Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Pháp

Thứ 6, 05.11.2021 | 08:30:00
337 lượt xem

rong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, sáng 4/11 (giờ Paris), tại trụ sở Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF) ở thủ đô Paris, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Pháp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và phối hợp với MEDEF International.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Pháp.

Sự kiện quy tụ hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp của 2 nước, bao gồm các CEO, đại diện các tập đoàn lớn của nước chủ nhà Pháp như BNP Paris Bas, Colas Rail, Groupe La poste, Idemia, Société Générale, EDF, Alstom, Total, Airliquide, Thales, Safran, Airbus, Bougues Construction, Schneider Electric, Servier International, Ratp,… cùng theo đó là sự hiện diện của các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như Vingroup, Sovico, FPT, Trung Nam, Viettel, Gleximco, Alphanam, Viettel, CT Group, Vinamilk, T&T, Vietjet, Bamboo, Vietnam Airlines, Mia Fruit...

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng bởi sự tham dự đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp 2 bên; tin tưởng đây là tiền đề để việc hợp tác của các doanh nghiệp thành công.

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp cần nghiên cứu, trao đổi, thể hiện lòng tin với nhau, đầu tư vào các lĩnh vực có xu thế phát triển của thời đại; kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Pháp. Các doanh nghiệp Pháp tăng cường đầu tư vào Việt Nam, tương xứng tiềm năng, thế mạnh, sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam Pháp, mang lại hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp, lợi ích 2 nước, phù hợp xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển.

Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Pháp -0

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn.

Thủ tướng lưu ý, các doanh nghiệp không những cần đầu tư về vốn mà cần cả góp ý, tư vấn xây dựng thể chế, chính sách, cải cách hành chính; tìm các nguồn tài chính xanh đầu tư các ngành mới nổi; công nghệ xanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao quản trị quốc gia.

Đề cập về quan hệ Việt - Pháp, Thủ tướng nêu rõ, thật khó để tìm được đủ từ nào mô tả hết quan hệ sâu sắc toàn diện, truyền thống lâu năm giữa Việt Nam và Pháp. Hai nước có duyên nợ với nhau, có lúc thăng trầm. Tuy nhiên, chúng ta có nền tảng vững chắc. Chúng ta đang hướng đến tương lai, không định kiến quá khứ. Đây là giá trị, nền tảng để chúng ta hợp tác...

Điều quan trọng là, trong hợp tác, chúng ta không có xung đột mà chỉ bổ sung, hoàn thiện, thúc đẩy phát triển mỗi nước, càng ngày gắn chặt, bền chặt, tin tưởng. Trong quan hệ quốc tế, lòng tin chính trị hết sức quan trọng. Khi tin cậy chính trị được củng cố, tăng cường sẽ chi phối toàn bộ các lĩnh vực khác.

Đối mặt các vấn đề môi trường, Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động nặng nề nhất vì biến đổi khí hậu. Về vấn đề này, Việt Nam cần Pháp giúp đỡ về vốn, công nghệ, thể chế chính sách, quản lý nhà nước...

Thủ tướng cũng bày tỏ cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp Pháp, cộng đồng quốc tế trao hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; nêu rõ, hiện nay, khi chưa đủ nguồn vaccine thì Việt Nam phải thực hiện biện pháp hành chính bắt buộc trong phòng, chống dịch. Sau đó, Việt Nam nhanh chóng tìm ra các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, hiện đang chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh...

Tổ chức và chủ trì hội nghị, Chủ tịch Nghiệp đoàn MEDEF, Geoffroy Roux de Bezieux chia sẻ, ông rất vui mừng vì đại diện của các doanh nghiệp Pháp đến tham dự Diễn đàn này với số lượng vô cùng lớn và nếu không có những rào cản nghiêm ngặt về các cách ly dịch tễ thì số lượng này còn lớn hơn rất nhiều.

Điều này minh chứng một cách hoàn hảo cho tầm quan trọng và sự quan tâm mà các tập đoàn lớn của Pháp dành cho Việt Nam, một trong những quốc gia hiếm hoi có tốc độ tăng trưởng tích cực vào năm 2020, có tiềm năng tăng trưởng lớn và nhiều lợi thế…

Ông Bezieux khẳng định: “Mối quan hệ song phương rất tốt đẹp của 2 nước Việt - Pháp đã và đang chuyển thành các trao đổi kinh tế quan trọng và đa dạng, nhưng vẫn hoàn toàn có thể phát triển hơn nữa. Đây chắc chắn là động lực và là thời cơ cho doanh nghiệp 2 nước trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam có hiệu lực vào năm ngoái…”.

Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn 2,8 lần, từ khoảng 1,67 tỷ USD vào năm 2010 lên 4,81 tỷ USD vào năm 2020 (đứng thứ ba trong EU chỉ sau Đức, Hà Lan).

Trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều ở mức hơn 3,51 tỷ USD, giảm 1,7% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu là 2,25 tỷ USD, giảm 9,9% và nhập khẩu đạt hơn 1,26 tỷ USD, tăng 17%.

Về hợp tác đầu tư, Pháp hiện có 633 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 3,62 tỷ USD, tăng 2,3 lần kể từ năm 2010. Hiện, Pháp đang đứng thứ 16/141 quốc gia/vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và thứ hai trong các quốc gia thành viên EU, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (30,8%) và năng lượng (29,6%).

