Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu là tấm gương đạo đức sáng ngời của một con người tận trung với nước, tận hiếu với dân, không màng danh lợi.
Với 39 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, trong đó có hơn 7 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc, đồng chí luôn có niềm tin tuyệt đối với Đảng, niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi tất yếu của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5-5-1902 trong một gia đình nhà Nho, có truyền thống yêu nước ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ, vốn thông minh, ham học, Phan Đăng Lưu theo học chữ Hán, sau học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Giai đoạn 1923-1924, sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang, Phan Đăng Lưu được nhận vào làm viên chức của Sở Canh nông Bắc Kỳ rồi chuyển sang Sở Canh nông Trung Kỳ. Đồng chí đã sớm nhận ra rằng, một công chức dưới chế độ thực dân không dễ gì làm lợi cho dân, cho nước; đồng chí quyết định chuyển hướng tập trung vào nghiên cứu các môn khoa học chính trị-xã hội, coi đó là khởi điểm cho con đường đi mới của mình.
Tượng đài Phan Đăng Lưu ở thị trấn Yên Thành (Nghệ An). Ảnh: Báo Nghệ An. |
Từ một công chức, đồng chí đã trở thành nhà hoạt động cách mạng tràn đầy nhiệt huyết, tham gia hoạch định đường lối, phát triển tổ chức, đào tạo cán bộ và đặc biệt là góp phần quan trọng vào việc định hướng phát triển Đảng Tân Việt theo đường lối của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập năm 1925. Đồng chí tham gia lập lại Xứ ủy Trung Kỳ, được cử vào ban lãnh đạo Xứ ủy và tham gia chỉ đạo cuộc đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ ở Trung Kỳ, trực tiếp chỉ đạo cuộc tuyển cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ (đầu năm 1937). Tháng 9-1937, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục tham gia lãnh đạo Xứ ủy Trung Kỳ; tháng 9-1939, được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ. Sau khi tham gia Hội nghị Trung ương lần thứ bảy của Đảng (tháng 11-1940) tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), khi vừa về đến Sài Gòn, đồng chí Phan Đăng Lưu bị mật thám Pháp bắt; ngày 3-3-1941, đồng chí bị tòa án binh của chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, với tầm nhìn chiến lược, đồng chí Phan Đăng Lưu luôn tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức quần chúng giác ngộ cách mạng, lý tưởng của Đảng, thể hiện rõ là: Cuối năm 1927, đầu năm 1928, trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Đảng Tân Việt phụ trách tuyên truyền, đồng chí đã dịch và biên soạn nhiều tư liệu quý như "A.B.C Chủ nghĩa Mác", "Dân chủ mới"; dịch các cuốn "Xã hội luận", "Lịch sử các học thuyết kinh tế"... Các cuốn sách và bài viết của đồng chí đã góp phần thiết thực thức tỉnh nhiều trí thức, thanh niên, học sinh và thấm dần vào các tầng lớp nhân dân lao động. Trong chốn lao tù, nhận thấy lính gác ngục người dân tộc Ê Đê vừa không biết tiếng Kinh, vừa bị kích động hằn thù dân tộc, chia rẽ Kinh-Thượng, đồng chí Phan Đăng Lưu đã kết hợp với một số anh em tù chính trị bí mật ra tờ báo “Doãn Đê tù báo”. Tờ báo được bí mật viết tay, lưu truyền trong nội bộ nhà tù, báo ra hằng tuần, đọc xong rồi hủy đi, vừa là công cụ giác ngộ lính người dân tộc Ê Đê, vừa là công cụ tuyên truyền của Đảng.
Lãnh đạo Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí đã chỉ đạo cuộc đấu tranh cải tổ Viện Dân biểu Trung Kỳ kết hợp với các cuộc đấu tranh của quần chúng giành thắng lợi to lớn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là đồng chí Phan Đăng Lưu, cuộc đấu tranh đã biến Viện Dân biểu thành diễn đàn đấu tranh công khai của Đảng hướng tới các mục tiêu đòi các quyền tự do, dân chủ: Tập hợp nhân dân đấu tranh đòi giảm thuế, tăng thêm quyền cho Viện Dân biểu, đòi tự do báo chí, thả tù chính trị, tự do nghiệp đoàn, chống bọn phản động thuộc địa, vạch mặt bọn tham quan ô lại lợi dụng chức quyền bán nước, hại dân...
Sau khi được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ (tháng 9-1939), cùng với Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Phan Đăng Lưu đã có nhiều đóng góp quan trọng, đưa phong trào cách mạng Nam Kỳ phát triển lên một bước mới. Nhiều chỉ thị của đồng chí được thi hành nhằm vận dụng thời cơ, siết chặt kỷ luật, củng cố tổ chức đi vào hoạt động bí mật và vận dụng sáng tạo các phương pháp, hình thức đấu tranh phù hợp trên tinh thần đặt yêu cầu “dân tộc giải phóng” lên hàng đầu, đặc biệt là chuẩn bị xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu của Đảng (tháng 11-1939).
Với tầm nhìn chiến lược, tại Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, đồng chí Phan Đăng Lưu nhận thấy thời cơ khởi nghĩa chưa chín muồi, nếu chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, thống nhất trên toàn quốc đã tiến hành khởi nghĩa riêng lẻ sẽ dẫn đến thất bại. Tình hình lúc đó đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thật sáng suốt, kịp thời của Bộ chỉ huy tối cao của Đảng. Tinh thần đó được Trung ương tiếp thu nghiêm túc và có chủ trương, quyết sách phù hợp với tình hình thực tiễn cách mạng; đóng góp to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu góp phần tích cực, quan trọng tạo nên thành công của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy.
Quá trình cống hiến và hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Phan Đăng Lưu luôn thể hiện rõ lòng yêu nước và tình thương yêu nhân dân; đồng chí luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có nhiệt huyết, đạo đức cánh mạng, đồng chí đã đặt công tác đào tạo, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cho Đảng lên hàng đầu. Quan điểm đào tạo cán bộ của đồng chí rất linh hoạt, toàn diện: Dạy chữ Quốc ngữ, khoa học, văn học, báo chí đến lý luận Mác-Lênin, đường lối, chủ trương của Đảng và phương pháp hoạt động cách mạng... tùy trình độ của mỗi lớp, mỗi người mà có chương trình, cách thức phù hợp. Những cống hiến to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu cho Đảng, cho cách mạng là kết quả tất yếu của việc cần kiệm tích lũy vốn hiểu biết sâu rộng trên cơ sở miệt mài học tập, lao động và hoạt động cách mạng. Ở đồng chí Phan Đăng Lưu, tấm gương đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư luôn thống nhất và là sự biểu hiện toàn diện, cụ thể của tấm gương đạo đức tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí Phan Đăng Lưu cùng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc là rất quan trọng và to lớn, thể hiện rõ là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, một nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng, đầy mưu lược, khôn khéo, dũng cảm, kiên cường; cống hiến và hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, trở thành nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
XUÂN TÙNG/qdnd.vn