Khi tận mắt chứng kiến công việc của các chuyên gia, tình nguyện viên tại Trung tâm Bảo tồn rùa (TCC) tại Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), tôi mới hiểu được vì sao những chú rùa nhỏ bé lại quan trọng đến thế...
Cán bộ Vườn quốc gia Cúc Phương thả rùa đầu to về tự nhiên.Ảnh: ATP
Sau khi được anh Hoàng Văn Hà của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) giới thiệu, tôi đã về Vườn quốc gia Cúc Phương, cách Hà Nội khoảng 120 km, để gặp chị Nguyễn Thu Thủy, điều phối viên chương trình cứu hộ, đào tạo và là Quản lý động vật của ATP để tìm hiểu rõ hơn về công tác cứu hộ, chăm sóc các cá thể rùa tại Trung tâm Bảo tồn rùa (TCC) tại Cúc Phương. Do đến Ninh Bình vào buổi chiều, tôi đành phải đợi đến hôm sau để bắt đầu một ngày làm việc mới cùng với TCC cùng lời nhắc nhở của Thủy về mốc thời gian lúc 7 giờ 30 phút sáng.
Một ngày của các nhân viên chăm sóc
Quả thật, khi tôi tới TCC, các nhân viên đã có mặt và thực hiện những công việc được phân chia cụ thể trước đó. Thường thì mỗi nhân viên chăm sóc sẽ bắt đầu một ngày với hoạt động kiểm tra động vật, chuồng trại bảo đảm không có gì bất thường xảy ra với rùa. Sau đó họ dọn vệ sinh, thu rửa khay thức ăn, nước uống. Riêng lịch cho ăn được bố trí vào những ngày cố định trong tuần. Ở đây, tùy vào từng nhóm loài khác nhau sẽ được chuẩn bị thức ăn phù hợp cho từng loài, vào từng ngày cụ thể. Còn về thức ăn tươi cho rùa, nhân viên được phân công đi mua sẽ đi chợ từ 4 hoặc 5 giờ sáng để có thể đưa thức ăn về TCC lúc 7 giờ 30 phút.
Bác sĩ thú y và trợ lý gắn chíp cho rùa đầu to. Ảnh: NGUYỄN THU THỦY
Lúc tôi đến, người được phân công đi mua thức ăn cho rùa mà sau này tôi mới biết tên là anh Hồ Phúc Thiên cũng vừa kịp về. Theo anh Thiên, mỗi một loài rùa có thức ăn đặc trưng riêng theo môi trường sống và vùng phân bố/độ cao địa lý của từng loài. Vì vậy, việc đáp ứng thức ăn cho các loài cần đa dạng và tương ứng môi trường của chúng. Việc này rất quan trọng và đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị thức ăn cho rùa. Thí dụ, các loài rùa sống nửa nước nửa cạn phần lớn là loài ăn tạp, nghĩa là chúng có thể ăn cả động thực vật trên cạn và dưới nước. Do vậy, trung tâm sẽ cung cấp thức ăn cho rùa hỗn hợp từ rau củ quả đến cá, ốc, côn trùng và vitamin, khoáng chất bổ sung. Thức ăn sẽ được tính toán theo trọng lượng cơ thể động vật, mật độ cá thể từng chuồng để bảo đảm khẩu phần ăn đầy đủ và cũng không bị thừa dẫn đến béo phì.
Sau khi cho rùa ăn xong, các nhân viên liền bắt tay dọn vệ sinh bể nước, chuồng trại, làm giàu môi trường. Theo Thủy, định kỳ ba tháng một lần, họ sẽ kiểm tra cân nặng, kích thước để quan trắc sinh trưởng và sức khỏe cho tất cả rùa trong trung tâm.
Còn đối với những cá thể rùa mới được cứu hộ như tôi hỏi, Thủy cho biết thêm, do đây là nhóm bị tổn thương nhiều nhất do bị săn bắt - mắc bẫy hoặc nhốt giữ, vận chuyển trong điều kiện kém chất lượng: Ốm yếu do đói khát, nhồi nhét, căng thẳng, chúng sẽ được nhân viên thú y là chị Tạ Thu Thủy chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe thường xuyên, chăm sóc và điều trị. Trước tiên, Thủy sẽ thu mẫu xét nghiệm sức khỏe, rồi cung cấp thuốc men, giám sát quá trình hồi phục. Theo Thủy, việc hồi phục của các loài rùa thường mất thời gian dài hơn so với nhóm thú do chúng là động vật biến nhiệt và có hoạt động trao đổi chất chậm hơn. Sau đó, cô sẽ gắn chip cho rùa trước khi thả và tẩy giun định kỳ hằng năm cho tất cả loài tại TCC.
