Giai đoạn 2010-2019, số lượng doanh nghiệp ngoài Nhà nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và môi trường đã tăng mạnh. Thời gian tới, cần tiếp tục thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong hai lĩnh vực cụ thể là năng lượng tái tạo và chính sách huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam.
Thời gian tới, cần tiếp tục thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong hai lĩnh vực cụ thể là năng lượng tái tạo và chính sách huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Ảnh minh họa |
Ngày 3/11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến về nâng cao vai trò của đầu tư tư nhân đối với tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Thông tin từ CIEM cho biết, giai đoạn 2010-2019, số lượng doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và môi trường tăng mạnh, đặc biệt là đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo, nước sạch, dịch vụ thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn.
Cụ thể, số doanh nghiệp ngoài Nhà nước kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng tăng từ 69 công ty trong năm 2010 lên 777 công ty vào năm 2019. Đối với lĩnh vực môi trường, số doanh nghiệp tư nhân từ 693 công ty trong năm 2010 đã tăng đến 2.713 công ty vào năm 2019.
Tuy nhiên, quy mô dự án và doanh thu của các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM, thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân, thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư của khu vực này tham gia vào các hoạt động hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ kép, vừa thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, vừa thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng 4.0, Chiến lược tăng trưởng xanh và các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Nhóm chuyên gia nghiên cứu của CIEM khuyến nghị cần ưu tiên thực hiện một số nội dung.
Thứ nhất, đẩy mạnh thể chế hóa quan điểm của Đảng về các định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tư nhân. Cụ thể, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, từng bước tạo dựng thị trường năng lượng đầy đủ theo cơ chế thị trường, trên cơ sở đảm bảo thông thoáng, minh bạch, công bằng giữa mọi thành phần kinh tế.
Thứ hai, thống nhất quan điểm xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế chính sách vừa bắt buộc, vừa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh, thực thi trách nhiệm xã hội đối với môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Thứ ba, nghiên cứu ban hành các cơ chế thí điểm triển khai các dự án hợp tác công-tư (như thu gom và xử lý chất thải, cấp nước sạch,…) có quy mô nhỏ hơn 200 tỷ đồng ở các vùng nông thôn, đô thị nhỏ làm cơ sở cho việc điều chỉnh bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công-tư (PPP).
Ngoài các giải pháp trên, theo các chuyên gia, cần nâng cao chế tài, tính chịu trách nhiệm người gây ô nhiễm; đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng thẩm định, đàm phán hợp đồng dự án PPP cho các bộ ngành và địa phương; xây dựng các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về PPP cho toàn xã hội về vai trò của người dân trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính cho dịch vụ chất thải với Nhà nước./.
Minh Ngọc/baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/Kinh-te/Thu-hut-kinh-te-tu-nhan-dau-tu-vao-tang-truong-xanh/451903.vgp