Nối tiếp phiên tọa đàm chính là 6 phiên tọa đàm bàn tròn kết nối theo hình thức Chính phủ với doanh nghiệp (B2G), doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) được chủ trì bởi các Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nông nghiệp,.... Rất nhiều thảo luận xuyên suốt tại hội nghị, nội dung được các đại biểu tham dự đánh giá là vô cùng hấp dẫn và có tính thời sự hiện nay như phát triển nông nghiệp bền vững và năng lượng sạch, đòn bẩy số hóa, vai trò của chủ quyền số và chuyển đổi số trong doanh nghiệp…

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Tọa đàm doanh nghiệp Việt Pháp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và MEDEF International phối hợp đồng tổ chức tại Paris là hội nghị kinh tế vô cùng ý nghĩa và thiết thực đối với cộng đồng các doanh nghiệp giữa 2 nước, hội tụ không chỉ hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Pháp mà còn có sự hiện diện của gần 50 doanh nghiệp Việt Nam đi cùng đoàn Thủ tướng, đại diện trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, tạo nhiều cơ hội kinh doanh, kết nối đầu tư, thương mại trực tiếp.

Về đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án: (i) thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; (ii) có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; (iii) thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam”.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến hơn 30 văn kiện hợp tác và biên bản ghi nhớ (MOU) trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, năng lượng, công nghệ, động cơ máy bay, phát triển vùng, địa phương, đã ký kết, được trao giữa 2 bên.

Điển hình trong số đó là: thỏa thuận hỗ trợ về xây dựng quy hoạch các địa phương giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với thành phố Deauville của Pháp; thỏa thuận phát triển du lịch giữa Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch với Vùng Normandie của Pháp; hợp tác giữa T&T và Total về năng lượng, T&T và Trung tâm phòng, chống ung thư Francois Bacclesse; MOU giữa Vinfast và Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF); phát triển các dự án năng lượng tái tạo giữa Vinacapital với EDF Renouvables; ngân hàng BNP Paris Bas với CT Land Group; VNPT và Thales; FPT và Skywise; Đại học Văn Lang và Đại học Perpignan; Sovico và Unessco; Mia Fruit với Amélie Gateway EU;…

Bên lề sự kiện, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã trao tặng Bộ Y tế Việt Nam tấm séc tượng trưng 304.874 euro từ các cá nhân và doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam ủng hộ Chiến dịch “Breathe Again - Hồi sinh Nhịp thở”.

Theo EuroCham, toàn bộ số tiền này được dùng để mua các trang thiết bị và dụng cụ y tế của châu Âu cho các bệnh viện thuộc các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Việt Nam, góp phần đồng hành và gánh vác với Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy lùi đại dịch Covid-19.

* Trước đó, đầu giờ sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và tham dự phiên đối thoại bàn tròn với 11 chủ tịch và CEO các tập đoàn lớn của Pháp, như: Alstom, Ngân hàng BRED, Safran; Thales, Air Liquide, EDF, MSC Mediterrane an shipping, Schneider Electric, Mazars, Quandran International, CFM do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức.

Buổi tọa đàm diễn ra cởi mở, chủ động không chỉ với sự tham gia của các doanh nghiệp Pháp mà còn có sự tham dự của các chủ tịch và CEO của nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn Việt Nam, như: Vingroup, Sovico, T&T, Trung Nam, Vietjet, Bamboo, Vietnam Airlines,...

Các doanh nghiệp Pháp đã giới thiệu về những thành tựu đã đạt được trong quá trình hợp tác kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, các dự án đầu tư hợp tác thương mại trong tương lai và đề xuất các biện pháp tạo thuận lợi và tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Tại buổi đối thoại, dưới sự chủ trì của Thủ tướng, hàng loạt các câu hỏi và khúc mắc của phía Pháp đặt ra đã được các bộ trưởng ngành tháo gỡ và giải quyết thỏa đáng. Doanh nghiệp 2 bên bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin với những cơ hội hợp tác giữa 2 nước trong bối cảnh hậu Covid-19 khi đại dịch đang nhanh chóng được đẩy lùi cùng những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách.

* Đầu giờ sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Patrick Pouyanne, Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Total.

Tại cuộc gặp, Tổng Giám đốc Patrick Pouyanne cho biết, tập đoàn rất quan tâm thị trường Việt Nam với nhu cầu năng lượng sẽ gia tăng song song với quá trình phát triển; bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác về các dự án năng lượng tái tạo.

Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Pháp -0

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Patrick Pouyanne, Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Total.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Total sau 30 năm đầu tư vào Việt Nam với nhiều kinh nghiệm và sự hiểu biết về Việt Nam, đề nghị Total tiếp tục mở rộng đầu tư trong những năm tới đây trong các lĩnh vực thế mạnh, bảo đảm hiệu quả cho cả 2 bên; trong đó, lưu ý đáp ứng kịp thời những chuyển đổi trong xu thế sử dụng năng lượng phát triển bền vững của Việt Nam. 

Thủ tướng cho biết, Việt Nam mong muốn nhận được góp ý của Total và các nhà đầu tư khác về mặt chính sách, quy hoạch... Việt Nam có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư phối hợp các đối tác Việt Nam để nâng cao năng lực tài chính, công nghệ, năng lực quản trị... Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục có các cuộc làm việc để lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.


Tin, ảnh: THANH GIANG/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/tang-cuong-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-va-dau-tu-viet-nam-phap-672543/

  • Từ khóa