Tăng cường vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới

Thứ 4, 27.10.2021 | 10:00:40
809 lượt xem

Ngày 26/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Vải thiều Bắc Giang (Ảnh minh họa: Hà Nam).

Chỉ thị nêu rõ, sau 10 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (sau đây gọi là Cuộc vận động) đã đạt được những kết quả quan trọng, phát huy được mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Cuộc vận động đã được Ban Bí thư xác định là một trong những giải pháp cần thiết, quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cuộc vận động là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, an sinh xã hội và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian qua. Thị phần tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ do người Việt Nam sản xuất được nâng lên, hỗ trợ tích cực phát triển thị trường nội địa theo hướng bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế như: Các hoạt động thông tin tuyên truyền vẫn chưa đi vào chiều sâu; công tác rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy người Việt Nam dùng hàng Việt Nam còn chậm; chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hóa Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng; còn tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước…

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới và khắc phục những hạn chế nêu trên để tăng cường thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới trong bối cảnh đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và đặc biệt là những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Ưu tiên hàng Việt Nam khi mua sắm bằng ngân sách nhà nước

Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam.

Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về Cuộc vận động bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp tới các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội, nhằm khuyến khích và ưu tiên thực hiện mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia Cuộc vận động, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam không chỉ tại thị trường trong nước mà còn từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới; vận động các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên mua sắm, sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được và dịch vụ trong nước bảo đảm chất lượng.

Công bố thường xuyên, kịp thời danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia mới ban hành; thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Rà soát các chính sách, đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, phát triển thị trường nội địa; ứng dụng thương mại điện tử trong công tác mở rộng thị trường trong và ngoài nước; kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Khuyến khích thiết lập hệ thống các điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam”

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 386/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số thông qua ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường bằng các kênh phân phối hiện đại, kết hợp với thanh toán điện tử và giao vận hiện đại; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm trong nước và nước ngoài; hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam chất lượng cao, được người tiêu dùng tin cậy, phù hợp với các cam kết quốc tế và các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới; đẩy mạnh lưu thông và triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; có cơ chế điều tiết, lưu thông phân phối hàng hóa, nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách nhằm phát triển phù hợp các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hoà giữa hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại hiện đại đối với hàng Việt Nam; tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp, sáng kiến kết nối cung cầu; khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp sản xuất và phân phối thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt Nam bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cập nhật và công bố thường xuyên, kịp thời Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được thuộc phạm vi, lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý để phục vụ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng; thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và các cơ quan liên quan chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí triển khai xây dựng các chương trình thường kỳ, các chuyên mục để quảng bá về sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về tình hình thực hiện Cuộc vận động của các ngành, các cấp.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình “Sản phẩm và dịch vụ công nghệ Thông tin thương hiệu Việt (Make in Viet Nam)” hàng năm nhằm đẩy mạnh việc ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt; hỗ trợ, tạo thị trường đầu tư, mua sắm các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu Việt về công nghệ thông tin.

Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường công tác khảo sát, kiểm tra đo lường, chất lượng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận về đo lường, chất lượng, góp phần bảo đảm lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cũng như của người tiêu dùng; bảo đảm kiểm soát ngăn ngừa hàng hoá nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về đo lường, chất lượng, có nguy cơ gây hại đến sức khỏe cộng đồng, môi trường, góp phần bình ổn thị trường trong nước.

Bộ Tài chính rà soát, đề xuất các giải pháp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam trong các chính sách tài chính, thuế,... Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về mua sắm tài sản, hàng hóa của các cơ quan, đơn vị từ nguồn ngân sách nhà nước, bảo đảm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Cuộc vận động.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung Cuộc vận động lồng ghép tích hợp vào chương trình giảng dạy chính khóa, qua hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục của bậc phổ thông và các hoạt động ngoài giờ lên lớp đối với các trường đại học, cao đẳng sư phạm, với nội dung, thời lượng, hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng.

VGP/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/tang-cuong-van-dong-nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam-trong-tinh-hinh-moi-671276/

  • Từ khóa