Đại biểu Quốc hội: Sớm xem xét can thiệp bình ổn giá xăng dầu, tránh lạm phát

Chủ nhật, 31.10.2021 | 08:54:32
1,007 lượt xem

Thảo luận tại phiên họp của Quốc hội sáng 30-10 về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, một số đại biểu đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp bình ổn giá xăng dầu, tránh tác động đến lạm phát trong thời gian tới.

Sớm xem xét can thiệp bình ổn giá xăng dầu

Lưu ý đến độ mở lớn của nền kinh tế nước ta, từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn trước những tác động từ kinh tế thế giới.

Đặc biệt là việc các nước đang tung ra các gói kích thích nền kinh tế làm tăng tổng cầu có thể khiến chi phí giá cả tăng cao, nhất là là giá xăng dầu, có thể tác động đến lạm phát trong thời gian tới, đặc biệt là các chi phí, dự toán đầu tư có thể thay đổi.

Từ đó đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp bình ổn giá xăng dầu vì hiện nay xăng dầu tăng nhanh và chúng ta còn dư địa, công cụ như các loại thuế, phí cần phải được sử dụng khi giá xăng dầu tăng lên.

Đại biểu Quốc hội: Sớm xem xét can thiệp bình ổn giá xăng dầu, tránh lạm phát
 Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VPQH

Đại biểu cũng đề cập đến giải ngân đầu tư công. Theo đại biểu, đây vẫn là điểm nghẽn, điểm yếu, cần rà soát, chỉ ra các nguyên nhân.

Về giải pháp, đại biểu kiến nghị, việc phân bổ vốn đầu tư cần thực hiện theo đúng mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế. Ưu tiên phân bổ vốn cho hạ tầng, liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng kinh tế số, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Cần trụ cột là các tập đoàn mạnh

Khẳng định cơ cấu lại nền kinh tế “không chỉ cần thiết mà là rất cần thiết”, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đặt ra 4 vấn đề cần quan tâm.

Trước hết, theo đại biểu, việc phân bổ nguồn lực nội địa mất cân đối. Đại biểu dẫn chứng về việc vốn trong doanh nghiệp nhà nước chiếm rất lớn nhưng không sử dụng hiệu quả trong khi tư nhân lại khó tiếp cận. Cùng với đó, nhiều vùng tiềm năng tốt nhưng chưa quan tâm đầu tư tương xứng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long hay vùng ven biển…

Cũng theo đại biểu, nền kinh tế thiếu trụ cột tạo nên phát triển tự chủ và bền vững. Đại biểu dẫn số liệu FDI vẫn chiếm phần lớn trong xuất khẩu và nhấn mạnh quan điểm muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường phải có trụ cột như các tập đoàn mạnh, không chỉ làm chủ trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nhắc đến tác động của Covid-19 và cả Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi việc tái cơ cấu lại nền kinh tế cần thực chất trên các lĩnh vực.

“Chúng ta muốn là nước đi đầu trong thời đại 4.0 nhưng làm chủ được gì trong công nghệ? Hội họp, học hành online vẫn dùng Team, Zoom. Tôi nghĩ hoàn toàn làm chủ được nếu đặt hàng doanh nghiệp trong nước. Tái cơ cấu nền kinh tế cần cơ chế đột phá chứ không phải giải pháp thông thường”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội: Sớm xem xét can thiệp bình ổn giá xăng dầu, tránh lạm phát
 Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh: VPQH

Ở góc độ khác, nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhất là những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng công tác dự báo là hết sức quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Theo đó, đại biểu nhấn mạnh cần dành sự quan tâm đặc biệt hơn nữa đến công tác dự báo, đánh giá tình hình để đề ra hướng đi, chiến lược đúng, chủ động ứng phó được với những tác động tiêu cực, các diễn biến phức tạp về kinh tế ở khu vực và trong nước cũng như chủ động, nắm bắt, tận dụng được tốt các cơ hội cho phát triển… 

Cần giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp

Khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, song đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) băn khoăn khi một nước nông nghiệp, sản xuất gạo gần như lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam cũng là nước nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất rất lớn.

Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan kỳ 1 tháng 10-2021, đại biểu cho biết số tiền chi trả để nhập khẩu các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu, nguyên liệu phân bón đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Đại biểu Quốc hội: Sớm xem xét can thiệp bình ổn giá xăng dầu, tránh lạm phát
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái phát biểu từ điểm cầu Lạng Sơn. Ảnh: VPQH

Đặc biệt, theo đại biểu, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã khiến doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn và thua lỗ... 

Từ đó, đại biểu đề nghị, kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế thời gian tới cần đưa mục tiêu ngành nông nghiệp phải có giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ người nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành từ đó tăng khả năng cạnh tranh.

HẰNG PHƯƠNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dei-bieu-quoc-hoi-som-xem-xet-can-thiep-binh-on-gia-xang-dau-trenh-lem-phet-675864

  • Từ khóa