Nhiều mặt hàng nông sản là thanh long, dưa hấu có nguy cơ bị “đổ bỏ” vì dịch bệnh corona. Các bộ, ngành đã họp khẩn để đưa ra giải pháp ứng cứu kịp thời.
Nông sản gặp khó khi xuất sang Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Để phòng chống dịch lan rộng, phía Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp hạn chế giao thương, trong đó Bằng Tường sẽ lùi thời gian mở các cửa khẩu với Việt Nam đến ngày 9/2/2020 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa từ ngày 3/2/2020).
Nhiều mặt hàng nông sản của ta hiện nay chỉ có thể xuất khẩu qua cửa khẩu phụ. Do vậy, việc lùi thời gian mở cửa khẩu sẽ làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu các loại nông sản này, đặc biệt là các mặt hàng đang vào vụ thu hoạch như dưa hấu, thanh long... Riêng các nông sản như: sầu riêng, khoai lang, yến, thạch chuẩn bị ký nghị định thư để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong năm 2020, đều tạm phải dừng lại.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mặt hàng hoa quả chủ lực là thanh long, dưa hấu chiếm tỉ trọng lớn xuất khẩu sang Trung Quốc. Mặc dù các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam.
Cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp để "giải cứu" nông sản. |
Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện nay vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn. Điều đáng nói, thanh long vẫn đang tiếp tục được đưa lên. Giá thanh long trước Tết là 35.000 đồng/kg, nay chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, dưa hấu còn 1.000 đồng/kg.
Còn theo ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, diện tích thanh long có quả của Long An khoảng 9.587ha (trên tổng số 11.826ha) với sản lượng 320.000 tấn. Từ tháng 1 đến cuối tháng 2/2020, còn khoảng 20.000 tấn đang tồn kho và cuối tháng 2/2020 thu hoạch thêm 28.000 tấn. Thu mua thanh long của Long An chủ yếu là thương lái Trung Quốc và bán chủ yếu bán qua Trung Quốc với 75%, còn 25% sang Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật…
Từ tháng 1 đến nay, 2 công ty có sức mua lớn là: Công ty Hồng Thái Dương mua 30 - 40% sản lượng, đặt cọc 300 container với giá mua 40.000 - 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến nay công ty này ngừng không mua, hứa hỗ trợ cho nông dân 4.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ bù đắp được thiệt hại cho bà con nông dân. Công ty thứ hai là Công ty Phú Quý đã hủy 200 container.
Trước tình hình đó, ngay từ mùng 5 Tết (28/1/2020), Bộ Công Thương đã yêu cầu toàn bộ hệ thống thương vụ tại nước ngoài tổ chức ngay các hoạt động tìm kiếm, kết nối khách hàng mới để chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, đặc biệt là trái cây.
Các chi nhánh Thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam cũng đã và đang tích cực cùng các tỉnh biên giới trao đổi với phía Trung Quốc về thời gian mở lại các chợ biên giới. Bộ cũng đã vận động một số chủ hàng chuyển từ hình thức trao đổi cư dân sang hình thức trao đổi chính ngạch để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ. Mặc dù vậy, kết quả thu được vẫn chưa nhiều.
Nhiều kịch bản ứng phó với dịch
Ngày 3/2, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã chủ trì họp với các bộ, ngành 6 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, các hiệp hội, ngành hàng doanh nghiệp để bàn các giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản Việt - Trung ứng phó với dịch corona.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương, đơn vị tổng rà soát tình hình sản xuất các nông sản, đặc biệt là các nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới để đưa ra các kịch bản ứng phó gắn với các diễn biến tình hình của từng giai đoạn cụ thể. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp, siêu thị… tăng cường thương mại ở trong nước.
Doanh nghiệp cũng cần tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, giảm bớt xuất khẩu sản phẩm tươi, thô. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức thương mại, tìm kiếm, mở rộng các thị trường khác. Thời gian tới, Bộ sẽ có các đoàn công tác sang các thị trường Trung Đông, Hoa Kỳ, Brazil, Nhật Bản, Liên bang Nga… nhằm mục tiêu chiến lược dài hơi.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail (BigC) chia sẻ, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, BigC không đứng ngoài cuộc. BigC cam kết sẽ hỗ trợ tiêu thụ trong phạm vi tối đa với nông dân. Hiện, BigC đang thu mua thanh long tại kho với giá 14.000 đồng/kg, dưa hấu 6.000 đồng/kg.
“Để giúp tiêu thụ nông sản thuận lợi, chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT cho danh sách các sản phẩm nông sản đang tồn đọng để chúng tôi lên chương trình, có ngân sách thu mua hợp lý, thúc đẩy tối đa cho bà con. Các HTX, nông dân nên quay về thị trường nội địa và nghiêm túc với thị trường này. Có một thực tế là, nhiều HTX khi giá xuất khẩu lên thích bán sang Trung Quốc cho nhanh mà không muốn bán cho siêu thị vì hàng vào siêu thị phải qua nhiều khâu đàm phán, nhiều tiêu chuẩn. Nhưng nếu cứ giữ cách làm này thì khi xuất khẩu khó cũng không còn đường vào siêu thị, vì vậy cần tập trung cho thị trường trong nước với gần 100 triệu dân”, bà Phương nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cho biết, Bộ đã có văn bản gửi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đề nghị thông báo cho các doanh nghiệp logictics giúp đỡ bảo quản nông thủy sản trong thời gian chờ xuất khẩu, ưu tiên cho thuê kho lạnh với mức giá ưu đãi. Đề nghị thương vụ tại các nước hiện đã chính thức cho phép nhập khẩu thanh long (ruột trắng, ruột đỏ) của Việt Nam chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp nhập khẩu có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói xuất khẩu thanh long của tỉnh Long An nói riêng và của cả nước nói chung nhằm hỗ trợ tăng cường tiêu thụ và xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường./.
Nhóm PV/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/tim-dau-ra-cho-nong-san-truoc-tam-dich-virus-corona-1007713.vov