Ngày 4-11, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Thanh niên và Tập đoàn Thiên Long tổ chức Tọa đàm “Hành trình 20 năm tiếp sức mùa thi”.
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam cho biết, trải qua 20 năm (2002-2021), Chương trình “Tiếp sức mùa thi” đã kịp thời chuyển mình, linh hoạt, sáng tạo với nhiều cách làm, mô hình hay, hỗ trợ hiệu quả các thí sinh và người nhà thí sinh. Chương trình luôn là người bạn gắn bó, đồng hành cùng thí sinh và người nhà trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi. Từ chương trình đã có hàng triệu chỗ trọ an toàn, giá rẻ hoặc miễn phí; hàng trăm nghìn vé xe buýt, suất ăn miễn phí; hàng trăm chuyến xe tình nguyện; hàng vạn cẩm nang, bản đồ chỉ dẫn và nhiều hoạt động tiếp sức, hỗ trợ ý nghĩa, thiết thực khác.
Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam phát biểu tại chương trình. |
Thông qua đó, chương trình đã góp phần giảm bớt lo lắng, động viên tinh thần, khuyến khích nỗ lực và chia sẻ yêu thương, kết nối cộng đồng; tiếp thêm sức mạnh, nghị lực và niềm tin để các thí sinh thực hiện thành công ước mơ bước vào giảng đường đại học, cao đẳng.
Đây cũng là môi trường để thanh niên, sinh viên tình nguyện thể hiện tinh thần xung kích, ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ với xã hội. Những trải nghiệm đó là hành trang, kỹ năng cần thiết để các bạn vững vàng, tự tin trong học tập, lao động, rèn luyện và cống hiến. “Tiếp sức mùa thi” đã trở thành một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Trải qua 20 năm, chương trình đã hỗ trợ gần 20 triệu thí sinh và người nhà thí sinh trong cả nước; triển khai hơn 58.600 đội hình tình nguyện các cấp, với sự tham gia của hơn 1 triệu thanh niên, sinh viên tình nguyện; tổng nguồn lực huy động được là gần 200 tỷ đồng.
Tại tọa đàm, các đại biểu chia sẻ, trao đổi về mô hình, kinh nghiệm, cách làm hay và đề xuất giải pháp để phát triển chương trình trong thời gian tới, như: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tăng cường sự tham gia của đội ngũ giảng viên, giáo viên trẻ, sinh viên có kiến thức, năng lực sư phạm; triển khai chương trình theo hướng đổi mới, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu của từng địa phương, đơn vị…
KHÁNH MINH - DƯƠNG TRIỀU/qdnd.vn