Ðiều tiết nguồn nước hồ chứa cắt lũ cho hạ du

Thứ 4, 27.10.2021 | 08:54:07
957 lượt xem

Hiện nay, theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa Biển Ðông đang di chuyển chủ yếu theo hướng tây. Dự báo, đến hết hôm nay (27/10), ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bắc Tây Nguyên và miền Ðông Nam Bộ có mưa từ 100 - 150 mm, có nơi hơn 200 mm. Các tỉnh từ Bình Ðịnh đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên 100 - 250 mm, có nơi hơn 250 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp,

Công nhân Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam) vận hành điều tiết nguồn nước các hồ thủy điện trên sông Srêpốk (Ðắk Lắk). Ảnh: ANH DŨNG

Do mưa lớn, đến ngày 28/10, trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và thượng lưu sông Ðồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Bắc Tây Nguyên lên mức báo động (BÐ)1-BÐ2, các sông nhỏ lên trên mức BÐ2; đỉnh lũ trên sông Kôn (Bình Ðịnh), sông Kỳ Lộ (Phú Yên), sông Dinh Ninh Hòa (Khánh Hòa), sông Cái Phan Rang (Ninh Thuận), sông La Ngà (Bình Thuận), thượng lưu sông Ðồng Nai và các sông ở khu vực Nam Tây Nguyên lên mức BÐ2-BÐ3, có sông trên mức BÐ3.

Nhằm chủ động đối phó mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sáng 26/10, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo chín tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và các bộ, ngành để ứng phó. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, mặc dù dự báo áp thấp nhiệt đới đổ bộ đất liền với cường độ không lớn, nhưng vẫn gây mưa lớn diện rộng ở Trung Bộ, Tây Nguyên và miền Ðông Nam Bộ. Tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp. Các địa phương không được chủ quan, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, rà soát, kiểm tra việc sơ tán dân từ các khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn. 

Tuy nhiên, sẽ xuất hiện đợt mưa thứ 2, thứ 3 kéo dài đến ngày 29/10. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cần tiếp tục hỗ trợ người dân ổn định tâm lý, nhất là sau nhiều lần di dời, tránh trú thiên tai.

Mưa lũ trong những ngày tới được dự báo hết sức phức tạp, nhất là trước đó các tỉnh miền trung, Tây Nguyên đã có mưa lớn trong nhiều ngày. Ðể bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng người dân, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương tổ chức lực lượng rà soát, kiểm tra an toàn nơi ở của người dân các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, nhất là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ, bảo đảm an toàn hạ lưu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Các địa phương cần hết sức chú ý lúc này là nếu mưa lớn diễn ra thì các hồ gần đầy nước phải chủ động điều tiết dung tích cắt lũ cho hạ du. Riêng đối với các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên phải chủ động tích nước chuẩn bị cho mùa khô hạn sắp tới, nhất là nguy cơ hạn hán xảy ra ngay sau Tết Nguyên đán 2022. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, khu vực phía nam Tây Nguyên... cần quan tâm vấn đề sạt lở đất, nhất là khu vực đã có cảnh báo, bố trí người, lực lượng ứng trực ban đêm để bảo đảm an toàn tính mạng người dân.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức đoàn công tác phối hợp triển khai công tác chỉ đạo ứng phó tại các tỉnh miền Trung từ nay đến ngày 29/10. Trong ngày 26/10, đoàn công tác đã tới kiểm tra thực địa tại kè chống sạt lở, bồi lấp cửa biển Ðà Diễn; công trình sửa chữa, nâng cấp công trình cửa biển Ðà Nông. Hiện, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có bốn đê kè biển, cửa sông đang thi công vượt lũ, chuẩn bị sẵn sàng phương án bảo vệ tài sản, máy móc và con người, bảo đảm an toàn tuyến biển, ven biển...

Ðến nay, công tác phòng, chống áp thấp nhiệt đới, mưa lớn đang được các địa phương khẩn trương triển khai. Tuy nhiên, hệ thống đê biển, đê cửa sông từ Ðà Nẵng đến Ninh Thuận với tổng chiều dài 316 km vẫn còn 19 trọng điểm và 12 công trình đang thi công. Mặt khác, các hồ thủy điện khu vực Nam Trung Bộ có 18 hồ và Tây Nguyên có 37 hồ đang điều tiết qua tràn. Khu vực Nam Trung Bộ có 166 trong số 476 hồ thủy lợi đầy nước, 28 hồ đang thi công. Khu vực Tây Nguyên có 87 trong số 194 hồ đầy nước.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (Ðắk Lắk) đã chủ động xả nước tại các hồ thủy điện do đơn vị quản lý nhằm bảo đảm an toàn hồ đập và tính mạng, tài sản nhân dân. Theo đó, tổng lưu lượng nước xả về hạ du tại thời điểm áp dụng chế độ hạ mực nước hồ đối với hồ Buôn Tua Srah là 313 m3/giây, hồ Srêpôk 3 là 762 m3/giây. Dự kiến thời gian tới, hồ Buôn Tua Srah có thể tăng lên 400 m3/giây và hồ Srêpôk 3 có thể tăng đến 900 m3/giây.

Còn tại Ninh Thuận, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương thực hiện hiệu quả phương châm "bốn tại chỗ"; đồng thời thông báo, kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn tại các khu tránh trú bão như tại các cảng cá Ninh Chữ, Ðông Hải, Cà Ná và hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh va đập xảy ra. Ðồng thời, tỉnh chủ động di dời dân tại các vùng ven sông, ven suối, ven biển, vùng hạ lưu đập, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, khu vực trũng thấp đến nơi an toàn.

Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/ieu-tiet-nguon-nuoc-ho-chua-cat-lu-cho-ha-du-671298/

  • Từ khóa