Biên giới căng mình chống dịch

Thứ 5, 06.02.2020 | 14:17:49
602 lượt xem

Hơn 1.400 bộ đội biên phòng được tăng cường lên bảy tỉnh biên giới để tham gia chống dịch viêm phổi.

Graham Calder (quốc tịch Anh) đáp chuyến tàu liên vận Nam Ninh – Hà Nội tới ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) đêm 3/2. Trên tàu chỉ có hai hành khách là ông và một cô gái người Việt Nam trở về sau chuyến du lịch Liễu Châu (Trung Quốc).

Calder được kiểm tra y tế, đo thân nhiệt ngay khi đặt chân vào nhà ga. Sau đó, cán bộ biên phòng giải thích, ông có thể chọn hai phương án, nếu vào Việt Nam thì thực hiện cách ly 14 ngày hoặc quay trở lại nơi xuất phát. Calder sau đó đã đồng ý quay lại Nam Ninh trên chuyến tàu từ Hà Nội. Còn cô gái lên xe y tế về cách ly tập trung trong một doanh trại quân đội cách đó 15 km.

Graham Calder tại nhà ga Đồng Đăng, đêm 3/2. Ảnh: Giang Huy.

Graham Calder tại nhà ga Đồng Đăng, đêm 3/2. Ảnh: Giang Huy.

"Tôi không vui. Khi lên tàu ở Nam Ninh, không ai nói với tôi điều này", Calder chia sẻ trước khi bước vào phòng cách ly tạm thời ở ga Đồng Đăng. Người đàn ông bay từ Anh sang Trung Quốc và đi tàu từ Nam Ninh vào Việt Nam, với dự định tiếp theo đến Huế.

Trên hành trình du lịch, Calder đã đi qua Trung Quốc – nơi khởi phát của dịch viêm phổi do nCoV gây ra đang làm chao đảo cả thế giới. Trong khi đó WHO khuyến cáo, Việt Nam là nước có nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch từ Trung Quốc do có hơn 1.500 km đường biên giới, nhiều đường mòn, lối mở, cửa khẩu quốc tế giáp Trung Quốc.

Trước lúc Calder đặt chân vào Việt Nam, các tỉnh biên giới phía Bắc đã khởi động quy trình phòng, chống dịch bệnh với hàng loạt biện pháp: Quản lý nghiêm ngặt việc xuất nhập cảnh, đi lại qua các cửa khẩu; cách ly 14 ngày với người Việt Nam về từ vùng dịch ở Trung Quốc; biên phòng lập tổ kiểm soát ngăn người dân sang biên giới qua đường mòn, lối mở...

Với trên 231 km đường biên giới với Trung Quốc, Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế gồm cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng; 2 cửa khẩu quốc gia là Chi Ma, Bình Nghi; 7 cặp chợ biên giới. Đây là một trong số ít trung tâm buôn bán, thương mại quan trọng của cả nước với Trung Quốc, rồi sang các nước Trung Á, châu Âu. Trước khi Thủ tướng công bố dịch, hàng nghìn lao động xuất nhập cảnh qua biên giới mỗi ngày.

Chuyến tàu liên vận Nam Ninh – Hà Nội mà Calder có mặt ngừng chạy sau đó một ngày để phòng dịch nCoV lây lan, sau 11 năm hoạt động. "Tôi thấy an tâm hơn, dù tiền lên ca sẽ ít hơn", anh Nguyễn Đức Chung, trực ban tàu chạy nhà ga Đồng Đăng nói. Những ngày sau đó, anh Chung chỉ phải đón tàu hàng và các tàu nội địa chạy từ Hà Nội lên. Người đàn ông 34 tuổi nói, làm việc trên khu vực biên giới giờ có nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhưng may mắn là Lạng Sơn chưa phát hiện ca mắc nCoV.

