Chính sách đặc thù giúp các địa phương đột phá nhưng phải có cam kết hiệu quả

Thứ 4, 27.10.2021 | 15:18:21
512 lượt xem

Chính sách đặc thù cho TP. Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế cần phải có cam kết của các địa phương này về hiệu quả thực hiện để đối ứng với niềm tin mà gần 500 đại biểu Quốc hội đã trao cho các địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp): Các nhóm chính sách cho 4 tỉnh, thành phố trong dự thảo là những chính sách đảm bảo được tính đặc thù, là cơ hội để các địa phương đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế riêng, qua đó tạo ra sự lan toả. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 2, sáng 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.

Trước đó, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Nghệ An với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thanh Hóa với 8 cơ chế chính sách.

Cụ thể, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. TP. Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Đối với Hải Phòng, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Với tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Nghệ An, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Với tỉnh Thanh Hóa, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết còn quy định một số cơ chế đặc thù về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; chính sách quản lý đất đai và quản lý, sử dụng rừng; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất... Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Khi nào, điều kiện nào thì được thực hiện thí điểm?

Trong thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Xã hội của Quốc hội Tạ Văn Hạ bày tỏ thống nhất cao về việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển các tỉnh nói trên với các lý do: Tạo cơ chế, động lực, điều kiện để cho các tỉnh phát triển; thể chế hóa nghị quyết của Bộ Chính trị, đường lối của Đảng và các tỉnh thực hiện thí điểm chính sách để hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Về cơ chế chính sách cụ thể cho các địa phương, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ lợi thế, thế mạnh của từng tỉnh để có chính sách phù hợp nhằm phát huy được cao nhất thế mạnh và đạt được hiệu quả cao nhất. Ví dụ, có tỉnh có lợi thế phát triển về rừng, nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế chiến lược về rừng của quốc gia; mà rừng không phải là vấn đề của địa phương, của tỉnh mà rừng là vấn đề của vùng, khu vực, thậm chí của thế giới. Thế nhưng, với lợi thế rừng thì khi Quốc hội trao cho địa phương quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì sau này kiểm tra, giám sát không kỹ và không có quy định cụ thể rồi sau đó tổng kết lại thì vấn đề chiến lược phát triển rừng có đạt được không?

Về tổ chức thực hiện, ngoài trách nhiệm của Chính phủ, của tỉnh, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu, thậm chí cả chế tài để việc tổ chức thực hiện đúng, nghiêm và có hiệu quả Nghị quyết này.

“Khi Nghị quyết được ban hành, tôi cho rằng đây không phải chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho những người lãnh đạo, người đứng đầu có năng lực, có tài, dám nghĩ, dám làm, đồng thời có thêm chế tài, thêm quy định trách nhiệm của người đứng đầu thì có thể khẳng định với các tỉnh, thành phố còn lại là đây không phải cơ chế xin-cho”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Xã hội của Quốc hội Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Tạ Văn Hạ vẫn khẳng định sự cần thiết phải thống nhất cho rõ khái niệm về sự thí điểm. Chúng ta phải quy định rõ tiêu chí khi nào, điều kiện nào thì được thực hiện thí điểm? Chúng ta có 5 thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đã cho 3 thành phố được thí điểm là TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, nay là TP. Hải Phòng. Vậy thì tiêu chí nào để mang tính đại diện vì thí điểm chính sách phải mang tính đại diện, ông Hạ nói.

Phải có cam kết về hiệu quả

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), điều quan trọng nhất vẫn là cách hoạch định chính sách nhằm đặt các cơ chế đặc thù trong tương quan với toàn bộ hệ thống pháp luật cũng như các chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia khi ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương.

Nếu được thông qua, cả nước sẽ có 7 tỉnh, thành phố được Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù. Khi các nghị quyết này có hiệu lực thì cũng tròn 3 năm kể từ ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực. Tờ trình số 389 của Chính phủ tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã khẳng định “quy hoạch phải thực sự là công cụ quản lý điều hành phát triển kinh tế-xã hội, giữ vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển”. Đồng thời báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cũng đánh giá quy hoạch tổng thể quốc gia là “cầu nối giữa chiến lược với kế hoạch, là định hướng chiến lược về phân bố phát triển và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội”.

Có thể thấy quy hoạch là yếu tố cần có sau các chiến lược và căn cứ vào quy hoạch để ban hành các chương trình, kế hoạch theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, sau 3 năm Luật Quy hoạch có hiệu lực với nhiều kỳ vọng, thì vào tháng 3/2021, chỉ có Bắc Giang, địa phương đầu tiên trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.

“Như vậy, các địa phương được xem xét cơ chế, chính sách đặc thù lần này đã hoàn thành hay chưa việc xây dựng quy hoạch địa phương mình? Nếu chưa thì cơ chế, chính sách đặc thù này sẽ ảnh hưởng như thế nào khi các tỉnh tiến hành quy hoạch?”, đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt câu hỏi.

