TGĐ VPF Trần Anh Tú chia sẻ quan điểm cá nhân về giá trị bản quyền truyền hình của V-League còn thấp và nhận định đây là yếu tố lịch sử để lại.
Chiều 6/2 đã diễn ra lế ký kết hợp tác và ra mắt nhà tài trợ chính của V-League và giải bóng đá hạng Nhất Quốc gia (V-League 2) mùa giải 2020. Từ chối chia sẻ chi tiết về hợp đồng tài trợ của Tập đoàn LS Holdings đến từ quê hương Hàn Quốc của HLV Park Hang Seo nhưng TGĐ VPF Trần Anh Tú cũng bày tỏ quan điểm cá nhân về vấn đề giá trị bản quyền truyền hình của V-League và giải bóng đá hạng Nhất Quốc gia.
Tập đoàn LS Holdings đến từ Hàn Quốc sẽ là nhà tài trợ chính của V-League và giải bóng đá hạng Nhất Quốc gia (V-League 2) mùa giải 2020. (Ảnh: Vy Vũ). |
PV: Thưa ông Trần Anh Tú, dù không thể tiết lộ cụ thể nhưng ông có thể chia sẻ số tiền thu được từ các nhà tài trợ các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mùa này có cao hơn năm ngoái không và có đảm bảo đúng mục tiêu đề ra của VPF?
Ông Trần Anh Tú: Tổng số tài trợ của V-League và giải hạng Nhất Quốc gia mùa này cao hơn năm ngoái. Ngoài nhà tài trợ chính, chúng tôi còn nhiều nhà tài trợ đồng hành nữa, cùng các bản quyền thương mại khác. Tổng số tiền của năm 2020 hi vọng sẽ cao hơn 2019.
PV: Đây có phải là một tín hiệu tích cực, hứa hẹn một mùa giải 2020 hấp dẫn không thưa ông?
Ông Trần Anh Tú: Tất nhiên, hầu hết các nguồn thu đều được sử dụng để đảm bảo cho hoạt động của V-League và các giải bóng đá chuyên nghiệp khác trong nước. Việc có thêm nguồn thu sẽ đảm bảo tốt hơn cho công tác tổ chức của V-League và các giải đấu.
Ông Trần Anh Tú phát biểu trong buổi lễ ký kết hợp tác và ra mắt nhà tài trợ chính V-League và giải bóng đá hạng Nhất Quốc gia (V-League 2) mùa giải 2020. (Ảnh: Vy Vũ). |
Tôi nghĩ việc đảm bảo một mùa giải 2020 thành công, hấp dẫn chỉ phụ thuộc vào yếu tố kinh phí một phần thôi. VPF, VFF dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Thể dục Thể thao luôn luôn cố gắng nâng cao chất lượng công tác tổ chức giải, nhưng đặc biệt tôi muốn nói ở đây là từ chính các CLB.
Các đội bóng đã và đang thay đổi tư duy, ý thức khi tham gia giải đấu trong thời gian qua. Chính nhờ sự thay đổi đó mới tạo nên tính hấp dẫn của giải đấu. Nếu như chỉ có sự nỗ lực của VPF hay VFF và Tổng cục Thể dục Thể thao thì thực sự giải đấu không thể tốt lên được.
Theo TGĐ VPF Trần Anh Tú, giá trị bản quyền truyền hình V-League còn thấp là yếu tố lịch sử để lại. (Ảnh: Vy Vũ). |
PV: Ông đã chia sẻ vấn đề VPF chưa thu được nhiều tiền từ bản quyền truyền hình. Vậy kế hoạch khai thác bản quyền truyền hình của giải đấu của VPF như thế nào trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang khởi sắc và thu hút nhiều người hâm mộ hơn?
Ông Trần Anh Tú: Tôi nghĩ việc tăng giá bản quyền truyền hình là kế hoạch lâu dài trong việc phát triển thương hiệu, hình ảnh của giải đấu. Hiện tại, chúng tôi phụ thuộc vào hợp đồng đã ký với các nhà tài trợ.
Tôi nghĩ với số tiền thu lại chưa nhiều nhưng các đài truyền hình đã phải bỏ ra số tiền lớn trong việc sản xuất các trận đấu các giải vô địch quốc gia. Đây là nỗ lực mang hình ảnh của giải đấu tới người hâm mộ cả nước. Khi hình ảnh thương hiệu của giải đấu cao hơn thì chắc chắn các đài truyền hình sẽ thu lại được nhiều hơn, để bù lấp cho chi phí sản xuất.
PV: Cá nhân ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của bản quyền truyền hình V-League?
Ông Trần Anh Tú: Theo quan điểm của tôi, giá trị thu được chưa tương xứng với giá trị của bản quyền truyền hình. Tuy nhiên, đây là yếu tố lịch sử để lại và chúng ta cũng nên hiểu rằng xuất phát điểm giá trị bản quyền truyền hình V-League gặp rất nhiều khó khăn.
Hi vọng rằng sự phát triển của công nghệ thông tin sẽ giúp bản quyền thương mại các giải đấu vô địch quốc gia tăng giá trị nhiều hơn.
PV: Vâng, xin cảm ơn Ông./.
Minh An/VOV.VN