Anh Chung cảm nhận được nguy cơ của dịch bệnh vào đêm 30 Tết, khi thấy lực lượng biên phòng, hải quan ở nhà ga đều đeo khẩu trang khi làm việc. Sáng hôm sau, nhân viên nhà ga cũng được yêu cầu đeo khẩu trang. Những ngày kế tiếp, Trạm kiểm soát biên phòng nhà ga cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng đặt biển yêu cầu tất cả các hành khách phải tiến hành kiểm tra y tế trước khi vào làm thủ tục xuất nhập cảnh và đề nghị khách không nhập cảnh vào Việt Nam nếu có dấu hiệu mắc virus corona. Thông báo được viết bằng ba thứ tiếng Việt, Trung và Anh.

Nhân viên phục vụ trên tàu liên vận Nam Ninh - Hà Nội làm thủ tục kiểm tra y tế. Ảnh: Giang Huy.

Nhân viên phục vụ trên tàu liên vận Nam Ninh - Hà Nội làm thủ tục kiểm tra y tế. Ảnh: Giang Huy.

Cửa khẩu Hữu Nghị những ngày này thông quan chỉ vài trăm lượt, trong khi trước Tết bình quân mỗi ngày 5.000 người qua lại cửa khẩu. Trạm biên phòng cửa khẩu trực 100% quân số và quy trình kiểm dịch được nâng lên ở mức cao hơn. Các lực lượng liên ngành hải quan, biên phòng yêu cầu công dân nhập cảnh phải qua ba bước kiểm tra y tế mới được làm thủ tục. Hôm 2/2, hơn 500 người Trung Quốc chờ nhập cảnh được cán bộ biên phòng vận động quay về, kèm giải thích về dịch bệnh và quy định bắt buộc cách ly 14 ngày nếu vào Việt Nam. 

Sáng 4/2, khi những người khác đã xong thủ tục và lên xe đi cách ly, tám người trong gia đình chị Nguyễn Thị Loan vẫn ngồi chờ. Chị về quê chồng ở Giang Tây (Trung Quốc) ăn Tết từ hôm 22/1 và giờ quay lại Việt Nam. Từ Giang Tây, đoàn người bay đến Nam Ninh, rồi đi xe khách tới Bằng Tường, chờ được thông quan qua cửa khẩu Hữu Nghị. Song người chồng quốc tịch Trung Quốc bị từ chối nhập cảnh, các thành viên khác mang hộ chiếu Việt Nam được nhập cảnh và phải cách ly 14 ngày.

Chị Loan bày tỏ mong muốn cả gia đình đều được thông quan dù phải cách ly, với lý do rằng mình chỉ sang thăm thân chứ không sống ở Trung Quốc. Nếu người chồng không được nhập cảnh, quay lại sẽ phải chịu cách ly một lần nữa ở Trung Quốc, rất mất thời gian. Giang Tây – quê chồng Loan đã có ca nhiễm bệnh do virus corona. Những ngày ở đó, gia đình chị chỉ loanh quanh trong nhà, ít tiếp xúc với người ngoài, không đi mua sắm, lễ hội. Người trong làng thường xuyên đeo khẩu trang và không cho người lạ vào.

"Giờ là lúc dịch đang rất khó lường, nguy cơ lây nhiễm cao nên cần phải có những biện pháp phòng ngừa kiên quyết", đại uý Nguyễn Tuấn Anh, Trạm phó Trạm biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị giải thích. Anh cho biết, người Trung Quốc sang Việt Nam với nhiều mục đích như làm việc, thăm thân, du lịch. Dù chưa biết họ có mang mầm bệnh hay không, nhưng "không thể ưu tiên hay du di cho cá nhân nào". Tất cả đều phải thực hiện theo quy định chống dịch, ngay cả trường hợp hộ chiếu ngoại giao lúc này cũng phải có ý kiến chỉ đạo từ cấp trên.

Những ngày qua, Bộ đội biên phòng Lạng Sơn tăng cường cán bộ lên biên giới, lập hàng chục tổ công tác chốt chặn các đường mòn, lối mở để ngăn công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép. Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh quản lý 13,4 km đường biên giới, lập 12 lán dã chiến cùng các tổ công tác. Bình quân cứ một km biên giới lại có một tổ kiểm soát kèm một lán.

Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) hiện tạm ngừng nhập cảnh công dân Trung Quốc. Ảnh: Giang Huy.

Lực lượng chức năng làm việc ở Cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: Giang Huy.

Tại Quảng Ninh, đường phố ở Móng Cái ít người đi lại, chợ trung tâm đóng cửa, nhà hàng vắng khách, không có bóng dáng thành phố vùng biên sầm uất trước Tết. Cách vài tiếng, loa truyền thanh lại vang bản tin về diễn biến của dịch bệnh kèm hướng dẫn cách phòng chống. Mỗi ngày, đội y tế đều đi phun khử trùng các con ngõ, khu phố.

"Y tế phường cùng cán bộ địa phương đi từng nhà kiểm tra sức khoẻ, lập hồ sơ điện tử theo dõi", chị Nguyễn Thị Thanh, nhân viên lễ tân khách sạn tại TP Móng Cái cho hay. Trước ngày hạn chế xuất nhập cảnh, thành phố vẫn có nhiều người Trung Quốc khiến chị Thanh lo lắng. Đi làm về, chị phải tắm rửa, sát trùng rồi mới dám gặp con.

Cũng như Lạng Sơn, biên phòng Quảng Ninh quản lý nghiêm ngặt việc xuất nhập cảnh, đi lại qua các cửa khẩu. Lực lượng chức năng khử trùng cửa khẩu Móng Cái hai lần mỗi ngày và cả hành lý của người dân khi qua lại ở đây.

Quảng Ninh lập hai trung tâm cách ly khác nhau. Công dân trở về có dấu hiệu ho, sốt sẽ vào Bệnh viện cách ly đặc biệt. Những người nhập cảnh có thân nhiệt bình thường được đưa đi cách ly tại một số cơ sở lưu trú, khách sạn trên địa bàn trong 14 ngày, với sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Khu cách ly tạm thời nằm trong khu vực cửa khẩu Móng Cái. Ảnh: Minh Cương.

Khu cách ly tạm thời nằm trong cửa khẩu Móng Cái. Ảnh: Minh Cương.

Tại Cao Bằng, để ứng phó dịch bệnh, bộ đội biên phòng cũng chỉ đạo các đồn lập 70 tổ công tác ngăn chặn trên biên giới. Mỗi tổ gồm 4 người, có cả công an, dân quân cùng tham gia. Biên phòng đã tạm thời dừng hoạt động qua lại ở cửa khẩu phụ, lối mở.

Hơn 6.000 khẩu trang y tế kèm dung dịch sát khuẩn được trang bị cho bộ đội khi làm nhiệm vụ. Gần đây, đồn biên phòng quốc tế Tà Lùng (Cao Bằng, Việt Nam) đã tặng cho trạm kiểm soát biên phòng xuất nhập cảnh Thuỷ Khẩu (Trung Quốc) 5.000 khẩu trang.

Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng phòng chống dịch nCoV ước tính, quân số biên phòng trực thời điểm này của bảy tỉnh biên giới khoảng 1.000 người, kiểm soát 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 21 cửa khẩu phụ và hàng chục đường mòn, lối mở dọc biên giới.

Hàng trăm công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc bằng đường bộ qua 5 cửa khẩu Hữu Nghị, Lào Cai, Tây Trang, Thanh Thuỷ, Móng Cái sau khi nhập cảnh được đưa đi cách ly 14 ngày trong các trung tâm cách ly do quân đội lập. Các quân khu, quân đoàn đã chuẩn bị khoảng 31.000 giường, nơi ở cùng đồ sinh hoạt, đồ ăn... cho công dân.


Hoàng Phương - Minh Cương/vnexpress.net

https://vnexpress.net/thoi-su/bien-gioi-cang-minh-chong-dich-4050949.html

  • Từ khóa