Trách nhiệm hành chính không loại trừ trách nhiệm dân sự khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Thứ 4, 27.10.2021 | 15:18:25
853 lượt xem

Chiều 26-10, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định về xử lý hành chính với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), thay vì phương án chỉ dùng biện pháp xử lý hành chính với một số xâm phạm.

Chính phủ trình 2 phương án và lựa chọn của cơ quan thẩm tra

Tờ trình của Chính phủ đề xuất 2 phương án về xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT. Phương án 1 là biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự.

Phương án 2 là giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành (điểm a khoản 1 Điều 211 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội). Theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Trách nhiệm hành chính không loại trừ trách nhiệm dân sự khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
 Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận. Ảnh: VPQH

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật cho rằng, phương án 1 có một số điểm chưa hợp lý. Biện pháp xử phạt vi phạm hành chính có phạm vi áp dụng riêng và không loại trừ quyền của bên khởi kiện ra tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự. Phương án 1 có nguy cơ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm vai trò chủ động của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về SHTT để duy trì trật tự công; đây là việc làm thường xuyên, liên tục, không phụ thuộc vào việc khởi kiện của đương sự. Quan hệ SHTT là quan hệ dân sự có tính chất đặc thù; hành vi xâm phạm quyền SHTT không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quan hệ SHTT mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi của người tiêu dùng, toàn xã hội và ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính nhà nước. Việc loại bỏ biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Do vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, tức là theo phương án 2 mà Chính phủ trình.

Đại biểu lo tạo khoảng trống pháp luật, thêm gánh nặng với tòa

Cho ý kiến về nội dung này, đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn phương án 2 như đề nghị của cơ quan thẩm tra.

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, áp dụng phương án 2 sẽ giảm gánh nặng về chi phí, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp khi bảo vệ quyền của mình. Đại biểu bày tỏ e ngại, nếu loại bỏ biện pháp xử phạt hành chính với các hành vi liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực SHTT, tăng thêm gánh nặng cho hệ thống tòa án hiện đang quá tải cũng như tạo thêm thách thức cho đương sự nếu sử dụng biện pháp tố tụng dân sự khi Việt Nam chưa có hệ thống tòa án chuyên trách về SHTT.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành nhằm phát huy vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực này và đề cao trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trong việc phát hiện kịp thời hành vi vi phạm, mặt khác góp phần làm giảm gánh nặng cho tòa án trong tố tụng dân sự và chi phí cho bên khởi kiện. Cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu xử phạt vi phạm nhiều lần mà vẫn tái phạm để phòng ngừa, răn đe và để bảo vệ quyền SHTT của chủ thể.

Trách nhiệm hành chính không loại trừ trách nhiệm dân sự khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
 Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu trực tuyến. Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cũng nhất trí theo phương án 2 để bảo đảm tính thống nhất trong xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Đại biểu phân tích, hành vi xâm phạm quyền với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh không chỉ xâm phạm quyền dân sự, mà còn xâm phạm trật tự quản lý về kinh tế-xã hội.

Do vậy, bên cạnh việc xử lý dân sự như yêu cầu bồi thường thiệt hại, hành vi xâm phạm này có thể xử lý bằng xử phạt hành chính, cao hơn có thể bị xử lý bằng biện pháp hình sự như Điều 226 Bộ luật Hình sự. Đại biểu nêu rõ có 4 loại trách nhiệm, gồm trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm kỷ luật. Trách nhiệm hành chính không loại trừ trách nhiệm dân sự. Trách nhiệm hành chính là trách nhiệm với hành vi vi phạm pháp luật hành chính, là trách nhiệm với Nhà nước. Người bị xâm hại vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu người có hành vi xâm hại bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm dân sự.

Nhất trí với các đại biểu Nguyễn Như So, Phạm Văn Hòa, Nguyễn Danh Tú, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nêu thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới có tòa chuyên trách về SHTT, như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan, nhưng các quốc gia này cũng không loại trừ xử phạt vi phạm hành  chính. Trong khi đó, Việt Nam chưa có tòa chuyên trách về SHTT và cũng chưa có thẩm phán chuyên trách về SHTT.

Đại biểu Lê Hoàng Anh dẫn số liệu từ Tòa án nhân dân tối cao, từ 1-10-2018 đến 31-7-2021, Tòa án đã thụ lý sơ thẩm 208 vụ việc liên quan đến SHTT, đã giải quyết được 126 vụ việc, đạt 60,6%. Trong khi đó, chỉ tính riêng năm 2020, số vụ xử lý hành chính về hành vi xâm phạm quyền SHTT gần 1700 vụ, hơn 1 nửa là liên quan đến quyền đối với sáng kiến, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Mặt khác, đại biểu phân tích, thời gian xử lý thông qua tòa án là rất lâu. Ở các quốc gia có tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ thì thời gian trung bình để kết thúc một vụ việc là từ 123 ngày đến 200 ngày. Trong khi đó, thời gian trung bình để xử lý bằng biện pháp hành chính của nước ta thời gian qua trong khoảng từ 30 đến 60 ngày. Từ đó, đại biểu nêu quan điểm, nếu không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính với các hành  vi trên thì hệ thống tòa án sẽ khó có khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

CHIẾN THẮNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/trach-nhiem-hanh-chinh-khong-loai-tru-trach-nhiem-dan-su-khi-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-675462

  • Từ khóa