Bù đắp kiến thức cho học sinh trong "thời gian vàng"

Thứ 3, 02.11.2021 | 15:50:26
477 lượt xem

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến nay đã có 38 tỉnh, thành phố tổ chức dạy trực tiếp và dạy học kết hợp trực tuyến, trực tiếp, qua truyền hình cho học sinh.

Tranh thủ “thời gian vàng” học sinh đến trường học trực tiếp, nhiều địa phương tiến hành rà soát tiến độ, chất lượng dạy và học để có phương án bù đắp điểm còn yếu, đồng thời lên phương án tổ chức thi học kỳ 1.

Bù đắp những lỗ hổng kiến thức

 Một nửa chương trình của học kỳ 1 đã đi qua, hiện Nghệ An đang áp dụng hai hình thức học song song. Những vùng dịch bệnh được kiểm soát tốt đã tổ chức cho học sinh đến trường, còn ở một số khu vực như TP Vinh vẫn tiếp tục dạy học trực tuyến. Theo chia sẻ của ông Đào Công Lợi, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều hoạt động thực hành, trải nghiệm nên học sinh gặp không ít khó khăn khi học trực tuyến. Do đó, học sinh khi được đến trường hoạt động học tập này được ưu tiên. Với những nơi còn học trực tuyến, sở đã hướng dẫn giáo viên nâng cao kỹ năng ứng dụng giáo án điện tử, tăng thời lượng hướng dẫn học sinh ôn tập; kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện lỗ hổng kiến thức, có phương án bù đắp kịp thời. Đến nay, các em dù học trực tiếp hay trực tuyến đều bảo đảm kiến thức tối thiểu để hoàn thành chương trình các môn học.

Bù đắp kiến thức cho học sinh trong
 Học sinh Trường THCS Thăng Long, Ba Đình, Hà Nội trong thời gian học trực tiếp.

Để bảo đảm đánh giá công bằng về chất lượng giữa hai hình thức học này, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An hướng dẫn các trường tranh thủ "thời gian vàng" đến trường để các em được kiểm tra trực tiếp. Nếu tình hình dịch kéo dài, các trường có thể kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Cùng với các giải pháp kỹ thuật, giáo viên cải thiện ma trận đề, làm bảng đặc tả câu hỏi và kỹ năng chuyên môn để nâng cao chất lượng kiểm tra trực tuyến. Trường hợp học sinh không thể tham gia kiểm tra trực tuyến, các trường sẽ tổ chức kiểm tra bù trong thời gian phù hợp hoặc giao đề tài học tập cho các em như một hình thức kiểm tra.

Ở những nơi đang tổ chức học theo hình thức trực tuyến, dù chưa có hướng dẫn cụ thể về việc học sinh trở lại trường nhưng mỗi trường đều đã xây dựng cho mình kế hoạch riêng khi học trực tiếp. Đa số các trường tận dụng thời gian học sinh được tới trường để truyền đạt kiến thức cơ bản nhất. Thầy Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội cho biết: "Việc đầu tiên khi học sinh đi học trực tiếp là bảo đảm thực hiện đúng tiến độ chương trình năm học. Tiếp đến tranh thủ khoảng thời gian này củng cố cho học sinh những kiến thức cơ bản mà các em học chưa tốt. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi thầy cô phải có kế hoạch dạy học rất khoa học. Nhà trường dự kiến tăng cường những tiết học buổi chiều cho học sinh". Tuy nhiên, thầy Nguyễn Quý Xuân cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có những định hướng, cơ chế cụ thể để nhà trường hoạch định kế hoạch tốt hơn. Chẳng hạn, yêu cầu trong khoảng thời gian nào các thầy cô thực hiện việc hoàn thành chương trình; việc củng cố kiến thức cũ ra sao. Như vậy sẽ tính được thời gian thiếu của các thầy cô một cách cụ thể, cũng như kinh phí thực hiện...

Tránh gây áp lực, quá tải

 Ngày 15-11, Đà Nẵng dự kiến cho học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12 đến trường học trực tiếp. Vì vậy, các trường học đã xây dựng đồng thời hai phương án tổ chức kiểm tra giữa học kỳ 1, trong đó ưu tiên tổ chức kiểm tra khi học sinh trở lại trường học trực tiếp. Cùng với đó, các trường đều phải chủ động xây dựng phương án kiểm tra định kỳ trực tuyến để bảo đảm tiến độ. Nếu tổ chức kiểm tra theo phương án này, giáo viên sẽ khảo sát để xây dựng đề kiểm tra phù hợp, không quá áp lực nhưng vẫn đủ để phân loại, đánh giá học sinh. Thầy Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) cho rằng, để tránh áp lực cho học sinh vừa mới đi học tập trung, nhà trường sẽ lựa chọn một số môn tổ chức kiểm tra chung. Dự kiến sẽ kiểm tra tập trung với các môn Toán, Lý, Hóa, Anh. Những môn kiểm tra chung sẽ đổi ca để tập trung được toàn khối. Những môn còn lại, các tổ chuyên môn sẽ chỉ đạo giáo viên ra đề trên tinh thần đề cương ôn tập chung của tổ.

Từ giữa tháng 10, khi dịch Covid-19 tại Bắc Ninh có chiều hướng phức tạp, một số địa phương xếp loại mức độ dịch cấp độ 3 (xã Đông Tiến, huyện Yên Phong), cấp độ 4 (thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ), những cơ sở giáo dục thuộc các địa phương này đã chuyển sang tổ chức dạy học trực tuyến. Ông Nguyễn Thế Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang triển khai đồng thời hai hình thức dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến. Các trường đã tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là đối với các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố kiến thức. Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh cũng lên kế hoạch triển khai kiểm tra giữa học kỳ 1 đối với các cấp tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên tổ chức từ ngày 10 đến 12-11. Đối với các cơ sở giáo dục ở địa phương mức độ dịch cấp độ 1, 2, học sinh tham gia làm kiểm tra trực tiếp; mỗi buổi kiểm tra chỉ tổ chức đối với nhiều nhất hai khối lớp. Những nơi còn học trực tuyến, các trường chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra bằng hình thức trực tuyến hoặc bài thực hành, dự án học tập. Nội dung kiểm tra, đánh giá căn cứ theo chương trình lõi do Bộ GD&ĐT ban hành, không gây quá tải đối với học sinh.

Khẳng định cùng với thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng việc cần làm ngay khi học sinh trở lại của các nhà trường là rà soát, đánh giá kết quả học tập của học sinh để sau đó ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức cho các em phù hợp với từng đối tượng. Bộ GD&ĐT cũng có các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.

THU HÀ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/bu-dap-kien-thuc-cho-hoc-sinh-trong-thoi-gian-vang-676120

  • Từ khóa