Ngày 5/3, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức tọa đàm “Doanh nghiệp đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức”.
Quang cảnh toạ đàm
Tọa đàm nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị… về quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 theo hướng thông minh, sáng tạo, tương tác cao.
Để phát triển nhanh và bền vững, thành phố Thủ Đức đang tập trung phát triển mạnh khoa học và công nghệ; công nghệ tài chính; y tế và chăm sóc sức khỏe; công nghệ sinh học, công nghệ sinh thái; giáo dục và đào tạo bậc cao; nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao…. Đây là những tiền đề quan trọng để Thủ Đức hướng tới đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu...
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, dựa trên những lợi thế so sánh và những yếu tố sẵn có, thành phố Thủ Đức nên tập trung vào 4 nhóm vấn đề: kinh tế ứng dụng công nghệ cao; khu vực trọng điểm về sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh; liên kết với các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu… để xây dựng Thủ Đức trở thành trung tâm giao thương; và có các giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước.
Cùng với đó, thành phố Thủ Đức phải đi tiên phong trong việc khai thác hiệu qua về lĩnh vực cảng biển, logistics. Trong đó, tập trung khai thác tiềm năng cảng Cát Lái, xem xét việc kết nối giao thông không chỉ ở trong khu vực thành phố mà còn với các tỉnh lân cận, khu công nghiệp lớn. Vấn đề hậu cảng, tạo điều kiện thuận lợi để tập kết hàng hóa, lưu trữ hàng hóa cũng cần tính toán kỹ lưỡng...
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để hướng đến hình thành khu đô thị thông minh, sáng tạo, tương tác cao, thành phố Thủ Đức phải xây dựng được khung pháp lý, phát huy sáng tạo, quy hoạch phải có tầm nhìn xa. Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư chiến lược; chiến lược đưa ra cần linh hoạt, đa dạng, thích ứng với thực tiễn.
Cùng với đó, thành phố Thủ Đức cần có giải pháp số hóa, áp dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính công. Kênh đối thoại trực tiếp với người dân, doanh nghiệp qua nền tảng mạng xã hội cũng cần được thành phố Thủ Đức tính đến. Quy hoạch phải mang tầm nhìn tổng thể và phân kỳ thực hiện đầu tư với các lĩnh vực về giao thông, hạ tầng công nghê thông tin, xử lý rác thải, khu dân cư kiểu mẫu…
Diện tích thành phố Thủ Đức hơn 211 km2, với tổng dân só hơn 1 triệu người. Theo quy hoạch, đến năm 2040, thành phố Thủ Đức sẽ được phát triển thành trọng điểm sáng tạo và trung tâm đổi mới, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân thành phố Thủ Đức.
Theo nhandan.vn