Đại biểu Phan Trọng Nhân tiếp tục cho rằng: “Thật hợp lý khi tại kỳ họp này, Quốc hội bố trí thảo luận Đề án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Câu hỏi đặt ra là cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương trên nằm ở đâu trong Đề án này? Trong cơ cấu kinh tế có cơ cấu lãnh thổ kinh tế, là nội dung, cách thức liên kết, phối hợp về mặt kinh tế giữa các lãnh thổ hợp thành nền kinh tế. Như vậy, khi ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương, chúng ta đã tính đến sự liên kết giữa các địa phương này với các tỉnh, thành lân cận hay chưa? Điều quan trọng là chúng ta có đặt cơ chế, chính sách đặt thù trong tổng thể vùng kinh tế mà không phải từng tỉnh riêng lẻ hay không?”.

“Câu trả lời có thể là có, vì khi xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng, tờ trình của Chính phủ có nêu ‘xác định vai trò của thành phố Đà Nẵng tiếp tục là trung tâm, là đầu tàu dẫn dắt kinh tế-xã hội của miền Trung và Tây Nguyên’. Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ tại kỳ họp này khi đề cập đến tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh ‘Thanh Hóa từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung và cả nước’. Có hay không sự chồng lấn về vai trò đầu tàu hay động lực tăng trưởng của miền Trung trong trường hợp này? Các địa phương hưởng đặc thù sẽ đóng vai mới như thế nào trong các chiến lược liên kết vùng hay vẫn là 1 trong 63?”, đại biểu Phạm Trọng Nhân phát biểu.

Nhìn lại 16 địa phương có kết dư, điều tiết ngân sách về Trung ương thì chỉ có Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng được trao cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Trong khi nguồn lực quốc gia còn thiếu và yếu, câu chuyện đi tìm động lực tăng trưởng mang ý nghĩa sống còn trong thời gian qua vẫn chưa minh định được một triết lý trong quản trị quốc gia, nhất là khi đất nước đang trải qua đợt dịch nặng nề. Vì thế, câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không trao cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương đã phát triển để dễ dàng có thêm dư địa tăng trưởng. Còn ở chiều ngược lại, các địa phương này phần phải chịu tăng tỷ lệ điều tiết về Trung ương, phần còn lại phải chật vật khéo co để lo bao bộn bề cho phát triển cả trước mắt, cả lâu dài. Trong khi việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù chỉ trong thời gian ngắn, do đó hiệu quả có thể sẽ không như mong đợi mà báo cáo của Chính phủ trong chương trình nghị sự lần này về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thủ đô Hà Nội, TPHCM, TP. Đà Nẵng sẽ phần nào minh chứng cho điều này, vị đại biểu Quốc hội của tỉnh Bình Dương nói thêm.

Để tránh những tồn tại, hạn chế dù là chủ quan hay khách quan, cũng theo ông Nhân, kèm với dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cần phải có những chương trình, đề án như một cam kết về hiệu quả của Nghị quyết đối ứng với niềm tin mà gần 500 đại biểu Quốc hội đã tin tưởng trao cho các địa phương.


Cơ hội cho các địa phương đột phá

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cũng bày tỏ sự thống nhất cao việc ban hành Nghị quyết nói trên. Theo bà Hoa, đây là một hướng đi đúng và phù hợp với quan điểm phát triển bền vững, tức là những địa phương nào có khó khăn thì có chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Còn những địa phương nào có tiềm lực phát triển kinh tế lớn cần có những cơ chế chính sách đủ mạnh để tạo động lực.

Về “tấm chăn” ngân sách, đại biểu Hoa đồng ý việc kéo được bên này thì sẽ mất bên kia nhưng chúng ta cần phải hướng tới việc tạo điều kiện cho một số địa phương phát triển đủ mạnh thoát ra khỏi “tấm chăn” này.

“Các nhóm chính sách cho 4 tỉnh, thành phố trong dự thảo là những chính sách đảm bảo được tính đặc thù, xây dựng trên những đề xuất, phân tích rất kỹ của các địa phương. Đây là cơ hội để cho các địa phương đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế riêng, qua đó tạo ra sự lan toả”, bà Hoa đánh giá.

Trong một quan điểm khác, đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ) nêu thực tế hiện nay nhiều địa phương mong muốn có cơ chế đặc thù để tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát huy lợi thế để phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra theo đại biểu đoàn Phú Thọ, nên chú trọng phân cấp, phân quyền, hạn chế phân bổ thêm nguồn lực của Trung ương. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ hiệu quả của chính sách thí điểm hoặc không thí điểm, những địa phương được đặc thù có hơn, có khác không, đóng góp cho đất nước thế nào so với thời điểm trước thí điểm thế nào…

Hải Liên/baochinhphu.vn 

https://baochinhphu.vn/Thoi-su/Chinh-sach-dac-thu-giup-cac-dia-phuong-dot-pha-nhung-phai-co-cam-ket-hieu-qua/451016.vgp

  • Từ khóa