Với một nhân viên thú y và bảy nhân viên chăm sóc động vật cứu hộ và chăm sóc gần 2.000 cá thể rùa của 22 loài bản địa ở Việt Nam tại TCC, công việc của họ thật sự không dễ dàng gì, nếu không muốn nói là rất vất vả. Càng vất vả hơn khi trước đại dịch Covid-19 xảy ra, TCC thường xuyên đón nhận các chuyên gia, tình nguyện viên yêu thích động vật hoang dã trong nước và nước ngoài về làm việc, hỗ trợ trung tâm thì hiện nay, do việc di chuyển bị hạn chế và các đường bay tạm thời đóng cửa, TCC chỉ tiếp nhận được các bạn tình nguyện viên trong nước vào những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát.
Cũng vì thế mà dù đã phân chia phần việc giữa 14 thành viên thì theo tôi quan sát, ai nấy đều chẳng nề hà mà luôn tay với nhiều hoạt động khác nhau trong TCC. Dường như đối với họ, những cá thể rùa chậm chạp đó cần được chăm sóc và bảo vệ cẩn thận như con trẻ, khi trong môi trường, chúng luôn phải đối mặt với những mối đe dọa có tác động nghiêm trọng tới sự tồn tại của chúng.
Nguyễn Thu Thủy cho biết, từ năm 2015 trở lại đây, mỗi năm TCC tiếp nhận 200 đến 400 cá thể của khoảng 15 đến 20 loài rùa khác nhau, chủ yếu từ các vụ tịch thu từ buôn bán trái phép, trong đó chỉ có 6 đến 7% số cá thể là từ các cá nhân tự nguyện chuyển giao. So sánh với báo cáo số lượng tịch thu rùa cạn và nước ngọt những năm từ 1995 - 2000, số lượng này chưa bằng 10% của con số tịch thu trước đây. Điều này cho thấy số lượng rùa trong tự nhiên của Việt Nam đã bị suy giảm nghiêm trọng.
Thế nhưng, hoạt động săn bắt, buôn bán rùa vẫn không hề giảm, thậm chí để tiếp tục hoạt động, người buôn rùa còn chuyển sang bán hàng online. Lý do là áp lực từ khủng hoảng kinh tế và mất việc làm do dịch Covid-19 khiến nhiều người bất chấp các cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm từ động vật hoang dã sang người vẫn tiếp tục săn bắt nhằm buôn bán cho các thị trường tiêu thụ động vật hoang dã.
Thế nên, như Thủy cho biết, với đặc thù là cơ sở cứu hộ các loài tịch thu từ buôn bán, săn bắt trái phép cho nên khi có trường hợp cần cứu hộ, các thành viên của TCC làm việc bất kể ngày đêm để lên đường đi cứu hộ động vật sớm nhất có thể ngay sau khi tiếp nhận và xử lý thông tin. Cũng như khi đưa động vật trở về tự nhiên, họ cần bảo đảm các loài rùa được thả về đúng vùng phân bố và môi trường sống thích hợp cho từng loài. Vì vậy, có những chuyến đi từ bắc vào nam và họ phải làm việc liên tục trong gần một tuần đến khi cá thể cuối cùng được trở về thiên nhiên an toàn.
Nỗ lực của TCC
TCC được thành lập năm 1998 tại Vườn quốc gia Cúc Phương, nằm trong quần thể các trung tâm cứu hộ với những nhóm loài bản địa bao gồm rùa cạn và rùa nước ngọt, linh trưởng và thú ăn thịt nhỏ. Cụ thể thì TCC hoạt động dưới sự hợp tác của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo - Myanmar Conservation (IMC) và Vườn quốc gia Cúc Phương.
Trong ATP, các cán bộ nghiên cứu có phạm vi chuyên môn rộng hơn về lớp lưỡng cư và bò sát, trong đó rùa là một thành phần trong nhóm được ưu tiên tập trung bảo tồn. Bên cạnh TCC - Vườn quốc gia Cúc Phương là đơn vị bảo tồn ngoại vi, ATP đã và đang thực hiện các dự án bảo tồn nội vi cho các loài cực kỳ nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam như rùa Hoàn Kiếm, rùa Trung Bộ, rùa hộp trán vàng và các nghiên cứu, khảo sát đa dạng, thành phần loài ngoài tự nhiên nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu và phối hợp thực hiện công tác thả rùa về tự nhiên cùng với nhân viên TCC.
