Sáng 4/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo chuyên đề xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý vào dự thảo Đề án “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, giai đoạn 2022-2030”.
Các đại biểu đóng góp ý kiến trong khuôn khổ Hội nghị.
Đề án do Trung ương Đoàn triển khai theo Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Dự thảo Đề án hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thanh thiếu nhi trên không gian mạng, góp phần xây dựng thế hệ trẻ có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hóa, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng và kỹ năng đưa đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong kỷ nguyên số.
Đồng thời, tạo sức đề kháng để thanh thiếu nhi chủ động sàng lọc, nhận diện thông tin “xấu, độc”, tiếp nhận thông tin tích cực trên không gian mạng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp sức trẻ thực hiện hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Dự thảo Đề án đặt ra nhiều chỉ tiêu chi tiết theo từng giai đoạn, đáng chú ý có việc 70% hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội được triển khai hoặc tương tác trên không gian mạng trong giai đoạn 2022-2025 và đạt 90% trong giai đoạn 2026-2030; 50% thanh niên sử dụng, tương tác thường xuyên với ứng dụng di động “Thanh niên Việt Nam” trong giai đoạn 2022-2025 và nâng lên 70% trong giai đoạn 2026-2030.
Sau khi triển khai, Đề án sẽ có nhiều sản phẩm cụ thể, tiêu biểu như bảo tàng trực tuyến “Tự hào tuổi trẻ Việt Nam”; Cổng thông tin Học tập lý luận chính trị trực tuyến; Tổng đài hỗ trợ và ứng cứu thanh thiếu nhi trên không gian mạng; nâng cấp các trang mạng xã hội của tổ chức Đoàn, Hội, Đội…
Tại Hội thảo, dưới sự điều hành của Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã thẳng thắn nêu lên tình hình thực tế về việc tiếp nhận, chia sẻ thông tin của thanh thiếu nhi trên không gian mạng hiện nay. Qua đó, đề xuất những cơ chế, chính sách nhằm tạo ra những sản phẩm tuyên truyền, giáo dục phù hợp, hấp dẫn, hình thành môi trường mạng xã hội tích cực, lành mạnh, an toàn đối với giới trẻ.
LINH PHAN