Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Thứ 7, 23.10.2021 | 10:18:10
866 lượt xem

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư vừa ký Quyết định số 35-QÐ/TW ngày 15/10/2021, ban hành Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư (Quyết định này thay thế Quyết định số 321-QÐ/TW, ngày 6/8/2010 của Bộ Chính trị khóa X).

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Căn cứ vào Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương ban hành quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng thuộc thẩm quyền của cấp mình cho phù hợp để tổ chức thực hiện.

Quy trình gồm các bước chuẩn bị, bước tiến hành và bước kết thúc. Tại bước chuẩn bị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc với tổ chức đảng hoặc đảng viên có đơn khiếu nại kỷ luật đảng (gọi tắt là đối tượng khiếu nại) để nắm tình hình, xác định rõ nội dung trước khi đề xuất thành lập đoàn kiểm tra giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng (gọi tắt là Ðoàn kiểm tra). Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Ðảng và các ban đảng Trung ương tham mưu, giúp Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thành lập Ðoàn kiểm tra. Sau khi được thành lập, Ðoàn kiểm tra nghiên cứu đơn khiếu nại, xây dựng kế hoạch, lịch trình thẩm tra, xác minh và chuẩn bị các tài liệu phục vụ việc thẩm tra, xác minh…

Trong bước tiến hành, Ðoàn kiểm tra nghiên cứu hồ sơ thi hành kỷ luật hoặc hồ sơ giải quyết khiếu nại; tiến hành thẩm tra, xác minh, làm việc với đại diện tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật hoặc đại diện tổ chức đảng đã giải quyết khiếu nại mà đối tượng khiếu nại chưa đồng tình tiếp tục khiếu nại lên Trung ương để trao đổi về nội dung, mức độ, tính chất, hậu quả, nguyên nhân của vi phạm; làm rõ những điểm khác nhau giữa nội dung khiếu nại kỷ luật với quyết định (hình thức) kỷ luật, quyết định giải quyết khiếu nại; việc chấp hành nguyên tắc, thủ tục, quy trình, thẩm quyền trong xem xét thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại; yêu cầu các tổ chức đảng đó cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có)... Tiếp đó tổ chức hội nghị với tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật hoặc đã giải quyết khiếu nại kỷ luật để Ðoàn kiểm tra thông báo kết quả thẩm tra, xác minh và các ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan; hội nghị thảo luận, thống nhất về đề nghị chuẩn y hình thức kỷ luật đã áp dụng hoặc quyết định giải quyết khiếu nại hoặc biểu quyết bằng phiếu kín về đề nghị thay đổi hay xóa bỏ hình thức kỷ luật đã áp dụng đối với trường hợp có tình tiết mới dẫn đến thay đổi bản chất của vụ việc...

Bước kết thúc, Ðoàn kiểm tra báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại tại Hội nghị Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư. Trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Chấp hành Trung ương thì Ðoàn kiểm tra báo cáo Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương. Hội nghị thảo luận, bỏ phiếu kín quyết định hình thức kỷ luật. Ðại diện Ban Bí thư hoặc Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông báo hoặc ủy quyền cho Ðoàn kiểm tra hoặc tổ chức đảng có thẩm quyền thông báo quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật đến đối tượng khiếu nại và các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan để thực hiện.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương giám sát các tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên có liên quan thực hiện kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật của Trung ương.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/quy-trinh-giai-quyet-khieu-nai-ky-luat-dang-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-670710/

  • Từ khóa