Thủy cho biết, tại TCC, các nhân viên chăm sóc đều được tập huấn và hướng dẫn kiến thức chuyên môn về nhận dạng loài, tập tính, môi trường sống, cách chăm sóc, tiếp xúc rùa cạn và nước ngọt, đồng thời nâng cao kỹ năng và kiến thức về phúc lợi động vật. Việt Nam là đất nước đứng thứ 7 trên thế giới về đa dạng rùa (26 loài rùa cạn và nước ngọt, 5 loài rùa biển). Vì vậy, để hiểu biết và chăm sóc tốt các loài rùa này cần có thời gian tìm hiểu, thực hành và quan sát tỉ mỉ. Hơn nữa, kiến thức của con người về sinh thái của các loài hoang dã (trong đó có nhóm rùa) còn rất nhiều hạn chế, chưa có các nghiên cứu sâu tìm hiểu ngoài tự nhiên, cho nên vẫn cần được bổ sung và tiếp tục nghiên cứu dài hạn.
Khi hỏi về những khó khăn mà TCC gặp phải, Thủy thừa nhận, do TCC là cơ sở tiếp nhận cứu hộ đa loài rùa, từ tất cả mọi miền cả nước, khó khăn đầu tiên là số lượng tiếp nhận thường lớn và đa dạng, việc đáp ứng điều kiện sống phù hợp những loài không phân bố ở Cúc Phương gặp khó khăn do điều kiện khí hậu và cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, mỗi chuyến cứu hộ đều không thể biết trước, và số lượng có thể từ vài cá thể đến vài trăm cá thể trong một đợt, có những lần bị quá tải do quá nhiều rùa cần cứu hộ trong một thời điểm. Ngoài ra, với tính chất là đơn vị hoạt động phi lợi nhuận, nguồn kinh phí của trung tâm để đầu tư cho trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân sự đều rất hạn chế, chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế và bảo đảm điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại và đầy đủ.
Đối với các nhân viên, khó khăn nhất là những lúc cứu hộ nhiều rùa, khối lượng công việc tăng, thời gian làm việc cũng dài hơn, liên tục khiến ai cũng vất vả. Phần lớn là làm ngoài trời nên những ngày thời tiết cực đoan như nắng nóng, rét đậm, mưa bão... sẽ thử thách mọi người nhiều hơn. Chăm sóc động vật hoang dã thì mỗi trung tâm, mỗi nhóm loài đều có khó khăn, vất vả riêng.
Bù lại, hầu hết các nhân viên chăm sóc đều là những người lao động thuần túy ở địa phương, trở thành nhân viên chính thức sau khi được đào tạo, tập huấn các kỹ năng và vượt qua thời gian thử việc, họ mong muốn có một công việc, thu nhập ổn định và môi trường làm việc tốt để gắn bó lâu dài. Chính việc tạo điều kiện cho người địa phương đã giúp TCC giảm biến động nhân sự, đồng thời giúp việc bố trí nhân sự đi cứu hộ, thả động vật được thuận tiện, dễ dàng hơn. Hiện người gắn bó lâu nhất với TCC là anh Hồ Phúc Thiên, nhân viên chăm sóc đã làm việc từ năm 2002 đến nay nhưng các thành viên TCC còn lại đều hiểu khó khăn của trung tâm và họ có ý thức hợp tác làm việc cùng nhau để xây dựng môi trường làm việc tích cực, hiệu quả.
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TCC không thể đón khách du lịch tham quan như là một phần trong sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của việc bảo vệ động vật hoang dã mà ở đây là rùa, ATP đã phối hợp Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Tổ chức Humane Society International tại Việt Nam (HSI in Viet Nam) tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Chung tay bảo vệ rùa”.
Với 771 bài thi của các thí sinh từ 50 trong số 63 tỉnh, thành phố, có độ tuổi từ 4 đến 62, rõ ràng cộng đồng đã hiểu rất rõ thông điệp bảo vệ rùa và những đe dọa đến sự tồn tại của chúng hiện nay. Thủy cho biết, họ hy vọng trong số những thí sinh đó sẽ có người sau này quan tâm tới công tác bảo tồn, để các nỗ lực của TCC trở nên có ý nghĩa trong chăm sóc, bảo vệ rùa và ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Mạnh Hào/nhandan.vn
https://nhandan.vn/phong-su-ky-su/nhung-nguoi-bao-ve-rua-670862/