản giảm tháng thứ 2 liên tiếp do tác động của dịch Covid-19.
THANH TRÀ/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/nganh-thuy-san-no-luc-vuot-kho-ve-dich-670680/